Nỗi lo của gia đình sống chung với người tâm thần

Cuộc sống của các gia đình có thành viên bị tâm thần thường xuyên rơi vào cảnh xào xáo, bế tắc, gặp nhiều câu chuyện bi kịch…

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mệt mỏi

Anh Nguyễn Văn T., ngụ tại quận 11, TPHCM, cho phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam biết, gia đình anh đang "tận hưởng" không khí yên bình được vài tháng nay khi cậu em trai anh được đưa đi chữa bệnh bắt buộc trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, anh Nguyễn Văn H., người em bị mắc chứng rối loạn hành vi, đã "quậy" đủ kiểu trong gia đình khiến các thành viên đều cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Năm hơn 20 tuổi, anh H. bắt đầu có biểu hiện bất thường về tâm tính. Ban đầu là anh ít nói chuyện, giao tiếp với mọi người, sau bệnh cứ tăng dần, nặng dần lên.

"Sống trong nhà thì ở dơ, hôi hám, không chịu tắm rửa, ai nói cũng không nghe, rồi cậu ấy còn thỉnh thoảng bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, báo hại gia đình tôi lúc nào cũng lo lắng, sống trong sự căng thẳng", anh Nguyễn Văn T. kể chuyện.

Thời gian đầu, em trai anh T. đi tới nhà bà con ở khắp các tỉnh, thành để … làm phiền. Bà con dòng họ đều yêu quý nhưng khi phát hiện ra bệnh tâm thần của anh H. nặng quá thì dần dần mọi người đều ngại tiếp xúc, không muốn anh tới nhà nữa.

Để chữa bệnh cho anh H., gia đình đã phải nhờ bảo vệ Bệnh viện Chợ Quán tới đưa đi khám. Anh H. được các bác sĩ cho tiêm thuốc, uống thuốc trong 1 tháng, bệnh bớt thì về lại nhà. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, anh lại "quậy đục nước", lại được đưa lên bệnh viện. Hành trình này đã lặp đi lặp lại hơn 20 năm nay.

"Có lần cậu em tôi bỏ nhà đi, gia đình kiếm không được. Rồi từ Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, người ta gọi điện thoại về địa phương, nói gia đình tới để đưa về. Chuyến đó, tôi và mẹ bay ra gặp được H., nhưng cậu ấy lại không chịu về.

Chúng tôi không thể làm gì khác hơn được. Một thời gian sau, cậu ấy tự đi tới nhà người bà con ngoài miền Trung thì họ mới "bàn giao" về lại TPHCM", anh T. kể chuyện.

Tuy nhiên, về tới nhà rồi, anh H. cứ gây gổ, gây sự suốt với tất cả các thành viên trong gia đình. Cách nay gần 3 tháng, anh T. lại phải nhờ bảo vệ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tới đưa đi chữa bệnh. Anh T. lo lắng không biết cậu em trai được ở bệnh viện trong bao lâu. Anh H. mà quay trở về nhà thì cuộc sống của cả gia đình anh lại tiếp tục bị xào xáo, khổ sở.

Thương con mà cũng thương bản thân

Chị Phạm Thị Minh Thơ, sinh năm 1977, ngụ tại TPHCM có cả chồng và con trai đều bị bệnh tâm thần. Chị và anh Đặng Bửu Khiết, sinh năm 1973, ngụ tại tỉnh Tiền Giang, cưới nhau và có 1 con trai tên là Phạm Minh A., sinh năm 2009.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

"Ở với nhau một thời gian, tôi thấy chồng có những hành động hơi bất thường, ngồi ở đâu thì ngồi một chỗ rất lâu không hoạt động, ra ngoài ăn uống thì dễ gây mất trật tự, không nề nếp, đồ đạc thì để tứ tung. Nhưng lúc đó, tôi thấy ảnh cũng chưa tới nỗi bệnh nặng nên cuộc sống cứ thế trôi qua.

Chồng tôi vẫn đi làm tại một công ty nằm trên địa bàn quận 7, TPHCM. Dần dần, bệnh của anh mỗi ngày mỗi nặng nên năm 2015, công ty cho nghỉ việc. Từ đó, anh ấy nghỉ hẳn ở nhà. Hàng ngày, ảnh vẫn có thể đưa đón con đi học", chị Thơ kể.

Tuy nhiên, từ đợt bệnh dịch Covid-19, bệnh của anh Khiết nặng lên, khó kiểm soát. Anh không đưa đón con đi học nữa và tự nhiên xuất hiện tình trạng ghiền thuốc lá rất nặng.

Chị Thơ cho biết: "Mỗi lần anh Khiết có thể hút được cả cây thuốc lá. Nếu không có thuốc lá để đáp ứng nhu cầu thì anh bắt đầu ném đồ đạc trong nhà. Cứ nổi cơn lên là anh đánh đập con. Anh cầm chiếc ghế nhựa ở nhà để ném vào người, vào đầu con".

Khi chị Thơ đi làm, chỉ có cha con ở nhà thì các đồ đạc bị anh Khiết vứt hết ra ngoài cửa. Sống trong chung cư nhưng anh Khiết thường xuyên gây ồn ào làm phiền mọi người và vợ con, khiến chị Thơ phải nhiều lần gọi điện thoại công an khu vực thuộc phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, giúp đỡ.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho hai mẹ con và những người xung quanh, năm 2022, chị Thơ nhờ gia đình bên nội mang anh Khiết về Tiền Giang để dưỡng bệnh. Nhưng mọi việc không chỉ dừng lại ở đó.

