Nỗi lo đuối nước khi hè về
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương ở Nghệ An đã có nhiều phương án phòng chống đuối nước như: cắm biển cấm tại các ao hồ, luồng lạch nguy hiểm hay dạy bơi... nhưng số người bị đuối nước luôn ở mức báo động, nhất là tại các vùng nông thôn. Trong những năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh này cũng xảy ra những vụ đuối nước, mỗi vụ thường từ 2-5 người chết, rất đau lòng.
Những vụ đuối nước đau lòng
Đến thời điểm này, chưa một người dân xứ Nghệ nào có thể quên vụ đuối nước xảy ra vào ngày 30/5/2019 vừa qua tại đập Trại Xanh, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành đã cướp đi sinh mạng của 5 em học sinh lớp 8 (4 nữ, 1 nam). Buổi sáng định mệnh ấy khiến cho 5 học sinh vừa bước vào những ngày tháng nghỉ hè ra đi mãi mãi. Nỗi đau này không chỉ của gia đình, nhà trường, địa phương mà đã làm sửng sốt, bàng hoàng cho người dân xứ Nghệ. Chứng kiến cảnh 5 thi thể được vớt lên bờ, nhiều em ôm chặt lấy nhau khiến những người có mặt tại hiện trường không cầm nổi nước mắt, đau đớn đến quặn lòng. Sáng hôm đó, một nhóm các em học sinh lớp 8A trường THCS Trung Thành tự tổ chức để chia tay bạn cùng lớp chuyển trường và đã chọn đập nước Trại Xanh cách đó ít cây số để làm điểm liên hoan.
Khoảng 13h cùng ngày, sau khi vui chơi thì một số bạn nam trong nhóm đi tắm ở đập. Lúc này các bạn nữ đi xuống mép đập nước chơi. Khi một bạn bị sảy chân xuống thì 4 bạn còn lại nhảy xuống nước cứu. Theo em Phan Bá Hiệp, một trong những học sinh vừa chứng kiến vừa là người ứng cứu cho biết, khi thấy 1 bạn bị rơi xuống đập, chới với thì 4 bạn còn lại nhảy xuống nước cứu. Thấy thế, em Phan Thị Bảo Châu nhảy xuống bơi ra cứu nhưng bị các bạn ôm chặt nên không thể cứu ai. Hiệp chạy đến ứng cứu nhưng chỉ kịp kéo tay được bạn Bảo Châu lôi lên bờ. Hiệp cùng các bạn sau đó kéo thêm được bạn Trần Long Nhật lên bờ và tiến hành sơ cứu nhưng đã quá muộn. 5 bạn của Hiệp đã vĩnh viễn rời xa cõi đời để lại bao xót thương đối với người thân, bè bạn.
Hay như vụ đuối nước vào sáng ngày 16/5/2019 tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn làm 2 học sinh đuối nước thương tâm là cháu Hoàng Phi Bảo (7 tuổi) học lớp 1, trú ở xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn và cháu Nguyễn Hữu Nam (7 tuổi) học lớp 1. Vào khoảng 14h chiều 15/5, cháu Bảo cùng anh con cậu là Nguyễn Hữu Nam rủ nhau đi câu cá ở đập nước Khe Đình, xóm 8, xã Nam Xuân rồi bị đuối nước.
Trước đó, vào ngày 6/5 một nhóm học sinh gồm 6 em rủ nhau đi đến khu vực đập nước bản Muộng thuộc địa bàn xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp tắm. Do nước sâu, một nam học sinh lớp 12 đuối nước. Trước nữa, vào ngày 29/4 một nhóm học sinh 5 em rủ nhau ra sông Hiếu đoạn chạy qua phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa tắm. Trong lúc tắm, không may 2 chị em ruột là Trần Kim X. (sinh năm 2006) và Trần Văn L. (sinh năm 2008) trú xã Nghĩa Hội và em Phùng Thị M. (sinh năm 2011), trú tại phường Long Sơn, huyện Nghĩa Đàn bị đuối nước. Riêng năm 2018 cũng đã có 20 em bị đuối nước.
Thông tin về các vụ đuối nước cứ liên tiếp xuất hiện, làm cho nỗi ảm ánh ấy nhói lên trong tiềm thức mỗi gia đình có con nhỏ. Như vậy, đến thời điểm đầu tháng 6, tỉnh Nghệ An đã ghi nhận hơn 30 trường hợp thiệt mạng do đuối nước và nạn nhân hầu hết là học sinh. Một con số đau lòng với gia đình, nhà trường và địa phương tại Nghệ An.
