Nỗi khổ của cổ đông 'đu đỉnh' cổ phiếu Hóa chất Đức Giang
Cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang giảm 60,2% so với mức đỉnh, nhưng thay vì mua vào để hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang lại muốn bán ra, giảm tỷ lệ sở hữu.
Cổ phiếu DGC lao dốc
Trong hơn 2 năm vừa qua, cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang trở thành “hiện tượng” khi liên tục tăng nóng, sau đó rớt mạnh, khiến không ít nhà đầu tư “kẹp hàng” vùng đỉnh và chưa biết ngày “về bờ”.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, một nhà đầu tư cá nhân than thở về việc mua cổ phiếu DGC ở vùng giá 140.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó, cổ phiếu liên tục giảm, thời điểm ngày 30/3 chỉ còn 51.300 đồng/cổ phiếu.
Đây chỉ là một trong số nhiều nhà đầu tư đã trót “đu đỉnh” cổ phiếu DGC. Dữ liệu từ ngày 16/6/2022 đến ngày 30/3/2023 cho thấy, cổ phiếu DGC liên tục giảm, mức giảm lên tới 60,2%.
Trước đó, từ 31/12/2019 đến 16/6/2022, cổ phiếu DGC tăng 15,66 lần, từ 7.730 đồng/cổ phiếu lên 128.770 đồng/cổ phiếu.
Một trong những lý do chính hỗ trợ đà tăng nóng của cổ phiếu DGC giai đoạn trước tháng 6/2022 là đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy giá sản phẩm phốt pho vàng (nguyên liệu đầu vào cho chất bán dẫn) - chiếm 50% doanh thu của Hóa chất Đức Giang và giá phân bón liên tục tăng cao, giúp lợi nhuận của Công ty tăng mạnh trong giai đoạn 2020 - 2022.
Trong đại dịch, tiền rẻ ngập tràn thị trường, thúc đẩy tài sản tài chính tăng chóng mặt. Nhưng sau đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đồng loạt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dẫn tới tài sản tài chính như cổ phiếu liên tục bị bán tháo trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu DGC cũng bị bán mạnh và liên tục giảm sâu từ cuối tháng 6/2022 tới nay.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận đạt 6.036,98 tỷ đồng, tăng 140,2% so với năm 2021, chưa biết đến năm nào, Công ty mới quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.
Dự phòng cho kịch bản giá phốt pho vàng và giá phân bón giảm, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu giảm 24,7%, về 10.875 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 50,3%, chỉ còn 3.000 tỷ đồng. Quý I/2023, Công ty dự kiến lợi nhuận chỉ đạt 700 tỷ đồng, giảm 53,5% so với quý I/2022.
Thêm một thông tin đáng lưu ý khác, trong báo cáo về ngành hóa chất mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính, năm 2023, nhu cầu toàn cầu về phốt pho vàng giảm 15% so với năm trước. Giá phốt pho vàng đã đạt đỉnh vào quý II/2022 và năm 2023 dự kiến dao động trong vùng giá khoảng 4.500 - 5.000 USD/tấn.
Triển vọng kinh doanh đi xuống, Hóa chất Đức Giang đã đi qua thời điểm thuận lợi nhất có thể chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư bán ra, dẫn tới đà lao dốc của cổ phiếu DGC trong giai đoạn vừa qua.
Chủ tịch HĐQT không mua thêm, mà “canh” thời điểm bán ra
Quay trở lại câu chuyện nhà đầu tư “đu đỉnh” cổ phiếu DGC, trái với hy vọng của cổ đông về việc gia đình Chủ tịch HĐQT sẽ mua vào để “đỡ giá” cổ phiếu, ông Đào Hữu Huyền cho biết, chứng khoán hoàn toàn do quy luật thị trường quyết định, một mình ông không thể chống lại xu hướng thị trường, nên ông không có kế hoạch mua, mà ngược lại, nếu có điều kiện, gia đình sẽ bán ra, giảm sở hữu từ mức hơn 40% vốn điều lệ hiện tại.
“Ngày nào đó, thị trường quay lại, cổ phiếu DGC sẽ quay trở lại”, ông Đào Hữu Huyền nói.
Trước đó, thống kê từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022, người thân và lãnh đạo Hóa chất Đức Giang đã mua vào 214.900 cổ phiếu và bán ra 3.821.967 cổ phiếu DGC, tương ứng bán ròng hơn 3,6 triệu cổ phiếu.
Đến nay, mặc dù cổ phiếu DGC đã giảm 60,2% so với mức đỉnh, nhưng Chủ tịch Hóa chất Đức Giang vẫn muốn bán ra. Phải chăng, giá cổ phiếu DGC ở thời điểm hiện tại vẫn chưa chạm đáy?