Nỗi lo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Một điểm bán thực phẩm tươi sống ở chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa). Ảnh: KHANG ANH

Trong dịp Tết Nguyên đán, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu khi mà nhu cầu mua và sử dụng thực phẩm tăng cao. Lúc này, sự cảnh giác, thận trọng trong mua sắm của người dân cũng như sự vào cuộc của các đơn vị, ngành chức năng… là hết sức cấp bách và cần thiết.

Bất an với thực phẩm kém chất lượng

Canh cánh với nỗi lo thực phẩm mất an toàn, thực phẩm hết hạn sử dụng, hay tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gần đây, người dân càng bất an hơn sau vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một doanh nghiệp ở TP Tuy Hòa. Đặc biệt là trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, khi nhu cầu mua và sử dụng thực phẩm gia tăng, cũng là lúc những đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng tung hàng hóa ra thị trường.

Bà Trần Thị Mỹ Ái ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Dịp Tết, nhà nào cũng đổ xô mua sắm đồ dùng, thực phẩm. Gia đình tôi cũng vậy, nào là bánh mứt, thịt cá, rau củ, trái cây… đều phải chuẩn bị sẵn. Những lúc như vậy, tôi rất sợ mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe cả nhà.

Nhận định về thực trạng ATTP trên địa bàn, theo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, những năm gần đây, công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, xử lý tình trạng vi phạm ATTP… đã được các ngành chức năng đẩy mạnh. Năm 2020, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức 343 lượt đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP với 6.525 lượt cơ sở được thanh, kiểm tra; trong đó có 6.203 lượt cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Đơn cử, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 12 trường hợp vi phạm về ATTP; Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 139 vụ vi phạm với các hành vi như kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, vi phạm điều kiện ATTP, nhãn hàng hóa…

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã góp phần giúp các ngành ngăn chặn tình trạng vi phạm, cảnh báo được mối nguy và triển khai các công tác liên quan đạt hiệu quả. Nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng có sự chuyển biến tích cực; tình hình ngộ độc thực phẩm đang trong tầm kiểm soát. Các ngành chức năng cũng đã có biện pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm…

Bên cạnh đó, vấn đề ATTP vẫn còn những hạn chế nhất định; công tác thanh, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm chiếm tỉ lệ còn thấp, nhất là ở tuyến cơ sở. Đạo đức của một bộ phận những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chiều hướng xuống cấp vì lợi nhuận mà quên đi sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, trong những dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, khi lượng thực phẩm được tiêu thụ nhiều thì ATTP luôn là nỗi lo của các gia đình, các ngành chức năng, địa phương.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát

Liên quan đến công tác ATTP dịp Tết Tân Sửu và mùa lễ hội xuân 2021, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý để người dân vui xuân đón Tết an toàn. Ban chỉ đạo đã thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp tại các chợ, cửa hàng, cơ sở chế biến thực phẩm; triển khai nhiều hình thức truyền thông để người dân cảnh giác với thực phẩm sử dụng phổ biến trong dịp Tết có nguy cơ mất an toàn.

Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Trong số các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm do ngành Công thương quản lý, ngoài việc tổ chức giám sát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hàng năm, Sở Công thương còn phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xử lý vi phạm và hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Sở cũng trực tiếp giám sát thực phẩm bán trên thị trường, tổ chức tuyên truyền về ATTP bằng nhiều hình thức tại các địa phương. Trong thời điểm cuối năm và Tết cổ truyền, đơn vị cũng luôn chú trọng công tác này, tích cực cùng Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, huyện vào cuộc để kiểm soát ATTP tại các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm, siêu thị…, với mong muốn hạn chế, ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra.

Liên quan đến việc quản lý cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay: Chỉ tính trong năm 2020, ngành Nông nghiệp đã cấp 65 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do ngành quản lý. Đến nay, đơn vị cũng đã khảo sát và xác nhận được 21 chuỗi sản phẩm an toàn.

Đối với thực phẩm tươi sống là thịt gia súc, gia cầm, Sở NN-PTNT tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ trên địa bàn; đã cho 304 cơ sở ký cam kết không đưa thuốc an thần vào heo trước khi mổ, không giết, mổ, bán thịt heo, bò… có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Tại cuộc họp triển khai công tác ATTP dịp Tết Nguyên đán tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Thắng (đại diện Bộ Công thương) và ông Lê Thanh Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y Vùng IV - Bộ NN-PTNT, đều cho rằng, để đảm bảo, kiểm soát hiệu quả ATTP dịp Tết và trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cần xây dựng phương thức quản lý phù hợp; thực hiện thường xuyên, chặt chẽ trong các khâu; tăng cường phối hợp quản lý, xử lý vi phạm; kể cả thanh kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các cơ sở; tuyên truyền rộng rãi và từng bước xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng thông minh trong toàn dân.

Ngay sau khi phát hiện, xử lý vi phạm và trong trường hợp xác định được sản phẩm thực phẩm không đạt yêu cầu ATTP, các ngành chức năng của tỉnh phải công bố công khai thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh, sản phẩm vi phạm để người dân biết, cảnh giác và có căn cứ lựa chọn sản phẩm phục vụ nhu cầu. Các đơn vị cũng phải tăng cường hậu kiểm, giám sát và có biện pháp xử lý triệt để hành vi vi phạm, kể cả hoạt động sản xuất, chế biến của cơ sở nhỏ lẻ nhằm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ông Đặng Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế)

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/251728/noi-lo-an-toan-thuc-pham-dip-tet-nguyen-dan.html