Nỗi lo cháy nổ mùa nắng nóng
Nắng nóng kéo dài, nền nhiệt tăng cao khiến cho vật liệu trở nên khô kiệt, dễ bén lửa, cùng với đó là việc sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 280 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện với 202 vụ. Các vụ cháy làm 14 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại về tài sản được thống kê ước tính gần 40 tỷ đồng.
Con số thống kê nêu trên cho thấy tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt vào dịp cao điểm nắng nóng, các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh sử dụng điện gia tăng, nhiều máy móc hoạt động hết công suất càng làm tăng nguy cơ chập điện gây cháy.
Ngoài ra, bình cứu hỏa mini được trang bị trong xe ô tô nếu không được bảo quản đúng cách (ở nhiệt độ từ -10 độ C tới 55 độ C), thì rất có thể biến thành "quả bom" gây nguy hiểm cho xe và người.
Trong cốp xe máy, nếu để những đồ dễ bị cháy nổ trong cốp và phơi nắng trong nhiều giờ thì các vật kín đựng chất lỏng dễ gặp hiện tượng cháy nổ khi nhiệt độ vượt ngưỡng cho phép (khoảng 60 – 70 độ C) như: bật lửa, diêm, cục sạc pin, bình chữa cháy mini, các lon nước ngọt có ga, các đồ dễ tăng áp suất…
Để tránh xảy ra các sự cố cháy nổ trong mùa nắng nóng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đưa ra khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra nguồn điện và tu sửa, tất cả các vật liệu dễ cháy phải để cách xa nguồn điện ít nhất 0,5m.
Những khu dân cư có nhiều lều lán, đun nấu bằng bếp than, bếp củi không được để trong nhà và phải cách xa các vật liệu dễ cháy khác. Người dân nên sử dụng điện ở mức thấp nhất tránh chập điện do quá tải.
Các hộ gia đình, công ty, xí nghiệp tuyệt đối không tích trữ chất nguy hiểm gây cháy nổ (như xăng, dầu, bình gas mini). Đối với các hộ buôn bán mặt hàng dễ cháy (quần áo, đệm, chăn) phải bố trí sản phẩm cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện và cần có lối thoát hiểm cần thiết.
Hệ thống điện cần phải được lắp đặt và sử dụng đúng kỹ thuật, không tự ý lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện, không để thiết bị điện sinh nhiệt lớn (như bếp điện, bàn ủi) gần đồ dùng làm bằng vật liệu dễ cháy. Ngoài ra, cần lắp đặt các thiết bị bảo vệ, ngắt điện tự động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khi có sự cố chập điện xảy ra
Đặc biệt, người dân cần đề cao cảnh giác với hỏa hoạn, tự trang bị cho mình những kiến thức về PCCC để chủ động ứng phó khi xảy ra cháy nổ và kịp thời cấp báo cho cơ quan PCCC theo đường dây nóng 114 xử lý cháy nổ...
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-lo-chay-no-mua-nang-nong-92867.html