Nỗi lo bạo lực học đường

Một trong những thực trạng 'đau đầu' của ngành Giáo dục hiện nay là bạo lực học đường (BLHĐ). Hậu quả của BLHĐ rất lớn, ảnh hưởng thể chất lẫn tinh thần của học sinh (HS), thậm chí gây mất an ninh, trật tự xã hội. Do vậy, các trường đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống BLHĐ.

Học sinh được giải thích các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Học sinh được giải thích các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Những biến tướng của bạo lực học đường

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An, tính từ năm học 2017-2018 đến hết năm học 2021-2022, toàn tỉnh xảy ra 120 vụ HS đánh nhau với trên 220 HS vi phạm. Trong đó, năm 2020, HS lớp 11 bị nhóm HS đánh và quay clip đưa lên mạng xã hội. Tháng 3/2021, HS lớp 7 bị nhóm HS trong trường đánh, cha mẹ HS bị đánh dẫn theo một số người vào trường gây mất an ninh, trật tự và đánh 2 HS đã đánh con mình. Đầu năm 2022, HS THCS bị nhóm HS đánh hội đồng, sự việc được phát hiện khi người nhà hỏi và xuất hiện clip trên mạng xã hội,... Gần đây, vụ nam sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Văn Rành (TP.Tân An) bị 7 thanh niên đánh dẫn đến tử vong, gây bức xúc trong dư luận

Có thể thấy, BLHĐ cứ âm ỉ tồn tại và biến tướng thêm nhiều hình thức bạo lực khác; không chỉ bạo lực thể chất mà còn có bạo lực lời nói, tinh thần, bạo lực xã hội,... Những hình thức BLHĐ đó cũng không kém phần nguy hiểm và có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bởi bạo lực lời nói, tinh thần là các em dùng lời nói để lăng mạ, chế giễu, đe dọa, mắng chửi trực tiếp hoặc bôi nhọ bạn trên mạng xã hội, gây hoảng loạn về tinh thần cho các nạn nhân,...

Nguyễn Phúc Ngọc Ngân - HS lớp 12A1, Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa), chia sẻ: “Tuy môi trường học tập ngày càng được nâng cao, cải thiện và phát triển tốt nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề cần quan tâm, kiểm soát, nguy hiểm nhất là tình trạng BLHĐ. Bạo lực thể chất sẽ gây đau đớn về mặt thể xác lẫn tinh thần, thời gian hồi phục có thể khá dài, thậm chí gây thương tật suốt đời cho nạn nhân, dẫn đến mặc cảm, ám ảnh thời gian dài. Bạo lực tinh thần tuy không đau đớn về thể xác nhưng gây ra nỗi đau dai dẳng bởi lời nói đôi khi còn sát thương nặng hơn cả nắm đấm”.

Trang bị kỹ năng cho học sinh

BLHĐ tồn tại do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, HS bị ảnh hưởng bởi hành động không chuẩn mực, bạo lực của người lớn; từ “thế giới ảo” như game, truyện, phim ảnh,...; thiếu sự quan tâm của gia đình. Mặt khác, các em đang trong tuổi dậy thì nên dễ bốc đồng, khó kiềm chế cảm xúc, hành động, thích gây bạo lực để khẳng định mình. Để kiểm soát, ngăn ngừa BLHĐ, một trong những giải pháp hiệu quả là quan tâm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho HS, giúp các em phòng tránh và xử lý khi gặp BLHĐ cũng như kiềm chế cảm xúc, tránh gây ra những hành động sai trái.

Đầu năm học 2022-2023, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống BLHĐ cho HS tại nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên nhấn mạnh cho HS nắm về những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, hậu quả và giải pháp phòng, tránh BLHĐ. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là HS cần mạnh dạn lên tiếng và tố cáo hành vi BLHĐ với ban cán sự lớp, thầy cô, ban giám hiệu, cha mẹ, người thân, bạn bè, hộp thư góp ý của nhà trường để được giải quyết. Đồng thời, HS cũng được lưu ý tránh tiếp xúc, chơi với những bạn có xu hướng bạo lực hoặc biết cách xử lý tình huống khẩn cấp như bỏ chạy khi sắp xảy ra bạo lực, hô to phát tín hiệu cầu cứu,...

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - Nguyễn Thị Thúy Vân, thông qua các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống BLHĐ, chúng tôi muốn gửi thông điệp đến HS: “Chúng ta cần mạnh dạn tố giác các hành vi BLHĐ bằng nhiều cách khác nhau” và “Nói không với BLHĐ, không tham gia cổ vũ BLHĐ”.

Thông qua các hoạt động, phong trào, học sinh có thêm sân chơi bổ ích, từ đó xây dựng tình bạn đẹp, góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường

Thông qua các hoạt động, phong trào, học sinh có thêm sân chơi bổ ích, từ đó xây dựng tình bạn đẹp, góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường

Trường THCS&THPT Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa) phối hợp Công an huyện Mộc Hóa, thị trấn Bình Phong Thạnh thực hiện mô hình An ninh, trật tự trước cổng trường; nói chuyện chuyên đề với HS trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Trường cho HS, phụ huynh ký cam kết thực hiện đúng các nội quy của trường, trong đó có những nội dung về phòng, chống BLHĐ. Ngoài ra, trường còn thành lập đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ để nhắc nhở, ghi nhận các trường hợp vi phạm.

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bình Phong Thạnh - Nguyễn Ngọc Như cho biết: “Trường thường xuyên nắm tình hình HS thông qua ban cán sự các lớp, từ đó kịp thời phát hiện HS có biểu hiện bất thường và có hướng hỗ trợ, giải quyết phù hợp”.

Bên cạnh đó, Trường THCS&THPT Bình Phong Thạnh tổ chức các hoạt động, phong trào, tạo sân chơi bổ ích cho HS. Tham gia các hoạt động này, các em hiểu, dễ cảm thông cho nhau, từ đó xây dựng tình bạn đẹp và đoàn kết hơn. Đó cũng là một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng, chống BLHĐ.

Tuy có nhiều nỗ lực từ phía nhà trường, HS trong phòng, chống BLHĐ nhưng thực trạng này vẫn là “bài toán khó” và nỗi lo của ngành Giáo dục. Do vậy, cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ hơn từ 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội để góp phần đẩy lùi BLHĐ./.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-lo-bao-luc-hoc-duong-a144179.html