Nỗi lo làn sóng Covid-19 thứ hai

Khi các quốc gia đang dần nới lỏng những biện pháp hạn chế và phong tỏa thì cụm từ 'làn sóng lây nhiễm thứ hai' dịch Covid-19 cũng xuất hiện nhiều hơn. Hơn 300 người tái dương tính Covid-19 ở Hàn Quốc chỉ sau một thời gian ngắn và hàng trăm ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở Singapore-quốc gia từng được coi là hình mẫu chống dịch thành công giai đoạn đầu-đã buộc các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về kịch bản xấu nhất khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai xảy ra.

Các yếu tố khó lường

Giới chuyên gia cho rằng virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo” với khả năng lây lan nguy hiểm, khó lường. Thực tế tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia cho thấy nhiều ca mang bệnh mà không có bất cứ triệu chứng nào, điển hình như Trung Quốc có tới 1/3 số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nằm trong nhóm người "mang bệnh thầm lặng". Trong khi đó, một số ca nhiễm Covid-19 lại có thời gian ủ bệnh rất lâu hoặc thậm chí có ca không xác định được nguồn gốc lây nhiễm. Thống kê cho thấy, hiện Singapore không thể tìm thấy nguồn lây nhiễm của 17/25 ca bệnh mới mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 68% trường hợp lây lan trong cộng đồng ở Singapore được coi là mất dấu F0 và rất nhiều người có khả năng nhiễm bệnh mà vẫn chưa được phát hiện.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, số ca có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh và dỡ bỏ cách ly đã tăng lên hơn 300 ca. Đây đều là những yếu tố “bất thường” chưa được lý giải xung quanh các ca nhiễm Covid-19, mà theo các chuyên gia chúng rất có thể sẽ trở thành nguồn nhiên liệu mới khiến “ngọn lửa” Covid-19 thứ hai bùng phát.

 Những chiếc ghế được yêu cầu để trống trên một chuyến tàu ở Italy nhằm bảo đảm giãn cách xã hội. Ảnh: Euronews.

Những chiếc ghế được yêu cầu để trống trên một chuyến tàu ở Italy nhằm bảo đảm giãn cách xã hội. Ảnh: Euronews.

Một yếu tố khó lường khác cũng có thể tác động tới sự lây lan của virus SARS-CoV-2 là thời tiết. Mặc dù vẫn chưa có các chứng minh khoa học rõ ràng cho thấy thời tiết có ảnh hưởng tới việc lây nhiễm Covid-19, song nhiều chuyên gia Mỹ vẫn cảnh báo đợt sóng dịch bệnh thứ hai có khả năng xuất hiện tại Mỹ vào mùa thu hoặc mùa đông tới. Tờ Washington Post dẫn nhận định của một số chuyên gia Mỹ cho rằng, virus Corona chủng mới gây ra Covid-19 có thể hoạt động như các virus Corona thông thường gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ. Chúng lây lan dễ dàng hơn trong môi trường lạnh, khô và khó lây nhiễm hơn khi thời tiết ấm áp và ẩm ướt. Bởi vậy, điều kiện thời tiết vào mùa thu và mùa đông có thể khiến khả năng lây lan của SARS-CoV-2 tăng cao hơn so với mùa hè.

Bài toán cân bằng

Tờ Washington Post cũng nhận định rằng đợt sóng dịch thứ hai nhiều khả năng xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia hoàn toàn bất lực trước dịch bệnh. Thực tế, mức độ lây nhiễm của đợt sóng thứ hai ở một số nơi cho thấy việc kiểm soát tốt hoàn toàn có thể giúp ngăn chặn được sự lây lan của dịch Covid-19 mà không cần phải quay lại chế độ “bế quan tỏa cảng” vốn bóp nghẹt nền kinh tế.

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng đánh giá giãn cách xã hội không thể giải quyết được 100% dịch bệnh cũng như sự lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ có thể giảm tối đa sự lây lan của virus. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, với khoảng 40% người mang mầm bệnh không có triệu chứng, chưa thể loại trừ còn trường hợp người mang mầm bệnh đang sống trong cộng đồng, chưa kể những ca dương tính trở lại. Đó sẽ là nguồn “lây lan thầm lặng” tạo ra "làn sóng lây nhiễm thứ hai" khó kiểm soát khi thế giới vẫn chưa có vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 hay thuốc đặc trị.

Bởi vậy trong bối cảnh vẫn phải “sống chung với dịch”, cân bằng giữa cho phép người dân quay lại nhịp sống đời thường với giữ tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp là biện pháp mà chính phủ các nước trên thế giới, kể cả những quốc gia bị tác động mạnh nhất, đang tìm cách áp dụng. Tại Trung Quốc, bảo đảm giãn cách trong lớp học, bắt buộc đeo khẩu trang, sử dụng các ứng dụng theo dõi trên điện thoại thông minh là những biện pháp đang được áp dụng phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Là nước lớn đầu tiên thoát khỏi tình trạng đóng cửa, Trung Quốc vẫn đang tập trung và thận trọng giải quyết làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Nhiều thành phố vẫn chưa cho phép các rạp hát, rạp chiếu phim mở cửa, trong khi hình thức xét nghiệm diện rộng nhằm chặn trước sự lây lan của Covid-19 đang được áp dụng ngày càng phổ biến.

Là “tâm dịch” của châu Âu, Italy cũng tỏ ra thận trọng khi không gỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp hạn chế, mà thay vào đó là tiến hành từng bước để đưa các hoạt động xã hội về trạng thái bình thường. Sau khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa gần như trên toàn quốc từ ngày hôm nay (4-5), các doanh nghiệp sẽ được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết tới tận tháng 9 các trường học ở nước này mới mở cửa.

Trong khi đó, sau 48 ngày thực hiện lệnh phong tỏa trên cả nước để chống dịch Covid-19, Tây Ban Nha đã bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế từ ngày 2-5. Song việc nới lỏng sẽ được thực hiện theo 4 giai đoạn, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6.

Có thể nói, thận trọng và không lơ là trước tình hình dịch bệnh là điều cần thiết đối với bất kỳ quốc gia nào. Bài học tái bùng phát dịch từ Nhật Bản, Singapore... cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể xâm nhập tồn tại và phát triển trong một cộng đồng và chỉ được phát hiện khi đã lây lan cho nhiều người. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai hoặc thậm chí thứ ba, thứ tư... vẫn đang rình rập và chỉ có thận trọng mới giúp các quốc gia phòng ngừa sự trở lại của đại dịch này.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/noi-lo-lan-song-covid-19-thu-hai-616932