Nói không với rác thải nhựa để làm cho thế giới sạch hơn

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức định kì vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm. Chiến dịch trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia trên thế giới.

 Thu nhặt rác thải làm sạch biển

Thu nhặt rác thải làm sạch biển

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 với chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”. Chủ đề năm nay tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa; đồng thời kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.

Vì vậy yêu cầu cấp thiết cần được thực hiện ngay đó là không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cơ quan, đơn vị. Phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lí theo quy định... Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế-xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại cam kết sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, từng bước giảm thiểu, hạn chế sản phẩm nhựa một lần, khó phân hủy. Tổ chức sản xuất các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường đảm bảo chất lượng, kĩ thuật và quy định của pháp luật. Nghiên cứu, áp dụng thí điểm và nhân rộng các mô hình hay và hiệu quả về giảm thiểu, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các hoạt động của của cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lí theo quy định...Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Đặc biệt, mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố... Trồng thêm nhiều cây xanh; tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng...

Mặt khác, cần tăng cường hợp tác toàn cầu, khu vực, quốc gia và mỗi địa phương cũng như các nhà quản lí, nhà phân phối và đặc biệt là người tiêu dùng thông minh... sẽ mang lại thành công với mục tiêu giảm rác thải nhựa toàn cầu, rác thải nhựa đại dương và rác thải nhựa tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội Phụ nữ ở các cấp tập trung tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ trong quản lí rác thải nhựa; xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách, cơ chế phù hợp giúp phụ nữ thu gom, tái chế rác thải nhựa thuận lợi, trong đó có hướng tới việc tham gia bảo hiểm y tế của phụ nữ trong lĩnh vực này.

Các cấp, các ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như kiện toàn và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lí môi trường, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng xử lí chất thải rắn, đặc biệt là giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm các vi phạm về môi trường…Có như vậy mới huy động được sức mạnh của cả cộng đồng cùng chung tay làm cho thế giới sạch hơn với thông điệp “Nói không với rác thải nhựa”.

Lâm Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142516