Nói không với thực phẩm bẩn, hàng hóa không rõ nguồn gốc

Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phòng, chống, xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc… Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nói không với thực phẩm bẩn, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Không thể thay đổi nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Văn về thực trạng công tác phòng, chống gian lận thương mại, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa cho rằng: Hiện tượng hàng giả, hàng không rõ xuất xứ... là các biểu hiện khác nhau của hình thức gian lận thương mại. Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại là mặt trận đấu tranh quyết liệt trong giai đoạn vừa qua và hiện nay. Thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan gian lận thương mại và an toàn thực phẩm, nhưng hiệu quả công tác tuyên truyền chưa đến với nơi cần đến, đó là: người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (TP. Vinh) chất vấn. Ảnh: T. Cường

Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (TP. Vinh) chất vấn. Ảnh: T. Cường

Giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Cần tuyên truyền đến đúng đối tượng. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, bởi lâu nay vẫn còn những khoảng trống pháp lý và độ vênh nhất định giữa các văn bản… Hơn 3 năm qua, cơ quan chức năng đã xử lý gần 12.000 vụ việc vi phạm - một con số khổng lồ, tuy nhiên nếu dừng lại ở việc xử lý thì không thể thay đổi được.

Trước câu hỏi về thực trạng công tác tổ chức và chấp hành pháp luật về chất lượng, giá cả hàng hóa và hình thức tổ chức hội thảo giới thiệu, tham quan du lịch để bán hàng của đại biểu Hoàng Lân, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa cho rằng: Thời gian tới, lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát cơ sở, khi có sự việc thì thông tin tới cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý… Song, ông cũng lưu ý: người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, sản phẩm, công ty, hóa đơn chứng từ để không bị lừa đảo.

Quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn “nóng” hơn khi đại biểu Trần Thị Khánh Linh mang 5 gói kẹo có màu sắc bắt mắt, không rõ nguồn gốc được mua trước cổng trường học với giá 16.000 đồng đến nghị trường kỳ họp. “Ngày nào học sinh cũng ăn những thực phẩm này là vấn đề rất đáng quan tâm và lo ngại. Đề nghị Giám đốc Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường cho biết giải pháp quản lý để bảo đảm sức khỏe cho người dân và các em học sinh?”.

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa cho rằng: Vấn đề đại biểu nêu là rất xác đáng, song trách nhiệm thuộc về bên quản lý đô thị, việc giải quyết là của các địa phương. Vì vậy, đề nghị các địa phương phải tăng cường quản lý đô thị, người bán hàng phải đăng ký, có chỗ bán hàng, tuân thủ các quy định về hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, chỉ đạo các trường học tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh, phụ huynh không tham gia vào thị trường này.

Chưa hài lòng với phần trả lời của trưởng ngành công thương, đại biểu Trần Thị Khánh Linh tranh luận: “Không chỉ tại các hàng bán rong mà tại các cửa hàng cố định trước cổng trường vẫn tồn tại rất nhiều hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rất dễ mua, giá thành lại rất rẻ”. Đại biểu đặt câu hỏi: Sở đã xử phạt được vụ nào chưa, nếu đã xử phạt thì tại sao những hàng hóa trên vẫn được bán tràn lan?

Tiếp tục giải trình nội dung này, ông Phạm Văn Hóa cho biết: Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tuy nhiên để kiểm soát hết tất cả các mặt hàng chỉ ở mức độ nhất định. “Lâu nay, việc buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất hiện trước cổng trường được nhắc đến nhiều, báo chí cũng thông tin tuyên truyền về nội dung này. Do đó, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; cùng với đó là sự vào cuộc, phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường và chính quyền địa phương trong kiểm tra các mặt hàng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định: Nghệ An là một trong những địa phương quyết liệt, chủ động, đi đầu trong công tác phòng, chống lan lận thương mại. Tuy nhiên, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn phổ biến ở nhiều phân khúc của thị trường… Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt công tác này.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân, nói không với thực phẩm bẩn, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... “Chính người dân là lực lượng quan trọng hàng đầu, quan trọng nhất để phòng, chống vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm an toàn thực phẩm”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, an toàn và chất lượng ra thị trường...

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/noi-khong-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-b%E1%BA%A9n-hang-hoa-khong-r%C3%B5-ngu%E1%BB%93n-g%E1%BB%91c-i382045/