Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông: Cậu học trò dang dở ước mơ
Trước khi tham gia giao thông, lái xe có uống vài chén rượu và gây ra vụ tai nạn. Hậu quả vụ tai nạn đã khiến Phạm Văn Hoàng phải cắt bỏ đôi tay, từ đó em không thể đến lớp nên việc học đứt gánh giữa đường, ước mơ dang dở.
Tỉnh dậy đã mất đôi tay
Đã hơn một năm qua, người dân xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã dần quen với hình ảnh cậu bé Phạm Văn Hoàng (sinh năm 2003, tại thôn 3, xã Vĩnh Hưng cụt 2 tay ngày ngày đánh bò ra bãi chăn thả, chiều đánh bò về. Ai cũng thương em, bởi đã mất 2 cánh tay và hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn và đứt gánh con đường học tập. Hiện tại, chăn bò, trông em là những gì Hoàng có thể giúp gia đình kể từ sau vụ tai nạn.
Nhà Hoàng nằm trong con ngõ nhỏ ở cuối xóm. Khi chúng tôi tới thăm, Hoàng đi chăn bò, mẹ đang trông em (11 tháng tuôi), còn bố đi thả lưới. Sau vài câu chuyện, khi hỏi đến Hoàng, bà Trần Thị Hồng (42 tuổi, mẹ Hoàng) khóc nấc. Bà bảo, từ khi con bị tai nạn, mình như người mất hồn. Thương mình một, thương con mười bởi cháu đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi và đau đớn về thể xác. Vừa lúc, Hoàng đi chăn bò về, bà Hồng gạt nước mắt, bảo không dám khóc trước mặt con, sợ con buồn.
Hoàng kể, sáng ngày 18/3/2018, khi đi học về đến đoạn đường Cổ Điệp (xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc) thì gặp ô tô tải. Ngay lập tức, Hoàng vội xuống xe bên lề đường. Tuy nhiên, xe đi nhanh, còi to khiến em luống cuống rồi bị ngã. Xe ô tô cán qua hai cánh tay của em. Hoàng chỉ nhớ, bánh xe chèn qua 2 tay, nghe tiếng xương vỡ vụn rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy, em không còn thấy đôi tay đâu nữa. Bác sĩ BV Việt Đức bảo, chỉ giữ được tính mạng, không cứu được đôi tay cho em.
Bà Hồng nhớ lại: Khi nhận được tin con bị tai nạn, vợ chồng đang ngoài đồng. Ngay lập tức, vợ chồng bà bỏ việc cùng người thân đưa Hoàng ra BV tuyến huyện sơ cứu rồi chuyển lên BV Việt Đức. Tuy nhiên, các bác sĩ xác định xương đôi tay Hoàng bị dập nát không thể cứu được phải cắt bỏ. Gia đình đành phải chấp nhận. Sau ca phẫu thuật 3 ngày, Hoàng được chuyển về BV địa phương tiếp tục chăm sóc hơn nửa tháng rồi xuất viện. "Khi bác sĩ bảo phải cắt bỏ đôi tay, gia đình đau đớn vô cùng. Ai cũng bảo, giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay. Giờ Hoàng mất đôi tay rồi, tương lai của con sẽ ra sao", bà Hồng nghẹn ngào.
Sau khi xuất viện là chuỗi ngày khó khăn với Hoàng. Em không thể làm được gì, kể cả sinh hoạt cá nhân đều phải có người nhà giúp. "Những ngày đầu, thiếu đôi tay với em thật kinh khủng. Em không thể làm gì, ăn phải có người đút, uống nước cũng phải có người rót đưa lên miệng. Cả ngày chỉ ở trong nhà. Nhiều lúc em nghĩ chết đi là sự giải thoát. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, người thân chạy vạy, lo lắng để mình được sống nên lại thôi" .
Sau gần 1 năm, Hoàng bắt đầu tập dùng đôi chân để thay đôi tay làm một số việc đơn giản. Sau hơn 1 năm cố gắng, đến giờ Hoàng đã có thể dùng chân để đánh răng, rửa mặt, hoặc sử dụng điện thoại. Nói rồi, Hoàng thực hiện cho chúng tôi xem. "Những ngày đầu thực sự rất khó khăn. Khi em dùng chân để thay ngón tay thì các ngón co quắp, rồi chuột rút rất đau. Phải mất vài tháng, em mới có thể điều khiển được các ngón chân. Đến giờ em đã tự dùng chân để rửa mặt, đánh răng rồi", Hoàng chia sẻ.
