Nỗi lo khi học phí các trường đại học tăng
Hiện nay, một số trường đại học đang công bố điểm trúng tuyển, nhiều tân sinh viên (SV) đang háo hức bước vào ngưỡng cửa đại học (ĐH). Song, không ít gia đình canh cánh nỗi lo khi từ năm học này các trường ĐH đồng loạt tăng học phí.
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo là cần thiết, nhưng cần có lộ trình, mở rộng đối tượng SV tiếp cận với chương trình tín dụng, thời gian vay dài hạn hơn… để không một SV nào phải từ bỏ ước mơ chỉ vì học phí tăng.
* Áp lực từ học phí tăng
Từ năm học 2023-2024, học phí tại các trường ĐH đồng loạt điều chỉnh tăng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo đó, mức học phí tại nhiều trường ĐH tăng phổ biến từ 10-20%. Thông tin này đang khiến nhiều gia đình có con chuẩn bị và đang theo học tại các trường ĐH lo lắng.
Hiện nhiều trường ĐH đã công bố học phí năm học 2023 - 2024. Chẳng hạn ở TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương tăng 5 triệu đồng/năm; Trường ĐH Y dược có 11/14 ngành học phí tăng từ 3,2-8 triệu đồng/năm; Trường ĐH Kiến trúc tăng 10%; Trường ĐH Sư phạm tăng 12%; Trường ĐH Bách khoa tăng từ 5-10%…
Tương tự, các trường ĐH ở Hà Nội như: Học viện Tài chính tăng từ 10-20%; Học viện Báo chí và tuyên truyền tăng 8%; Trường ĐH Mở, Trường ĐH Y tế công cộng, ĐH Quốc gia Hà Nội học phí tăng từ 13-50%...
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng học phí sẽ tạo thêm áp lực cho SV và phụ huynh. Bởi ngoài học phí, các SV phải trang trải rất nhiều khoản như: thuê phòng trọ, ăn uống, đi lại, mua và sao in tài liệu học tập, học thêm các học phần, chương trình phụ trợ khác. Trong khi đó, thu nhập của những gia đình ngoại tỉnh ở nông thôn, công nhân lao động, buôn bán nhỏ còn thấp nhưng con em họ phải chịu mức chi tiêu đắt đỏ khi theo học tại những thành phố lớn.
Em V.T.M.H. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa), SV năm 2 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết, năm nay trường tăng 10% học phí nên học phí dao động từ 13-88 triệu đồng/năm, tùy hệ đào tạo.
Ở hệ đại trà, một năm SV học khoảng 18 tín chỉ, học phí 1 tín chỉ năm 2023 cũng tăng thêm 83 ngàn đồng; các học phần lý luận chính trị, giáo dục thể chất cũng từ 110-250 ngàn đồng/học phần. Cộng chung lại học phí cũng tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/năm.
Bà Trần Thị Mai, mẹ của em V.T.M.H. cho biết: “Mỗi tháng, thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 9 triệu đồng. Tôi phải gửi 5 triệu đồng cho con trang trải các khoản chi phí nhà trọ, ăn uống, xăng xe… Do học ngành kiến trúc, con tôi còn phải tốn kém khá nhiều cho khoản mua giấy, bảng, vật liệu để thiết kế, đồ án, lên mô hình… Tăng học phí, gia đình tôi lại càng lo lắng”.
Có con trai vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, dù rất mừng nhưng vợ chồng ông Trần Đức Chính (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng lo lắng khi học phí của trường y vốn đã cao hơn các trường công lập khác (77 triệu đồng/năm hệ trong nước) nay còn tăng lên 85 triệu đồng/năm.
Ông Chính cho biết: “Sau 6 năm học và 1,5 năm thực hành để lấy chứng chỉ hành nghề, chi phí phải tính đến vài trăm triệu đồng. Với mức học phí này, ngay cả gia đình có thu nhập khá còn chật vật, huống chi thu nhập trung bình như gia đình tôi. Học phí tăng thực sự là một khó khăn lớn cho nhiều gia đình có con theo học ngành Y. Trong khi ra trường mức lương của các bác sĩ như hiện nay là chưa tương xứng”.
* Cần thêm chính sách hỗ trợ SV
Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh TP.HCM đã có chủ trương cho tất cả sinh viên thường trú tại TP.HCM được vay vốn tín chấp. Tại Đồng Nai, theo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai, hiện vẫn đang thực hiện theo quy định của Chính phủ, chỉ cho vay đối với những học sinh, SV thuộc đối tượng chính sách, chưa có chính sách tín dụng cho SV ngoài đối tượng.
Rõ ràng, học phí tăng đang gây áp lực cho nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ khó khăn, trong khi chính sách tín dụng cho SV hiện nay còn hạn chế. Trước tiên phải kể đến đối tượng vay còn hạn chế, chỉ có SV mồ côi, SV thuộc diện hộ nghèo, có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh mới được vay và mức vay cũng không cao, chỉ 4 triệu đồng/tháng.
Trần Tuấn Anh Khoa (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), một SV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học năm thứ 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, năm đầu tiên Khoa chỉ được vay 2,5 triệu đồng/tháng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2022, mức vay mới được nâng lên 4 triệu đồng/tháng.
“Với học phí của trường và mức sống ở TP.HCM, khoản tiền vay mới chỉ giúp trang trải được khoảng 50% tổng chi phí học tập, còn lại tôi phải làm thêm cật lực mới tạm đủ chi” - Anh Khoa chia sẻ.
Một bất cập khác, hiện mức cho SV vay còn cào bằng giữa các tỉnh, thành, trong khi học phí, chi phí sinh hoạt, mức sống giữa các trường ĐH, giữa các địa phương chênh lệch nhau rất lớn. Ngoài ra, thời hạn cho SV vay vốn học tập ngắn (tối đa 10 năm), SV phải trả gốc và lãi lần đầu tiên ngay khi có việc làm nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày ra trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng học phí quá cao sẽ tạo gánh nặng cho người học, làm mất cơ hội học lên cao của nhiều người, nhất là những SV có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, tăng học phí cần có lộ trình thích hợp, đồng thời triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp như: trao học bổng, miễn, giảm học phí; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đến mọi SV... để không làm giảm cơ hội học hành đối với SV nói chung và các SV có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.