Nỗi lo bảo mật
Theo các nghiên cứu, quá trình số hóa ở thị trường Việt Nam nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng đang ngày càng phát triển. Nhất là thời gian vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát, cả nước thực hiện cách ly xã hội, càng tác động làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của nhiều người dân.
Theo các nghiên cứu, quá trình số hóa ở thị trường Việt Nam nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng đang ngày càng phát triển. Nhất là thời gian vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát, cả nước thực hiện cách ly xã hội, càng tác động làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của nhiều người dân.
Số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống của NAPAS đã tăng 76%, với tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lợi dụng xu hướng này, các đối tượng tội phạm công nghệ cao cũng gia tăng các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm vào thanh toán, giao dịch điện tử và mua sắm trực tuyến. Mới đây, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo về thủ đoạn giả mạo tin nhắn và trang điện tử của ứng dụng ViettelPay để thực hiện hành vi lừa đảo. Trang điện tử giả mạo có tên miền khá giống trang chính thức của ứng dụng ViettelPay, khiến nhiều người nhầm tưởng và đăng nhập tài khoản, sau đó bị đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng. Ðây đang là thủ đoạn phổ biến nhất mà các đối tượng sử dụng để nhằm vào các giao dịch tài chính trực tuyến.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn thực hiện nhiều hình thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi, phức tạp khác, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thanh toán, giao dịch điện tử của người dân ngày càng tăng cao. Ðược biết, ngoài phát hiện trường hợp giả mạo trang điện tử của ViettelPay, Công an TP Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị liên quan gỡ bỏ hàng trăm trang điện tử giả mạo các tổ chức tài chính khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính vì vậy, người dân cần phải hết sức cảnh giác khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử, nhất là trong quá trình cung cấp thông tin cá nhân cũng như đăng nhập vào các đường dẫn trên mạng.
Tương tự với dịch vụ mobile money sắp được triển khai, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là phải chú trọng năng lực bảo mật của hệ thống, bảo đảm tốt nhất an toàn cho người dùng khi triển khai phương thức thanh toán điện tử mới này. Giao dịch thanh toán nói chung và tiền di động nói riêng luôn thu hút sự chú ý của tội phạm công nghệ tài chính, nhất là ở những thị trường mới áp dụng. Bởi người dân khi tiếp xúc với các dịch vụ thanh toán mới, thiếu kinh nghiệm sẽ rất dễ mắc "bẫy" của các đối tượng lừa đảo. Không những vậy, nhiều người dùng còn lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin giao dịch cũng như thông tin cá nhân trong quá trình sử dụng dịch vụ mobile money. Do vậy, việc áp dụng hệ thống tiền di động cần rất cẩn trọng. Chỉ cần một người dân bị mất tiền, bị lộ thông tin thì chắc chắn không ít người khác sẽ nảy sinh tâm lý ngại dùng. Các đơn vị triển khai mobile money phải có hạ tầng đủ tốt và đáp ứng năng lực kiểm soát bảo mật. Mặt khác, bất cứ hình thức thanh toán nào cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định cho nên cần tính đến quy chế bảo hiểm và giải pháp bồi thường thiệt hại cho người dùng khi phát sinh thiệt hại.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44904802-noi-lo-bao-mat.html