Để chia sẻ, động viên em Phạm Văn Hoàng, độc giả có thể ủng hộ về địa chỉ: Ông Phạm Văn Phiệt (bố Hoàng), thôn 3, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. ĐT: 0359.811.621
Hoặc Báo Phụ nữ Việt Nam , 47 Hàng Chuối- Hà Nội. Số tài khoản: 102010000016663; Ngân Hàng TMCP Công thương Việt Nam , Chi Nhánh Hai Bà Trưng- Hà Nội.
Mơ ước nhỏ nhoi
Ở quê gia đình Hoàng thuộc diện cận nghèo. Thu nhập cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào 4 sào ruộng khoán. Trong khi đó, Vĩnh Hòa là vùng rốn lũ, thường xuyên mất mùa. Vì thế, làm ruộng như đánh cược, vụ được, vụ mất. Lúc nông nhàn, vợ chồng đi làm thuê, thả lưới mong có thêm đồng ra đồng vào để nuôi con. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hoàng muốn sau này sẽ làm việc, kiếm tiền giúp bố mẹ nuôi em. Tuy nhiên, ước mơ chưa thành thì tai nạn ập đến. Hoàng thậm chí từ là hy vọng lại trở thành gánh nặng của gia đình.
Theo bà Hồng, sau vụ tai nạn, tài xế có đến nhà xin lỗi, bảo có uống vài chén rượu trước khi lái xe. Tài xế hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng để chi phí thuốc men, còn lại gia đình tự lo bởi hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn.
Để điều trị cho Hoàng, anh em, xóm giềng cùng chung tay hỗ trợ để lo chi phí điều trị cho Hoàng. Những ngày sau đó, bán được con lợn, đàn gà, gia đình đều tiết kiệm dành để trả nợ và chữa bệnh cho con. Dù vậy, đến nay gia đình vẫn còn nợ hơn 20 triệu đồng. Bà Hồng bảo, chỉ mong trả được hết nợ, rồi có tiền mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để Hoàng trông. Thế nhưng, bà Hồng bảo, ước mơ ấy trong thời điểm hiện tại là quá xa vời, bởi gia đình chẳng có nguồn thu nào để trông vào. Anh em, người thân cũng khó khăn, hơn nữa hơn 2 năm qua mọi người cũng đã hỗ trợ rất nhiều.
Cô Phạm Thị Bình, giáo viên trường THCS Vĩnh Hưng, là chủ nhiệm khi Hoàng học lớp 8, cho biết mỗi khi nhìn thấy cậu học sinh thân yêu của mình, mắt lại cay xè. Bởi vụ tai nạn đã cướp đi của Hoàng rất nhiều, trong đó có học tập. Cũng vì thế, cô thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ động viên cậu học trò nhỏ để em có thêm niềm vui, vượt qua nghịch cảnh. Bản thân cô cũng thường xuyên kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ, giúp đỡ Hoàng. "Mỗi khi gặp cậu học trò mất đôi cánh tay đi chăn bò. Tôi như nghẹt thở, nhưng cố hé nở nụ cười động viên em. Tôi mong những tấm lòng hảo tâm của mọi người cùng giúp đỡ để Hoàng giảm bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống", cô Bình chia sẻ.
Hoàng chỉ là một trong số những nạn nhân của những người đã uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thực tế những vụ TNGT cho thấy, có người bị chấn thương sọ não, vỡ gan lách, sống thực vật, thậm chí bỏ mạng. Mới đây nhất, ngày 11/10, một thanh niên sau khi uống rượu bia điều khiển ô tô mang biển số 30E - 885.18 đi chuyển với tốc độ cao trên đường ở phường Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã va chạm với một xe máy. Tuy nhiên, tài xế không dừng xe mà tiếp tục lạng lách, đánh võng trên đường khiến nhiều người hoảng sợ. Khi chạy đến đoạn phố Chùa Thông (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây), chiếc xe đâm trúng một người đang sang đường và hàng loạt ô tô, xe máy khác. Chiếc xe chỉ dừng lại khi húc vào cột đèn ở dải phân cách. Vụ tai nạn đã khiến ông Nguyễn Ngọc Hải (53 tuổi, trú tại phường Phú Thịnh, thị xẫ Sơn Tây) tử vong tại chỗ và 2 người bị thương.
Tài xế được xác định là Nguyễn Quang Hưng (18 tuổi, trú tại xã Liên Hiệp, H.Phúc Thọ, Hà Nội). Công an thị xã Sơn Tây đã xét nghiệm nồng độ cồn đối với tài xế Hưng. Kết quả cho thấy, nồng độ cồn trong máu là 82,2mg/100 ml máu. Hiện Cơ quan CSĐT đang tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, trong năm 2019 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.229 vụ TNGT và 8.397 vụ va chạm giao thông, làm 7.624 người chết; 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ. Còn theo Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 10.354 vụ TNGT, làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người.