Nổi lên tình trạng lợi dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để buôn lậu
Các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… để buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng kém chất lượng với thủ đoạn tinh vi.
Thu nộp ngân sách gần 900 tỷ đồng từ chống buôn lậu
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép trong năm 2024 diễn biến phức tạp, trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng. Hàng hóa vi phạm không chỉ sản xuất trong nước, mà còn sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau.
Đặc biệt, nổi lên tình trạng các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh để buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với thủ đoạn tinh vi.
Năm qua, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát, chống buôn lậu. Theo đó, đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát hải quan; kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và lên kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới…
Đồng thời, Tổng cục Hải quan tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025…
Ông Phan Quốc Đông - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan): Mở cao điểm chống buôn lậu dịp Tết
Đơn vị đã tham mưu Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động hải quan, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 17.998 vụ việc vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 31.351 tỷ đồng, tăng 12,54% về số vụ và tăng 151,30% về trị giá hàng hóa vi phạm so với năm 2023. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 27 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 173 vụ.
Đáng chú ý, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ công tác chống buôn lậu là 893,21 tỷ đồng, tăng 79,4% so với cùng kỳ 2023.
Kiểm soát chặt địa bàn, mặt hàng trọng điểm
Năm 2025, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cập trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Trong đó, chú trọng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao...
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, đối tượng, phương tiện xuất nhập khẩu; tập trung vào các loại hình trọng điểm như gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư miễn thuế, vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh và hàng hóa gửi kho ngoại quan… nhằm ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm.
Thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn. Các thông tin liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc, đảm bảo không để lộ thông tin, đối tượng.
Ngoài ra, trong năm 2025, Tổng cục Hải quan sẽ chú trọng kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tội phạm ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh các chuyên án ma túy. Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin với các đối tác trong đấu tranh, phòng chống ma túy, nhất là trao đổi thông tin với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Văn phòng Liên Hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC)…
Để kịp thời kiểm soát chặt thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025…/.
Thu giữ gần 2,3 tấn ma túy các loại
Năm 2024, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, hoạt động thương mại tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Ngoài ra, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng để điều chế, sản xuất trái phép ma túy.
Năm 2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 293 vụ, 355 đối tượng (cơ quan Hải quan chủ trì 110 vụ); tang vật thu gần 2,3 tấn ma túy các loại.