Nỗi lo làn sóng lây nhiễm mới khi nhiều quốc gia nới phong tỏa

Số ca nhiễm virus corona có dấu hiệu tăng trở lại báo động nguy cơ về làn sóng lây nhiễm tiếp theo ở các quốc gia bắt đầu nới phong tỏa như Đức, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Số ca nhiễm virus corona đã tăng trở lại ở Đức vào cuối tuần trước vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo nới lỏng các biện pháp ngăn virus lây lan.

Trong khi đó, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã phát hiện những ca nhiễm đầu tiên sau nhiều tuần số ca dương tính mới gần như bằng 0. Ca nhiễm hàng ngày bắt đầu tăng trở lại góp phần đưa số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu lên 4 triệu người.

 Cảnh sát Đức bắt giữ một người biểu tình chống lại các biện pháp phong tỏa trên ở Berlin hôm 9/5. Ảnh: AP.

Cảnh sát Đức bắt giữ một người biểu tình chống lại các biện pháp phong tỏa trên ở Berlin hôm 9/5. Ảnh: AP.

Các ca nhiễm mới xuất hiện trong bối cảnh các quốc gia bắt đầu nới lỏng biện pháp cách ly xã hội để chống dịch cho thấy khó khăn mà các chính phủ sẽ gặp phải trong những tháng tới khi cố gắng mở cửa lại nền kinh tế mà không dẫn đến làn sóng lây lan tiếp theo.

Nguy cơ làn sóng mới

Chính quyền Pháp, quốc gia bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa từ hôm 11/5, tuyên bố phát hiện ra một cụm lây nhiễm gồm ít nhất 9 trường hợp liên quan đến đám tang ở Dordogne, một tỉnh tây nam nước này.

Tỉnh trưởng Frédéric Perissat cho biết cụm lây nhiễm này là “thứ chúng tôi hy vọng sẽ không phải trải qua trong vài tuần tới. Mọi người đang buông lỏng cảnh giác. Họ tụ tập thành nhóm 20-30 người và lây bệnh cho nhau”.

Chính phủ Hàn cũng cảnh báo về sự trở lại của Covid-19 vào hôm 10/5 khi số ca nhiễm tăng trở lại lên mức cao nhất trong một tháng qua.

“Dịch bệnh sẽ không kết thúc cho tới khi nó thật sự kết thúc”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cảnh báo về một làn sóng virus thứ hai có thể xảy ra vào cuối năm nay.

 Du khách thăm Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul sau khi những hạn chế được nới lỏng. Ảnh: Reuters.

Du khách thăm Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul sau khi những hạn chế được nới lỏng. Ảnh: Reuters.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc đã báo cáo gần 100 ca nhiễm mới liên quan tới một ổ dịch nhỏ xuất hiện gần một số hộp đêm ở khu Itaewon, Seoul. Chính quyền Seoul đã tạm thời đóng cửa tất cả điểm giải trí ban đêm ở thủ đô.

Nước này cũng đang xem xét việc mở cửa lại các trường học theo từng giai đoạn bắt đầu từ hôm 13/5 như đã lên kế hoạch, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung Hoo nói.

Tại Trung Quốc, 14 ca nhiễm virus corona mới được xác nhận vào hôm 9/5, số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ ngày 28/4. 6 ca nhiễm virus Covid-19, gồm 1 ca ngày 9/5 và 5 ca ngày 10/5, là những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán trong 5 tuần qua.

Bí thư một phường ở Vũ Hán cũng bị miễn nhiệm vì “quản lý kém” trong công tác chống dịch.

11/12 ca nhiễm được phát hiện hôm 9/5 là ở tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc. Điều này khiến chính quyền phải nâng mức độ rủi ro ở huyện Thư Lan của tỉnh này lên cao vài ngày sau khi hạ mức độ rủi ro của tất cả khu vực xuống thấp.

Nhà chức trách cho biết ổ dịch ở Thư Lan bắt nguồn từ một phụ nữ 45 tuổi. Bà không di chuyển sang khu vực có người nhiễm hay tiếp xúc gần với người nhiễm. Người phụ nữ này đã lây bệnh cho chồng, ba chị gái và các thành viên khác trong gia đình. Xe lửa trong khu vực đã bị ngưng hoạt động.

Viện Robert Robert, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở Đức, cho biết hôm 10/5 rằng hệ số lây nhiễm (R) của nước này đã tăng lên 1,1. Hệ số này có nghĩa 1 người nhiễm bệnh sẽ lây bệnh cho 1,1 người.

