Nỗi khổ của con một ở Trung Quốc
Không anh chị em san sẻ, gánh vác công việc gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, hàng triệu người trẻ Trung Quốc cảm thấy cô độc, ám ảnh tâm lý.
Ngô Ân (26 tuổi) là con một trong gia đình khá giả ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Từ nhỏ, cô được sống trong sự yêu thương, chiều chuộng của cha mẹ, theo The Paper.
Cách đây 3 năm, sau khi tốt nghiệp đại học, Ngô Ân được nhận vào làm trong một công ty ở thành phố Hợp Phì. Khi đó, cha mẹ đã mua cho con gái ôtô và dự định mua một căn hộ gần nơi cô làm việc.
Nếu không có gì thay đổi, sau khoảng 3 năm đi làm, cô sẽ kết hôn và sinh con. Đồng thời, khi cha mẹ nghỉ hưu, Ngô Ân dự định đón họ lên thành phố để phụng dưỡng và giúp cô nuôi dạy con cái.
Thế nhưng, đi làm chưa được bao lâu, Ngô Ân nhận được tin cha bị ung thư tụy. Cô đưa ông lên thành phố chữa trị. Từ đó, ban ngày làm việc, buổi tối, cô lại đến bệnh viện phụ mẹ chăm sóc cha.
“Có lần, nửa đêm đường huyết của cha giảm đột ngột, tôi phải tức tốc đến bệnh viện. Từ ngày cha bị bệnh, mỗi khi có chuông điện thoại, tôi luôn cảm thấy sợ hãi. Vào một lần, trong cuộc họp, nhận được tin cha bị phản ứng thuốc, trước mặt hơn chục đồng nghiệp, tôi bật khóc nức nở rồi cầm chìa khóa xe đi thẳng vào bệnh viện”.
Sau khoảng 2 năm cha chữa bệnh ở thành phố, Ngô Ân lập gia đình. Thời gian này, cha cô phải trải qua 2 lần phẫu thuật. Khi ông khá hơn, không muốn con gái sống trong căn nhà đi thuê, ông mua cho cô một căn hộ.
Khi Ngô An mang thai, lo lắng con sẽ buồn, người cha không cho con gái đến gặp mình lần cuối. Thậm chí, ông cũng không cho con đến dự đám tang. Bởi vậy, mọi công việc tiếp khách, hỏa táng, chồng Ngô Ân một tay lo liệu.
"Là con một, từ nhỏ, tôi luôn ý thức về vai trò của mình. Tôi không đi làm xa, không chơi trò mạo hiểm. Tôi được cha mẹ tạo điều kiện tốt nhất, được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, hiện tại, khi thấy được sự khó khăn và đơn độc, tôi ước có một người em gái để cùng lo cho cha mẹ".
Giống với hoàn cảnh của Ngô Ân, Lâm Tiểu Hải cũng là con một. Dù từ nhỏ, sống trong tình yêu thương, Tiểu Hải luôn cảm thấy cô đơn. Cậu không có ai chơi cùng, luôn tự nói chuyện một mình.
Suối thời niên thiếu, chàng trai chỉ có cha bầu bạn. Khi vào năm nhất đại học, cha của Tiểu Hải phát hiện mắc bệnh Alzheimer ở tuổi 49. Ông không thể tự chăm sóc bản thân.
Sau một tháng về chăm sóc cha, Tiểu Hải từ biệt người thân quay trở lại trường học. Trong thời gian 2 năm kể từ khi cha ốm, chàng trai đã trốn tránh về nhà. Vào mỗi kỳ nghỉ, cậu đi uống rượu, xem phim "không để cho mình sống trong thực tế".
Cách đây 2 tháng, trong một lần lên thành phố thăm con, cha của Tiểu Hải bị lạc. Sau một ngày đi khắp thành phố tìm kiếm, cậu thấy cha ngồi bên lề đường, ánh mắt sợ hãi, cơ thể lấm lem. Ông nhận ra con trai trong đám đông.
Chứng kiến ánh mắt của cha lúc đó, nghĩ đến việc từng có suy nghĩ từ bỏ người nuôi nấng, sinh thành ra mình, chàng trai đã rất ăn năn, hối hận.
"Nếu có anh chị em, có lẽ, tôi đã không vướng bận như vậy", Tiểu Hải nói.
Hậu quả của chính sách một con
Trường hợp của Ngô Ân và Tiểu Hải chỉ là một trong số hàng triệu đứa trẻ sinh ra trong năm 1980-1990. Họ là những đứa con duy nhất trong gia đình, được dồn hết tình yêu thương. Thế nhưng, giờ sắp đến lúc, họ phải phụng dưỡng cha mẹ già.
Lữ Tát La - người thành lập nhóm những bạn trẻ là con một - cho biết ông nội của cô bị bệnh Alzheimer và ông ngoại bị đột quỵ. Họ đều cần chăm sóc lâu dài. Lữ Tát La lo lắng cô không có đủ khả năng để hỗ trợ cha mẹ trong tương lai.
Bởi vậy, tháng 11/2019, cô thành lập nhóm để chia sẻ thông tin với những người con một gặp khó khăn để động viên lẫn nhau.
Trong nhóm của Lữ Tát La, một số thành viên nói cha mẹ đã thể hiện rất rõ sự khủng hoảng vì sợ tuổi già sắp đến. Cha mẹ ngày càng già đi. Sự hoang mang và lo sợ bị bỏ rơi khiến họ đối xử với đứa con duy nhất theo nhiều cách khác nhau.
Một thành viên của nhóm, bắt đầu học cấp hai, liên tục bị mẹ nhắc nhở: "Tương lai mẹ sẽ dựa dẫm vào con". Những đứa trẻ có mẹ đơn thân, người mẹ nửa đùa nửa thật: "Sau này gửi thẳng mẹ vào viện dưỡng lão. Mẹ sẽ không trở thành gánh nặng cho con".
Sau nhiều năm kiểm soát gia tăng dân số, Trung Quốc đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng xuất phát từ tình trạng dân số tăng trưởng âm và ngày càng lão hóa.
Theo dự báo của Bộ Nội vụ, trong 5 năm tới, người già của Trung Quốc sẽ vượt quá 300 triệu người. Đến năm 2040, ước tính gần 25% dân số Trung Quốc sẽ là người già (trên 60 tuổi). Một thập kỷ sau đó, số người già Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 487 triệu, chiếm gần 35% tổng dân số.
Năm 2015, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách một con. Ban đầu, các nhà nhân khẩu học dự đoán sự thay đổi này sẽ mang đến một đỉnh cao dân số mới.
Tuy nhiên, năm 2017 tỷ lệ sinh sản của Trung Quốc chỉ là 1,6 trẻ sơ sinh/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với con số 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Trước đây, do chính sách một con của chính phủ Trung Quốc, cộng thêm tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhiều gia đình chỉ sinh con trai. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Năm 2019, số nam giới Trung Quốc cao hơn nữ giới khoảng 34 triệu. Ước tính vào năm 2022, sẽ có 30 triệu nam thanh niên Trung Quốc đến độ tuổi kết hôn không thể lấy vợ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-kho-cua-con-mot-o-trung-quoc-post1195484.html