Nỗi khổ 'bò' sau xe chạy chậm bám làn trái: Khi nào hết cảnh ức chế trên đường?

Tình trạng bị 'chôn chân' sau một chiếc xe chạy chậm ở làn ngoài cùng bên trái, dù làn bên cạnh hoàn toàn thông thoáng, là một nỗi bức xúc không hề xa lạ với nhiều tài xế Việt Nam.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, câu chuyện về những phương tiện cố tình "ôm" làn trái nhưng lại di chuyển với tốc độ chỉ bằng hoặc chậm hơn tốc độ tối đa cho phép của làn bên phải, đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Nguyên nhân là do xe đi phía sau đã phát tín hiệu xin vượt, nhưng xe chạy chậm phía trước nhất quyết không nhường. Nếu tài xế phía sau tự chuyển làn phải để vượt, họ dễ rơi vào tình thế vượt quá tốc độ cho phép.

Ngược lại, nếu không vượt, buộc lòng phải bám đuôi xe trước với tốc độ thấp hơn mong muốn, gây nên sự bức bối và kéo chậm dòng lưu thông.

Nhiều tài xế lái xe bám làn trái "chậm như rùa" nhưng vẫn nghĩ mình đi đúng luật. Ảnh: Trọng Hạnh

Nhiều tài xế lái xe bám làn trái "chậm như rùa" nhưng vẫn nghĩ mình đi đúng luật. Ảnh: Trọng Hạnh

Tình trạng này đã diễn ra suốt thời gian dài trên nhiều tuyến đường hỗn hợp cho phép cả ô tô và xe máy, điển hình như tuyến Hà Nội - Bắc Giang, Hưng Yên - Thái Bình... khiến nhiều tài xế bức xúc.

Anh Nguyễn Trọng Hạnh, một tài xế thường xuyên di chuyển trên tuyến Hà Nội - Bắc Giang, chia sẻ: "Tuyến này là đường hỗn hợp cho ô tô và xe máy. Trong đó, hai làn ô tô quy định làn trái tốc độ tối đa 90 km/h, làn phải tối đa 70 km/h. Nhưng gần như lần nào đi qua mình cũng gặp xe tải, xe con chiếm làn trái chạy rất chậm, xin vượt kiểu gì cũng không được. Nếu mình sang làn phải để vượt xe thì dễ vi phạm tốc độ, anh em nào từng đi qua tuyến này chắc chắn cũng gặp trường hợp tương tự".

Đủ lý do cho hành vi thiếu ý thức

Nguyên nhân của tình trạng này khá đa dạng. Anh Trần Trung (Hà Nội) cho biết, nhiều lần vượt qua được những chiếc xe "trây ì", anh để ý thấy tài xế hoặc đang mải mê dùng điện thoại, hoặc nói chuyện với người trên xe mà không hề quan sát gương chiếu hậu.

"Họ vô tình biến làn đường đáng lẽ dành cho xe chạy nhanh thành "tắc nghẽn", làm chậm cả đoàn xe phía sau", anh Trung bức xúc.

Nhiều tài xế dù di chuyển với tốc độ chậm nhưng vẫn cố bám làn trái, gây ùn tắc và ức chế cho các phương tiện khác. Ảnh: Hoàng Hà

Nhiều tài xế dù di chuyển với tốc độ chậm nhưng vẫn cố bám làn trái, gây ùn tắc và ức chế cho các phương tiện khác. Ảnh: Hoàng Hà

Bên cạnh sự thiếu tập trung hay thiếu ý thức, một số tài xế thừa nhận họ cảm thấy khó chịu khi bị xe sau nháy đèn pha thúc giục nên cố tình không nhường, thậm chí đi chậm lại như một cách để "dằn mặt" các xe đi phía sau.

Ngoài ra, nhiều tài xế dường như chưa nắm rõ hoặc cố tình bỏ qua quy tắc "nhường làn trái". Họ cho rằng chỉ cần chạy đúng tốc độ tối đa hoặc không thấp hơn tốc độ tối thiểu là đủ. Nhưng chính sự thiếu hiểu biết, cùng với tâm lý "ai nhanh thì ráng chịu", đã và đang góp phần tạo ra nhiều tình huống cản trở giao thông, thậm chí va chạm do sự ức chế.

Trong khi đó, một bộ phận tài xế, đặc biệt là lái xe tải, lại có những lý giải riêng. Một tài xế xe tải có tên Văn Hùng biện minh rằng việc duy trì đi làn trái giúp họ không phải chuyển làn nhiều, giữ tốc độ ổn định hơn và tiết kiệm nhiên liệu. Anh cũng lo ngại việc đi làn phải trên đường hỗn hợp sẽ sát với làn xe máy, tiềm ẩn nguy cơ va chạm cao do kích thước xe lớn và tầm quan sát hạn chế.

Dù lý do này có phần thực tế trong một số tình huống đặc thù, nhưng về cơ bản, lập luận này được ít người lái xe ủng hộ bởi việc chiếm làn trái rồi chạy chậm vẫn được xem là hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến lưu thông chung.

Luật có quy định nhưng chế tài chưa đủ sức răn đe

Điều đáng nói, Điều 13, Luật Giao thông đường bộ 2024 tại Việt Nam quy định rất rõ ràng: Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, có tín hiệu rẽ phải để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết được vượt và đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được cản trở đối với xe xin vượt.

Cần có một chế tài đủ mạnh hoặc các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp cố tình bám làn trái, không nhường xe xin vượt. Ảnh: Hoàng Hiệp

Cần có một chế tài đủ mạnh hoặc các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp cố tình bám làn trái, không nhường xe xin vượt. Ảnh: Hoàng Hiệp

Theo Điều 6, Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe ô tô chạy dưới tốc độ tối thiểu trên đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép, chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về làn đường bên phải chiều đi của mình, trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định, sẽ bị phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe nên những tài xế thiếu ý thức vẫn cố tình phớt lờ quy định này. Quan trọng hơn, việc xử phạt hành vi "không nhường đường cho xe xin vượt khi đủ điều kiện" còn rất hạn chế, khiến tình trạng này khó được cải thiện.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn. Việc tăng cường xử lý phạt nguội áp dụng với các trường hợp cố tình đi chậm, bám làn trái và không nhường đường cho xe phía sau dù đã đủ điều kiện an toàn được xem là giải pháp cần thiết.

Chỉ khi có chế tài đủ mạnh và việc thực thi pháp luật được siết chặt, tình trạng giao thông gây ức chế này mới có hy vọng được cải thiện, góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh và an toàn hơn.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Ngô Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/noi-kho-bo-sau-xe-chay-cham-bam-lan-trai-khi-nao-het-canh-uc-che-tren-duong-2391151.html