Nói 'không' với tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An.
Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống và là lực cản đối với sự tiến bộ xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.

Người dân trong bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm (Nghệ An) thực hiện ký cam kết nói không với tảo hôn.
Nói “không” với tảo hôn
Giữa tháng 3 vừa qua, bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm được huyện Kỳ Sơn chọn để ra mắt mô hình điểm sáng “Gia đình, dòng họ, bản khối không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Tại buổi lễ này, người dân trong bản cũng đã thực hiện ký cam kết với 4 nội dung quan trọng như không tổ chức kết hôn và không tham gia tảo hôn cho con khi chưa đủ tuổi theo quy định; thường xuyên giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, tạo điều kiện để con cháu trong độ tuổi được đến trường học tập, không bỏ học để tảo hôn khi chưa đủ tuổi; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong kết hôn; không cho con cháu kết hôn cận huyết thống (với những người cùng dòng máu về trực hệ, anh em có họ trong phạm vị ba đời).
Trước đó, Đỉnh Sơn là điểm nóng của huyện Kỳ Sơn khi có nhiều phụ nữ tham gia vào đường dây mua bán bào thai. Mỗi bào thai được bán với giá từ 40 đến 80 triệu đồng, trở thành "nguồn thu" bất đắc dĩ của một số hộ gia đình nghèo khó, trong đó có không ít học sinh nữ chưa đến tuổi trưởng thành.
Để hạn chế tình trạng tảo hôn, thời gian qua xã Hữu Kiệm đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền tại bản Đỉnh Sơn và nhiều bản khác trên địa bàn, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, phụ nữ trong độ tuổi kết hôn và các gia đình có con em tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tuyên truyền, vận động con em không tham gia tảo hôn và thực hiện hôn nhân theo đúng quy định pháp luật. Các nhà trường đã đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Định kỳ, xã, bản tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với thanh niên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có biện pháp tuyên truyền giáo dục phù hợp. Trong năm 2024, bản Đỉnh Sơn đã phát hiện và xử lý hành chính 2 trường hợp vi phạm quy định về tảo hôn, không xét danh hiệu văn hóa đối với gia đình có con tảo hôn. Nhờ nỗ lực, cố gắng nhận thức của cán bộ, nhân dân về tảo hôn đã được nâng cao, số vụ tảo hôn giảm 100% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học để kết hôn sớm giảm đáng kể nhờ vào sự phối hợp của chính quyền địa phương. Những kết quả này, cũng giúp công tác phòng, chống mua bán bào thai trên địa bàn xã về cơ bản đã chấm dứt.
Ông Lữ Văn May, Trưởng bản Đỉnh Sơn 1 nói thêm: Chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp, mời già làng, người có uy tín đến tuyên truyền. Chính quyền cũng hỗ trợ sinh kế, giúp bà con không còn rơi vào cảnh túng quẫn phải "bán" con kiếm tiền.
Nói về mô hình ở bản Đỉnh Sơn 1, ông Lầu Bá Choòng, Trưởng phòng Tư pháp của huyện Kỳ Sơn cũng khẳng định: Mô hình này không chỉ đơn thuần là đấu tranh phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mà đã trở thành mục tiêu, chiến lược trung dài hạn giai đoạn 2024 - 2030 của Đảng bộ huyện nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao sự hiểu biết về hệ lụy, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn toàn huyện.
Nhiều giải pháp đồng bộ cho thấy huyện Kỳ Sơn đang rất quyết liệt để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống. Đặc biệt, với việc thí điểm và nhân rộng các mô hình, người dân ở các địa bàn không chỉ được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà còn xây dựng các cơ chế hỗ trợ cụ thể để trẻ em, gia đình, dòng họ, bản khối được tiếp cận với với nhiều cơ hội học tập, phát triển, hướng tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp.
Nhân rộng bản làng không tảo hôn
Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn mà còn diễn ra tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...
Tại các bản làng miền Tây xứ Nghệ, thời gian qua, những cách làm, mô hình phòng, chống tảo hôn hiệu quả đang được triển khai, nhân rộng. Từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình 1719), thông qua Dự án 8, Dự án 9; hàng trăm cuộc tuyên truyền, vận động tại cơ sở đã được thực hiện. Cùng với đó, các địa phương tổ chức ký cam kết không vi phạm về tảo hôn; xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Bản làng không tảo hôn”, xây dựng hương ước, quy ước thôn bản gắn với phòng chống tảo hôn…
Là một trong những đơn vị chung tay tham gia phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các cấp hội phụ nữ của tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt. Từ nguồn lực của Dự án 8, Chương trình 1719, các cấp hội đã thành lập 12 câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết”, 22 câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn” các xã có nguy cơ cao.

Ra mắt mô hình điểm sáng “Gia đình, dòng họ, bản khối không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn.
Thông qua câu lạc bộ nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, từ đó giúp cho người dân thay đổi nhận thức, hành vi về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Theo ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tại huyện đã có nhiều câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết được thành lập, hoạt động và mang lại những hiệu quả bước đầu. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ cho bà con.
Ông Hoàng Đình Tùng, Trưởng phòng Dân số, Sở Y tế Nghệ An cho biết: Việc tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho đối tượng học sinh là nhiệm vụ quan trọng bởi đây là đối tượng chính của thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nếu đối tượng chính được trang bị kiến thức đầy đủ về hôn nhân và gia đình, có ý thức phòng tránh, thì chắc chắn tảo hôn và hôn nhân cận huyết sẽ từng bước được đẩy lùi.
Về lâu dài, từ nguồn Chương trình 1719, các địa phương cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc nâng cao đời sống dân sinh, tạo sinh kế ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, kinh tế - xã hội ở các huyện vùng cao Nghệ An mới có bước phát triển vượt bậc.