Nơi kiểm nghiệm rõ nét tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối đổi mới
Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới ở thành phố Hà Nội đã chứng minh tính đúng đắn của quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bằng sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, Hà Nội đã đạt được những thắng lợi quan trọng, tạo tiền đề tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho tương lai.
1. Kể từ Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố (tháng 10-1986) đến nay, sự nghiệp đổi mới của Thủ đô đã trải qua 8 kỳ đại hội. Bốn thập niên là chặng đường không dài so với lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng là thời kỳ quan trọng, đánh dấu những biến chuyển sâu sắc, có tính đột phá cả về nhận thức, tư duy cũng như hành động thực tiễn của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển.
Đặc điểm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại Hà Nội là luôn luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với vị trí, vai trò là Thủ đô, trái tim của cả nước, Đảng bộ Thủ đô đã bám sát quan điểm chỉ đạo, vận dụng sáng tạo tư tưởng đổi mới của Trung ương vào thực tiễn, gương mẫu, đi đầu trong công cuộc đổi mới. Ngay sau mỗi kỳ đại hội, Thành ủy Hà Nội đã chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết đến các cấp ủy, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, Thành ủy xây dựng các chương trình hành động, chương trình công tác toàn khóa cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. Các chương trình ở mỗi kỳ có sự thay đổi về số lượng, nội dung, nhưng xuyên suốt là được xây dựng trên tinh thần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết, cấp bách, những khâu yếu, mặt còn khó khăn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến trong thực tiễn.
Tinh thần sáng tạo đó đã giúp Hà Nội là một trong những nơi đi đầu trong nhiều lĩnh vực, gợi mở cho Trung ương không ít những chủ trương, chính sách mới để nghiên cứu, triển khai nhân rộng trên cả nước. Tiêu biểu như đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ hằng tháng; xây dựng chính quyền đô thị; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ cơ sở; phát triển đảng viên, thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể ngoài khu vực nhà nước... Nhằm củng cố hệ thống chính trị ngay từ gốc, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội. Qua 7 năm thực hiện, Nghị quyết đã làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, giúp kịp thời củng cố hàng trăm tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, không để phát sinh “điểm nóng”. Vừa qua, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, một lĩnh vực mới và khó. Qua hơn một năm đi vào thực hiện, Nghị quyết đã góp phần quan trọng đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh của Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch, dịch vụ phát triển mạnh.
Thực tế này đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ghi nhận khi dẫn đầu Đoàn khảo sát (nhóm 5) Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 40 năm về làm việc với Hà Nội mới đây. Đồng chí cho rằng, qua gần 40 năm đổi mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị của Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, có nhiều chủ trương, chính sách được Hà Nội đi đầu triển khai thực hiện ưu việt và nổi bật. “Thực tiễn phong phú, sinh động về hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của Thủ đô không chỉ là chất liệu hình thành từ đường lối đổi mới của Đảng, mà còn là nơi kiểm nghiệm rõ nét tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối đổi mới”, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá.
2. Minh chứng cụ thể và thuyết phục nhất cho năng lực và trình độ vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn Thủ đô chính là thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1986 đến nay, kinh tế Thủ đô vượt qua các thời kỳ khủng hoảng, suy thoái trầm trọng, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 4,48% (1986-1990); 12,52% (1991-1995); 10,72% (1996-2000); 11,30% (2001-2005); 11,55% (2006-2007); 10,58% năm 2008 (thời điểm sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính); 9,23% (2011-2015); 7,39% (2016-2020), năm 2021 tăng 2,92% (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), năm 2022 tăng 8,89% và năm 2023 tăng 6,27%. Năng suất lao động cũng ngày càng tăng, với mức tăng bình quân trên 7%/năm. Hà Nội còn là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao; tự tin hướng tới mục tiêu là “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới” và có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ngay trong năm nay.
Trải qua các đợt kiểm nghiệm đầy “sóng gió” như khủng hoảng kinh tế năm 1998, 2008, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 (2020-2022), kinh tế Thủ đô đã khẳng định được sức bền; chính là sự thay đổi về chất.
Quy mô kinh tế Thủ đô hiện nay tương đương với khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 1/8 cả nước. Đời sống người dân ngày một nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 151 triệu đồng/người/năm. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,7% (theo chuẩn nghèo riêng, cao hơn mặt bằng chung cả nước).
Nhờ sự phát triển nhanh, ổn định, vị thế, vai trò trái tim cả nước của Hà Nội ngày càng được nâng cao, là điểm đến an toàn hàng đầu khu vực và thế giới. Cùng với danh hiệu Thủ đô Anh hùng, Hà Nội giờ còn là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
3. Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô diễn ra ngày 28-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, qua 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, những mặt tích cực là cơ bản, cũng còn không ít hạn chế, tồn tại và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra rằng, để tiếp tục đưa Hà Nội phát triển mạnh trong tương lai trong bối cảnh mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh...
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Kết quả nghiên cứu của 8 chuyên đề và của Báo cáo tổng kết bước đầu đã tạo dựng được cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng, giúp thành phố Hà Nội trong công tác tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; chuẩn bị cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII. Đây là kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, để kết quả của Báo cáo tổng kết được lan tỏa mạnh mẽ hơn, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền làm tài liệu tham khảo cho các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan nghiên cứu...”.