Viện này cho biết có thể có một số biến động trong việc tính toán R và tình hình dịch bệnh trong những ngày tới cần được theo dõi chặt chẽ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải nhượng bộ trước áp lực từ lãnh đạo của 16 bang yêu cầu tái khởi động đời sống xã hội và khôi phục nền kinh tế. Bà Merkel đã công bố việc cho phép thêm một vài cửa hàng và trường học mở cửa lại.

 Người biểu tình chống phong tỏa tại Rosa-Luxemburg-Platz ở Berlin hôm 9/5. Ảnh: EPA.

Người biểu tình chống phong tỏa tại Rosa-Luxemburg-Platz ở Berlin hôm 9/5. Ảnh: EPA.

Đồng thời, bà Merkel cũng công bố kế hoạch “phanh khẩn cấp” để áp các lệnh hạn chế nếu số ca nhiễm tăng trở lại.

Ông Karl Lauterbach, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức và là giáo sư dịch tễ học, cho biết virus corona có thể bắt đầu lây lan trở lại nhanh chóng. Ông đưa ra phát biểu trên sau khi nhìn thấy những đám đông lớn tụ tập bên ngoài vào ngày 9/5 ở Cologne.

“Hệ số R sẽ vượt quá 1 và chúng ta sẽ quay trở lại mức tăng trưởng theo cấp số nhân”, ông viết trên Twitter. “Việc nới lỏng các biện pháp được chuẩn bị quá kém”.

Thách thức từ ý thức người dân

Việc nới lỏng lệnh phong tỏa cũng khiến số ca nhiễm tăng lên ở những nơi khác, bao gồm cả Iran. Nước này đã cho phép các doanh nghiệp nhỏ, trung tâm mua sắm và tiệm cắt tóc mở cửa trở lại trong những tuần gần đây. Iran cho rằng nền kinh tế vốn đã bị trì trệ do lệnh trừng phạt của Mỹ cần phải hoạt động trở lại.

Số ca nhiễm mới đã tăng từ mức 802 ca vào đầu tháng 5 lên gấp đôi vào cuối tuần qua, đưa tổng số ca dương tính với virus ở Iran vượt mức 109.000 ca tính đến ngày 12/5.

Hạt Abadan của tỉnh Khuzestan ở tây nam Iran đã được đặt trong tình trạng phong tỏa trở lại sau khi số ca nhiễm mới tăng lên. Ông Gholamreza Shariati, người đứng đầu tỉnh cho biết người dân ở đây không tuân theo các biện pháp cách ly xã hội.

“Vì điều này mà số người dương tính virus trong tỉnh tăng gấp 3 và số người nhập viện tăng 60%”, ông Shariati nói.

 Người dân ở Madrid, Tây Ban Nha. Thủ đô Madrid vẫn chưa đủ điều kiện để nới lỏng phong tỏa. Ảnh: Guardian.

Người dân ở Madrid, Tây Ban Nha. Thủ đô Madrid vẫn chưa đủ điều kiện để nới lỏng phong tỏa. Ảnh: Guardian.

Tại Italy, các công viên ở Milan và Torino đã chật ních người vào cuối tuần qua sau khi đất nước này nới lỏng phong tỏa vào ngày 4/5. Tình trạng này đã khiến các nhà lập pháp lên tiếng chỉ trích về ý thức quá kém của người dân.

Thị trưởng Milan, ông Capppe Sala, cho biết ông “tức giận” với những đám đông ở Navigli, một quận của thành phố này. Ông Sala cũng nói rằng ông sẽ đóng cửa hoàn toàn khu vực này nếu người dân không tôn trọng luật lệ. Các quán bar và nhà hàng ở Italy có thể bán thức ăn và đồ uống mang về nhưng người dân không được phép tụ tập bên ngoài những nơi đó.

Một nửa diện tích Tây Ban Nha đã bước vào giai đoạn tiếp theo của việc nới lỏng phong tỏa hôm 11/5. Nước này cũng ghi nhận số người tử vong trong ngày thấp nhất trong 2 tháng qua.

Nước này đang nới lỏng các biện pháp chống dịch theo từng vùng. Vùng đáp ứng được các tiêu chí nhất định mới được thực hiện. Madrid và Barcelona, hai trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất Tây Ban Nha, được coi là chưa đủ điều kiện để nới lỏng phong tỏa.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa nói rằng quá trình chuyển đổi sang “tình trạng bình thường mới” không thể được thực hiện vội vàng.

Đây là cách người Đức mở tiệc có DJ trong thời dịch bệnh Khi các hộp đêm phải đóng cửa vì dịch Covid-19 bùng phát, một doanh nghiệp ở Đức đã lên ý tưởng cho khách ngồi trong ôtô tham dự buổi tiệc có DJ.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-lo-lan-song-lay-nhiem-moi-khi-nhieu-quoc-gia-noi-phong-toa-post1083693.html