Khi con trai chị Thơ lên 8 tuổi thì cháu cũng có những biểu hiện tâm thần bất thường giống cha. Chị Thơ đã đưa con đi khám bệnh và điều trị theo toa thuốc của bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Lúc đòi việc này việc kia mà không được đáp ứng thì cháu lập tức đánh mẹ.

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, môi trường cộng đồng nơi người bệnh ở và điều trị, việc tuyên truyền và thực hiện các hoạt động cộng đồng ở cấp tổ, thôn, xóm - nơi mà người mắc bệnh tâm thần được chấp nhận và được hỗ trợ, cũng như nâng cao nhận thức về bệnh tâm thần để tránh sự kỳ thị và xa lánh là rất quan trọng.

Luật sư, hòa giải viên Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM

Bên cạnh đó, cần phải phối hợp giữa các cơ quan y tế tại địa phương, các tổ chức xã hội và giáo dục để xây dựng phác đồ điều trị, chăm sóc tại nhà một cách toàn diện và hiệu quả. Việc chăm sóc người bệnh tâm thần trong cộng đồng không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn về nơi cư trú để điều trị mà còn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa gia đình, cơ sở y tế, môi trường cộng đồng. Đó mới là "chìa khóa" giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh tâm thần khi được chăm sóc tại nhà.

"Nhiều khi chẳng vì việc gì nhưng con lên cơn sảng thì đánh tôi bất thình lình. Cứ khoảng chiều chiều là tôi thường phải chịu các cơn bất thường của con. Sau dịch Covid-19, tôi thì thất nghiệp, chồng con lại như vậy, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn", chị Thơ tâm sự.

Nhiều lúc bất lực

Anh Võ T.H. một kiến trúc sư, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM, thì lại khổ sở vì chứng bệnh tâm lý bất thường của vợ cũ, dẫn tới việc anh không được gặp con trai nhiều tháng nay. "Vợ tôi thường ngày lên trên mạng xã hội sưu tầm được các câu triết lý, các đoạn văn sống đẹp rất hay nhưng thực tế tâm lý, tinh thần của cô ấy đang có vấn đề rất bất thường.

Sau khi chúng tôi chia tay một thời gian, cô ấy không cho con trai tới trường đi học nữa, bài xích việc dạy dỗ của các thầy cô, cho rằng chỉ ở nhà tự học cũng được rồi. Cô ấy dạy con gọi cha là "ông" xưng "tôi". Và mỗi khi tôi tới thăm con, cháu bị mẹ dạy chửi cha, đuổi cha đi về", anh H. tâm sự.

Anh Võ T.H. đã ly hôn vợ 12 năm nay. Vợ cũ anh thời gian đầu đi làm trong công sở bình thường nhưng sau đó thì tinh thần thay đổi. Chị nghỉ làm, không giao tiếp với ai, tất nhiên cũng không cho con trai đi ra ngoài. Chị luôn vin vào sức mạnh của "500 anh em trên mạng xã hội".

Bất cứ ai tới nhà gõ cửa, chị cũng đều không mở, không gặp, nên nhiều cơ quan đoàn thể tại địa phương muốn giúp đỡ nhưng chưa biết phải thực hiện thế nào, tạm thời đành… bó tay.

Nhìn thấy con lớn lên trong cảnh o ép bất thường về tâm lý như vậy, anh H. nói rằng "đau lắm" nhưng chưa biết phải làm sao. Để cứu cậu con trai 14 tuổi, anh H. đã nộp đơn lên tòa để thay đổi quyền nuôi con. Anh cũng được sự trợ giúp của Phòng Trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, Hội LHPN quận Bình Thạnh và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tất cả vẫn cần chờ kết quả của phiên tòa thay đổi quyền nuôi con sắp tới. "Việc quan trọng nhất với sự việc của gia đình chúng tôi là vợ cũ tôi cần phải được đưa đi khám bệnh và điều trị về tâm lý, tâm thần.

Nếu cứ sống như thế này thì con trai tôi cũng bị bệnh giống như mẹ. Vậy nhưng hiện giờ chúng tôi cũng chưa thể tìm được giải pháp nào", anh Võ T.H buồn bã.

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt; 20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí…

Tuy nhiên, để những người có bất thường về tâm lý có thể hòa nhập với xã hội, những người bị bệnh tâm thần sau khi được điều trị tại bệnh viện, mà có nơi cư trú rõ ràng, vẫn còn người giám hộ trong gia đình, thì lại được đưa về sinh hoạt tại nhà.

Cuộc sống của những người thân trong gia đình có những người mắc chứng tâm lý, tâm thần không được an yên, lúc nào cũng có thể "gặp chuyện" bất thường, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Theo luật sư, hòa giải viên Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, chăm sóc người bệnh tâm thần tại nhà, một trong những mối lo ngại lớn nhất chính là vấn đề an toàn. Các cơn khủng hoảng tâm lý có thể xảy ra bất ngờ, đôi khi đe dọa sự an toàn của cả người bệnh và người thân trong gia đình, đặc biệt khi họ không được trang bị kỹ năng y tế và các kỹ năng an toàn chuyên môn khác.

Do đó, việc triển khai chăm sóc người bệnh tâm thần tại nhà đòi hỏi phải có kế hoạch ứng phó khẩn cấp và đảm bảo sự can thiệp nhanh chóng từ các chuyên gia y tế. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để chăm sóc người bệnh.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/noi-lo-cua-gia-dinh-song-chung-voi-nguoi-tam-than-20240105155006645.htm