Nỗi lo hàng giả, hàng nhái cuối năm

Cứ đến dịp cuối năm, người tiêu dùng lại đối mặt với nỗi lo hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện ở rất nhiều chợ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dù các cơ quan chức năng đã tăng cường xử lý nhưng vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng cố tình tiêu thụ hàng kém chất lượng, giả nhãn hiệu..., khiến thị trường hàng giả, hàng nhái càng thêm phức tạp...

Nhiều mỹ phẩm, túi xách... của các thương hiệu lớn được bày bán tại chợ Xanh (quận Cầu Giấy). Ảnh: Kim Vũ

Nhiều mỹ phẩm, túi xách... của các thương hiệu lớn được bày bán tại chợ Xanh (quận Cầu Giấy). Ảnh: Kim Vũ

Thực trạng đáng lo

Mặc dù dịch bệnh phức tạp, nhưng tại “thiên đường” mua sắm quần áo, mỹ phẩm, thiết bị điện thoại, đồ ăn giá rẻ ở chợ Xanh (quận Cầu Giấy), các quầy hàng vẫn bày san sát và tấp nập người mua bán. Tại một quầy mỹ phẩm với các thương hiệu nổi tiếng như Lancome, Ohui, Chanel, Dio, Guardian, hay nước hoa Gio Armani, Herme…, khách hàng chỉ cần có vài chục nghìn đồng là sở hữu ngay lọ nước hoa hay hộp kem nền, thỏi son. Tại quầy bán túi xách, các thương hiệu đình đám như Chanel, LV, Yves Saint Laurent… cũng được bày bán công khai, với giá chỉ từ hơn 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Chị Nguyễn Thị H., người bán hàng ở đây cho hay, dù là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nhưng vẫn được nhiều người mua về bán trên mạng internet.

Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), các loại giày dép, quần áo, đồng hồ đeo tay cũng “núp bóng” tinh vi bởi các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ cần bỏ ra vài chục đến vài trăm nghìn đồng, khách hàng có thể mua được một chiếc đồng hồ đeo tay với thương hiệu lớn như: Rolex, Gucci, Omega, Burberry… Điều đáng nói, biết đó là đồng hồ nhái thương hiệu nhưng nhiều người vẫn mua vì giá cả phải chăng. Theo anh Nguyễn Anh Dũng, phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm), hàng nhái có giá rẻ nhưng các chi tiết bên trong đồng hồ rất xấu, cẩu thả và không chắc chắn. Có người vừa sử dụng đồng hồ một thời gian ngắn đã bị ngấm nước, chạy lệch giờ, chết máy.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, buôn bán hàng giả, hàng nhái... là thực trạng rất đáng lo ngại. Trong năm 2021, Cục đã kiểm tra, xử lý 4.042 vụ, phạt tiền gần 43 tỷ đồng; trong đó, có 1.807 vụ là hàng nhập lậu, 761 vụ là hàng giả, hàng kém chất lượng. Điển hình, ngày 29-9-2021, Cục đã chuyển cơ quan điều tra vụ việc tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm số 10B ngõ 126 phố Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) về hành vi buôn bán hàng giả là sữa tắm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, trị giá trên 2,4 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng thu giữ lô mỹ phẩm giả tại số 10B, ngõ 126 phố Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân), tháng 9-2021.

Lực lượng chức năng thu giữ lô mỹ phẩm giả tại số 10B, ngõ 126 phố Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân), tháng 9-2021.

Tăng cường xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về những vi phạm tại các chợ trên địa bàn quận Cầu Giấy như chợ Xanh, chợ Đồng Xa, Trưởng ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng cho biết, Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các tiểu thương bán hàng chính hãng, ký cam kết không bán hàng nhái, hàng giả. Đồng thời, hằng năm, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường quận kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh trong chợ. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh xử lý hàng giả, nhái, không nguồn gốc xuất xứ tại các địa bàn trên.

Tương tự, Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm Nguyễn Tùng Lâm cũng cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 quận Hoàn Kiếm tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng không nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là tại các chợ. Đơn vị sẽ kiên quyết xử lý triệt để vi phạm trong những ngày tới.

Nói về thực trạng này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên phân tích, hàng lậu được hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, nhiều chủng loại và chia nhỏ, vận chuyển thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát. Gần đây, một số đối tượng chọn thuê kho có địa điểm ở một số vùng ngoại thành Hà Nội để tập kết tàng trữ và tiêu thụ hàng lậu. Trong dịp cuối năm này, Cục tiếp tục kiểm tra định kỳ, trọng tâm, trọng điểm là những lĩnh vực bánh kẹo, rượu, bia, xăng dầu, những hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả.

Nhằm hạn chế việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý; đồng thời, sẽ kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã về công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022. Đồng thời, tổ chức kiểm tra kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như việc chấp hành quy định về giá bán hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.

Nhiều năm qua, cuộc chiến chống hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng được các lực lượng chức năng nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, để thêm phần hiệu quả, rất cần sự kiên quyết bài trừ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái... của người dân, cũng như sự chủ động tố giác vi phạm của chính các cơ sở kinh doanh... Khi đó, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái... mới có thể được đẩy lùi.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1021122/noi-lo-hang-gia-hang-nhai-cuoi-nam