Nỗi lo lũ về
Dù đã bố trí được quỹ đất nhưng do không có kinh phí nên hàng chục hộ dân ở bản Ngàm, xã biên giới Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn nơm nớp nỗi lo lũ quét, sạt lở đất bất cứ lúc nào.
Mỗi khi bầu trời tối sầm lại báo hiệu cơn mưa kéo đến cũng là lúc 24 hộ dân ở bản Ngàm lại thấp thỏm không yên. Mưa lớn khiến suối Khà hiền hòa chảy qua khu Co Hương thuộc bản Ngàm trở nên đục ngầu, hung dữ.
Từ trung tâm xã đi theo con đường mòn ngoằn ngoèo chạy men theo các sườn núi với những con dốc cao và nhiều khúc cua khá gắt, trơn trượt… mới vào được khu Co Hương. Ở đây có 19 hộ với 99 nhân khẩu, được bao quanh bởi đồi Co Lóc, Pom Hang và con suối Khà.
Mấy năm trở lại đây, đồi Co Lóc bỗng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, những mạch nước ngầm bất thường, vì vậy có thể đổ sập bất cứ lúc nào khi mưa lũ về. Mỗi khi mưa lớn, nước từ đồi Co Lóc ồ ạt đổ xuống, nước suối Khà dâng lên… khiến người dân nơi đây vô cùng lo sợ.
Bên ngôi nhà nằm sát ngay sát chân núi, bà Lò Thị Phiện, dân tộc Thái ở khu Co Hương cho biết: “Bao nhiêu năm sinh sống trên mảnh đất này, gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ phải di dời đến một vùng đất mới. Nhưng trước tình trạng nguy hiểm như hiện nay, đặc biệt là sau biến cố ở Sa Ná tháng 8 - 2019 khiến chúng tôi cảm thấy bất an, lo lắng. Mùa mưa lũ năm trước, bà con chúng tôi đã phải di dời đến 3 lần”.
Chung tâm trạng, anh Lò Văn Quyền, dân tộc Thái ở khu Co Hương chia sẻ: “Mỗi khi mùa mưa lũ về, chỉ cần mưa ít ngày, cứ nghe tiếng kẻng báo động là người dân Co Hương lại tức tốc bỏ nhà cửa, tài sản di dời đi nơi khác. Sợ nhất là những ngày mưa bão nước từ trên đồi đổ xuống, nước dưới suối dâng lên, đứng ngồi không yên. Chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp để bà con được đến nơi ở mới an toàn hơn”.
Dẫn chúng tôi quan sát kỹ hơn các vết nứt gãy của địa chất nơi đây, ông Lò Văn Piên - Trưởng bản Ngàm cho biết: “Mấy năm trước thì không sao, nhưng từ năm 2016 lại đây cứ mùa mưa về bà con lại sống trong nơm nớp, lo sợ. Mặc dù biết nguy hiểm đang rình rập nhưng không còn cách nào khác, người dân vẫn phải cố thủ. Chỉ cần mưa khoảng 3 - 4 ngày là phải di tản bà con rồi”.
Theo ông Piên, ai cũng biết rõ hiểm nguy luôn rình rập nên bà con sẵn sàng di dời đến khu tái định cư, nhưng khó khăn nhất vẫn là kinh phí.
Tam Thanh là xã biên giới của huyện Quan Sơn, cách cột mốc biên giới Việt - Lào chừng 5 km, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, dân cư tập trung sinh sống ở chân đồi, núi.
Những năm trước cuộc sống người dân bản Ngàm vốn yên ả, thanh bình. Dưới những ngôi nhà sàn, nhà nhà yên tâm làm nương rẫy, chăm con trâu, con bò, sáng sáng, chiều chiều lại đưa đón con cháu đi học… Nhưng từ năm 2016, do ảnh hưởng của mưa lũ và các hoạt động địa chất, trên sườn đồi núi phía sau khu dân cư Co Hương đã xuất hiện vết nứt lớn, kéo dài khiến người dân sống trong cảnh bất an, lo lắng.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Hà Văn Tựng cho biết: “Bản Ngàm hiện có 24 hộ với 122 nhân khẩu đang nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, trong đó khu Co Hương với 19 hộ dân được ghi nhận là khu vực đặc biệt nghiêm trọng cần phải di dời. Trước tình hình còn nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu vực nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, chúng tôi vô cùng lo lắng. Cơ quan chức năng đã khảo sát địa chất và tìm được quỹ đất bố trí tái định cư an toàn cho những hộ dân này”.
Ông Tựng cho biết thêm, khó khăn nhất hiện nay là không có kinh phí để san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Người dân nơi đây đều là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Thương nhất là người già, trẻ nhỏ mỗi mùa mưa bão về lại phải “đèo bòng” ra ở nhờ nhà người quen hoặc trường học trong xã. Chỉ mong Nhà nước quan tâm kịp thời để người lớn yên tâm làm ăn, trẻ nhỏ cũng yên tâm học hành. Dù biết rõ những mối nguy hiểm luôn rình rập hàng chục hộ dân bản Ngàm, nhưng chính quyền địa phương cũng “lực bất tòng tâm” bởi không có kinh phí.
Huyện Quan Sơn đã có kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho 24 hộ dân với 122 nhân khẩu của bản Ngàm. Vị trí xây dựng khu tái định cư đã được xác định với tổng diện tích khoảng 3 ha, tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay việc di dời chưa thực hiện được do không có kinh phí.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Sắp tới chính quyền địa phương sẽ có hướng để di dời 24 hộ dân bản Ngàm ra khỏi khu sạt lở. Hiện đã bố trí được mặt bằng nhưng do thiếu kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, nên trước mắt chúng tôi sẽ giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân làm tốt việc phòng chống thiên tai và sạt lở đất”.
Trong khi chờ kinh phí, để đảm bảo an toàn cho 24 hộ dân ở bản Ngàm, huyện Quan Sơn đã chỉ đạo xã xây dựng phương án cho bà con. Nếu có nguy cơ cao xảy ra, sẽ sơ tán 122 nhân khẩu ra nhà văn hóa của bản và ở nhờ các hộ khu vực bên ngoài. Trường hợp sơ tán dài ngày thì địa phương sẽ bố trí nhu yếu phẩm. Công an xã, dân quân tự vệ phải có trách nhiệm đảm bảo tài sản cho bà con những ngày sơ tán.
Chia tay mảnh đất vùng biên, chúng tôi không khỏi day dứt. Mong rằng Nhà nước sớm có kế sách hỗ trợ để không xảy ra những điều đáng tiếc.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/noi-lo-lu-ve/124248.htm