Nỗi lo đầu năm học: Thiếu giáo viên trầm trọng, thầy cô đến tuổi về hưu vẫn phải đứng lớp
Bên cạnh niềm vui được tới trường, với những nhà quản lý giáo dục cũng có những âu lo trăn trở, bởi phía trước là một năm học nhiệm vụ nặng nề, với nhiều thách thức lớn.
Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm nay trở nên trầm trọng hơn khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai. Không có biên chế, nhiều trường đành phải thuê giáo viên hợp đồng, nhưng cũng rất khó để có đủ số giáo viên cần thiết.
Theo số liệu thống kê, trong 10 năm (2012-2022), tính riêng bậc phổ thông, học sinh tăng hơn 21% còn giáo viên giảm hơn 4,%. Trong giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, riêng năm học 2022-2023 là 27.850. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc này cũng gặp khó khăn bởi cần thời gian dài, nguồn tuyển không nhiều bởi ứng viên có những lựa chọn tốt hơn về thu nhập.
Dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng do trường đang thiếu giáo viên nên cô Lê Tuyết Mai đã quyết định ở lại bục giảng để tiếp tục cống hiến với nghề.
Cô giáo LÊ TUYẾT MAI, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, TP Hà Nội: "Tôi đã về hưu được 2 năm, nhưng vì yêu nghề, mếm trẻ, và sức khỏe vẫn còn đảm bảo nên tôi ở lại thỉnh giảng cho trường."
Việc vận động giáo viên đến tuổi về hưu tiếp tục đứng lớp đang là giải pháp trước mắt để trường tiểu học Lê Quý Đôn có thể khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên, đáp ứng đủ tiêu chí tối thiểu cho chương trình mới.
Bà TEO THỊ THANH MAI, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, Hà Nội:"Cố gắng chủ động nguồn nhân lực hợp đồng với giáo viên trẻ và sử dụng thầy cô có tuổi về hưu có nhiều kinh nghiệm đảm bảo nuồn nhân lực để thực hiện chương trình mới."
Chỉ tính riêng quận Hoàng Mai, Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm số học sinh tăng lên khoảng 4.000 em, nhưng biên chế giáo viên không được bổ sung khiến các trường trong quận đau đầu.
Bà PHẠM ĐÀM TUYẾT HOA, Hiệu trưởng trường THCS Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội:"Năm học này nhà trường được ủy ban nhân dân quận tạo điều kiện hợp đồng thêm 18 giáo viên giảng dạy, đảm bảo đủ giáo viên tối thiểu có thể giảng dạy được 37 lớp của trường. Nhưng về lâu dài, với số lượng dân cư tăng lên hàng năm, chúng tôi mong các cấp tạo điều kiện để tăng thêm số giáo viên biên chế."
Thiếu giáo viên, thậm chí nhiều trường còn phải loại bỏ môn học ra khỏi danh sách đăng ký. Thực tế này diễn ra ở hầu hết các trường THPT năm nay.
Ông ĐOÀN MINH CHÂU, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội: "Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy môn mỹ thuật âm nhạc. Thứ nhất và về cơ sở vật chất, chưa có phòng âm nhạc, yêu cầu đầu tư khá lớn, nhu cầu của học sinh chưa biết sử dụng nhạc cụ gì, khó khăn thứ 2 về đội ngũ giáo viên, nhà trường chưa có giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc."
Tiếng trống trường đã vang lên, năm học mới bắt đầu, những khó khăn của ngành giáo dục vẫn còn đó, nhưng các trường đều đang cố gắng, nỗ lực, vì học sinh của mình.
Thực hiện : Phan Hằng Ninh Tùng