Nhận thức của người dân còn hạn chế
Trong nhiều năm qua, gần như địa phương nào cũng tiến hành tổ chức lễ phát động phòng chống đuối nước; các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng số vụ trẻ em bị đuối nước vẫn cứ diễn ra. Theo một số chuyên gia, do nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn rất hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh. Sự giám sát, chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm đầy đủ. Bởi vậy, nhằm đảm bảo cho các em thiếu nhi có một mùa hè vui, an toàn và bổ ích, cần trang bị cho trẻ những kiến thức tự bảo vệ bản thân, biết xử lý tình huống khi bị đuối nước. Nhiều địa phương ở Nghệ An đã mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh.
Cụ thể, từ năm 2016, Tỉnh đoàn Nghệ An đưa ra chủ trương dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong dịp hè và từ đó đến nay chương trình này được duy trì tại các địa phương. Điển hình như tại xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Đoàn xã của địa phương này tận dụng đoạn mương N1 chạy qua địa bàn để làm chỗ tập bơi cho trẻ em trong toàn xã. Cứ khoảng 5h chiều, từ các hướng trong ngõ xóm hàng trăm trẻ đổ xô ra đoạn kênh mương tập bơi dưới sự hướng dẫn của các Bí thư chi đoàn xóm.
Anh Bùi Đăng Khánh - Bí thư Đoàn xã Văn Sơn cho biết: Trước thực trạng trong dịp hè, trẻ đuối nước nhiều, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh đoàn Nghệ An, trong 3 năm trở lại đây, Đoàn xã Văn Sơn liên tục mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ khi hè về. Qua 3 năm, đã có hàng trăm trẻ em, học sinh đủ mọi lứa tuổi tham gia học bơi, rèn luyện sức khỏe. “Đoạn kênh chúng tôi tận dụng là một khúc mương rộng 5 m, dài hàng trăm mét, mỗi lần thủy lợi họ bơm nước, dưới sự hướng dẫn của các Bí thư chi đoàn, các em được dạy những động tác, kỹ năng bơi và cách xử lý khi gặp trường hợp đuối nước” - anh Khánh kể.
Chị Nguyễn Thị Thơ trú tại xóm 4, xã Văn Sơn chia sẻ: “Chiều nào cũng vậy, cứ vào hè, mỗi khi trạm bơm thủy lợi dẫn nước, tôi thường cho 2 đứa nhỏ ra mương vừa tắm, vừa tập bơi, chứ ở vùng nông thôn các cháu nhỏ không biết bơi là rất nguy hiểm. Điểm bơi này mấy năm nay đã trở thành nơi vui đùa, học bơi cho các cháu”.
Cũng với cách làm như vậy, tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn ngoài việc tiến hành các hoạt động vui chơi văn hóa, thể thao, hầu hết các địa phương trong huyện đều tổ chức các buổi học bơi miễn phí cho trẻ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Diên, huyện Nam Đàn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của huyện, xã Vân Diên tiến hành triển khai công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, gửi công văn thông báo đến các xóm, các trường học quán triệt, đề phòng tai nạn rủi ro và đuối nước.
Ông Thắng nói: “Chúng tôi giao cho các xóm có ao hồ phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm để nhân dân cũng như các cháu thấy được để phòng tránh”.
Ông Lê Đình Cẩn - Phó Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết: Sự việc 5 em học sinh bị đuối nước vừa qua cho thấy, tình trạng đuối nước năm nào cũng diễn ra dù Phòng cũng như ngành Giáo dục thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức cũng như những kỹ năng để phòng tránh đuối nước trong các nhà trường cũng như ngoài cộng đồng, nhất là dịp các em học sinh chuẩn bị nghỉ hè. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, môn học bơi vẫn chưa thể triển khai thực hành, do thiếu kinh phí đầu tư cũng như các vấn đề khác. Việc đưa môn học bơi trong nhà trường cần sớm được triển khai để các em được trang bị kỹ năng và kiến thức bảo vệ bản thân mình khi gặp rủi ro. Tình trang đuối nước ở Nghệ An nói riêng và toàn quốc nói chung đã ở mức đáng báo động. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, vấn nạn đuối nước khi hè đến mãi là nỗi lo cho cả cộng đồng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/noi-lo-duoi-nuoc-khi-he-ve-tintuc439083