Nỗi lo 'đụng đâu cũng bị giật' trong mùa rét và cách khắc phục
Biết cách khắc phục hiện tượng nhiễm tĩnh điện, bạn sẽ tránh được tình trạng 'đụng đâu cũng bị giật' lúc trời quá lạnh và hanh khô.
Khi tiết trời rét và hanh khô, nhiều người thấy lo sợ khi luôn bị giật do nhiễm tĩnh điện. Tĩnh điện thường được tạo ra ở bất cứ nơi nào tay bạn chạm vào, khiến bạn có lúc bị giật bắn cả người.
Vì sao mùa đông 'đụng đâu cũng bị giật'?
Hiện tượng điện giật tanh tách khi chạm tay vào người hay vật gì đó vào những ngày tiết trời lạnh và hanh khô khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi. Đó thật ra là hiện tượng tĩnh điện.
Tĩnh điện là hiện tượng mất cân bằng điện tích trên bề mặt của một vật liệu. Điện tích sẽ được lưu giữ ở đó cho đến khi nó có thể truyền đi nơi khác thông qua một dòng điện hoặc sự phóng điện. Khái niệm "tĩnh" trong tĩnh điện ý nói đến sự tương phản với dòng điện, hình thức mà điện được truyền qua vật dẫn và mang theo năng lượng.
Mặc dù hiện tượng giật do tĩnh điện này không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người nhưng lại gây ra cảm giác sợ hãi cho nhiều người khi họ vô tình chạm vào người khác, vào đồ kim loại, tay nắm cửa, quần áo hay bất kỳ thứ gì khác.
Bạn không quá đau khi bị giật, nhưng thường giật mình và bị tê hoặc nhói ở phần tiếp xúc tĩnh điện như đầu ngón tay hay bàn chân....
Cơ thể người còn là một bộ máy điện hóa rất đặc biệt, có thể tạo ra một lượng điện năng siêu nhỏ, đủ gây cảm giác hơi tê tê khi vô tình ma sát với một vật nào đó. Khi bạn vô tình chạm tay vào tay nắm cửa bằng kim loại, điện tích âm trên cơ thể sẽ tiếp tục tăng lên cho đến khi đủ sản sinh ra lượng điện yếu cho phép tích điện giữa bàn tay và tay nắm cửa đột ngột lóe tia lửa, và bạn cảm giác hơi tê tay.
Ngoài ra, vào mùa đông, mỗi lần bỏ mũ hoặc cởi áo len, áo khoác ra, bạn thường nghe thấy tiếng nổ tanh tách hoặc cảm nhận tóc mình dựng đứng lên, đó đều là hiện tượng tĩnh điện. Tóc có cấu tạo giống như móng tay nên khi bị hư tổn, nó không có khả năng duy trì độ ẩm và tự phục hồi. Khi độ ẩm của tóc mất đi do điều kiện khô hanh hoặc khi ma sát với lược chải, quần áo len…., nó sẽ dễ sinh ra tĩnh điện.
Vào mùa hè, sự tích tụ của các electron gần như không rõ rệt. Không khí ấm hơn, chứa nhiều hơi nước hơn, cho phép các electron di chuyển. Đó là lý do tại sao vào những ngày ấm áp, ẩm ướt, bạn có thể chạm vào bạn bè, người thân và các nút bấm cửa mà không sợ bị giật.
Cách khắc phục tình trạng nhiễm tĩnh điện
Bạn có thể không loại bỏ được hoàn toàn tất cả các cú sốc do lượng electron dồi dào trong tự nhiên nhưng có thể giảm nỗi lo 'đụng đâu cũng bị giật' trong mùa đông và cách khắc phục chính là:
Tăng độ ẩm không khí
Nguyên nhân cơ thể tạo ra nhiều tĩnh điện chủ yếu là do không khí quá khô. Thế nên bạn phải duy trì nhiệt độ và độ ẩm trong nhà phù hợp vào mùa thu đông, có thể là bằng cách dùng máy tạo độ ẩm. Độ ẩm cao, hơi nước trong không khí sẽ giúp giảm bớt điện tích dư, sự "phóng điện" sẽ trở nên khó xảy ra hơn.
Đồng thời, bạn cần uống thêm nước và rửa tay thường xuyên để giảm tĩnh điện trong cơ thể.
Hạn chế đi giày cao su
Không nên đi giày dép bằng cao su, vì đây là chất cách điện mạnh, làm tăng khả năng gây tĩnh điện khi bạn vô tình đi qua tấm thảm bằng len, nylon…
Thay vào đó, việc đi chân trần sẽ làm giảm tĩnh điện hút vào cơ thể. Nếu không có tĩnh điện trên cơ thể, sẽ không có tĩnh điện trên quần áo.
Chăm sóc tóc đúng cách
Tóc là bộ phận có khả năng tạo ra tĩnh điện cao nhất trên cơ thể, phần lớn liên quan mật thiết đến chất lượng tóc và chiếc lược bạn sử dụng. Nếu tóc bạn tương đối khô hoặc bạn thường xuyên sử dụng lược nhựa, hiện tượng tĩnh điện dễ xảy ra. Do đó khi gội đầu, hãy cố gắng chọn những sản phẩm có tác dụng dưỡng ẩm tốt nhất. Nên sử dụng lược gỗ thay cho lược nhựa.
Chọn quần áo cotton
Tĩnh điện do cơ thể tạo ra cũng liên quan mật thiết đến chất liệu quần áo bạn mặc. Quần áo bằng sợi rất dễ sinh ra tĩnh điện. Vì vậy, tốt nhất nên chọn quần áo cotton. Chất liệu này không chỉ giúp người mặc thoải mái hơn mà còn giảm hiện tượng tĩnh điện.
Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên
Bạn cần bổ sung kem dưỡng ẩm cho làn da cơ thể. Việc chăm sóc làn da, đặc biệt là thoa kem dưỡng cho tay và cơ thể sẽ giúp giữ được độ ẩm thích hợp. Duy trì và tăng cường độ ẩm cho làn da là cách tuyệt vời để tránh gây tĩnh điện trong điều kiện thời tiết hanh khô.
Tập thể dục chân trần
Một trong những cách tốt nhất để khử tĩnh điện là chạm lòng bàn chân xuống đất, điều này giúp cơ thể thải tĩnh điện tốt hơn. Bạn có thể thực hiện một số bài tập chân trần khi rảnh rỗi để giải phóng tĩnh điện dư thừa ra khỏi cơ thể.
Trên đây là những lý giải về nỗi lo "đụng đâu cũng bị giật" trong mùa đông và cách khắc phục, giúp bạn không còn sợ hiện tượng tĩnh điện khi trời hanh khô.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/noi-lo-dung-dau-cung-bi-giat-trong-mua-ret-va-cach-khac-phuc-ar855114.html