Nỗi lo của người già
Sau bữa cơm chiều cuối tuần, mẹ tôi triệu tập họp gia đình. Bà nghiêm nghị: Các con đều có việc làm ổn định, các cháu cũng đã qua đận sài đẹn, học hành chăm ngoan cả. Bây giờ bố mẹ già rồi, chỉ có một nguyện vọng là xem kiếm được khu đất để khi nằm xuống có chỗ an nghỉ cho yên tâm. Bên ngoại cũng có nghĩa trang gia đình, nhưng mẹ là phận con gái nên suy xét kỹ cũng không để chung được, tốt nhất là kiếm mảnh đất làm nghĩa trang riêng. Mà cũng phải tìm nơi kín đáo, xa dân cư một chút, không chính quyền cũng không cho chôn cất đâu. Bây giờ mua đất cho người sống còn dễ, chứ mua đất cho người chết cũng là cả vấn đề đấy. Vừa rồi có cụ già trong tổ ra đi, muốn yên nghỉ ở nghĩa trang của phường cũ, nhưng bên phường trả lời đã hết chỗ. Đến mức phải thuê mấy ông quản trang tìm được đất, phường cũ còn phải họp lãnh đạo chủ chốt mới thống nhất việc cho an táng đấy…
Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật của con người và việc chu toàn cho người đã mất thể hiện truyền thống đạo hiếu, văn hóa của người Việt. Chính vì lẽ đó, nghĩa trang không chỉ là nơi an táng mà còn là nơi bày tỏ tình cảm, đạo lý của người sống với người đã khuất.
Từ câu chuyện trên nhìn lại mới thấy, hiện nay, bên cạnh các nghĩa trang liệt sĩ được quy hoạch, xây dựng bài bản thì lâu nay ở nhiều địa phương, nghĩa trang nhân dân hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế, tại các khu nghĩa trang, việc ra vào, đi lại rất khó khăn, bất tiện bởi tình trạng các ngôi mộ được xây dựng lộn xộn, không hàng lối, không quy cách, mỗi gia đình xây một kiểu với nhiều hướng khác nhau theo kiểu mạnh ai nấy làm. Cùng với đó là nhiều ngôi mộ chờ, đất chờ cho cả những người còn sống, chưa kể là đất đầu cơ của các đầu nậu…
Chính vì các nghĩa trang nhân dân chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức, cộng với tâm lý của người dân nên gần đây xuất hiện các nghĩa trang gia đình, dòng họ… hoặc chôn cất riêng lẻ trên các khu đất của gia đình vốn không được quy hoạch là đất nghĩa trang. Có nơi còn xây dựng nghĩa trang trên đất gia đình, thậm chí trên đất cánh tác chình ình giữa làng, giữa xóm làm mất mỹ quan của thôn, xóm… Vì vậy kéo theo nhiều hệ lụy như gia tăng tình trạng vi phạm Luật Đất đai, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và mất mỹ quan...
Do vậy, việc bố trí an táng cho người quá cố tại các nghĩa trang và việc quản lý, sử dụng đất đai nhất là đất nghĩa trang theo quy hoạch là vấn đề đặt ra đối với mỗi cấp ủy, chính quyền nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quản lý tốt về đất đai cho phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh. Để người già bên cạnh nỗi lo về tuổi tác, mưu sinh cuộc sống thường ngày, bệnh tật, không còn nỗi lo về nơi yên nghỉ cho mình nữa.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/goc-nhin/noi-lo-cua-nguoi-gia-132755.html