Nỗi lo lương chưa tăng, vật giá đã 'leo thang'
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng (LTTV) đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động. Trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất điều chỉnh LTTV tăng 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 1-7-2024.
Tăng lương sẽ góp phần chia sẻ khó khăn với NLĐ sau khi trải qua một năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức. Song nhiều lao động cũng bày tỏ lo lắng khi lương chưa tăng, vật giá các mặt hàng thiết yếu đã “leo thang”.
Áp lực nhiều khoản chi tiêu
Trở lại công việc bình thường gần 2 tháng sau thời gian việc làm luân phiên, đợi chờ đơn hàng mới, chị Cao Thu Vân (quê tỉnh Hà Tĩnh) vẫn gặp nhiều khó khăn khi thu nhập chưa đáp ứng cuộc sống tối thiểu. Hàng tháng, đồng lương của chị chỉ đủ nuôi 2 con ăn học và trả tiền thuê trọ. Chồng chị thất nghiệp suốt 4 tháng nay. Khi được hỏi đến vấn về tăng lương vào tháng 7 tới, chị Vân cho biết, tăng lương với NLĐ là niềm vui, song áp lực giá cả leo thang cùng với nhiều khoản chi tiêu đang khiến chị lo lắng.
“Những năm trước, cứ mỗi lần tăng lương thì giá cả lại tăng theo, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, khó khăn vẫn là NLĐ, nhất là với những người lương cơ bản còn thấp. “Thu nhập tôi giờ tính cả tăng ca được 7,5 triệu đồng/tháng. Ngoài đóng tiền học, trả tiền thuê nhà trọ, tôi phải tằn tiện mới đủ chi tiêu. Tôi hy vọng lương tăng, giá cả vẫn bình ổn thì may ra NLĐ mới đỡ tính toán” - chị Vân bộc bạch.
Các cán bộ Công đoàn cho rằng, giữ chân NLĐ bằng cách tăng lương là một trong những giải pháp của các DN để duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là quan tâm cải thiện các chính sách và phúc lợi lâu dài cho NLĐ.a
Vợ chồng anh Lê Thế Vũ (ở trọ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng làm công nhân hơn 11 năm, tổng thu nhập hàng tháng trên 12 triệu đồng. Anh Vũ cho biết, đến tháng nhận lương, việc đầu tiên anh làm là gửi tiền về quê để lo cho 2 con của anh, số dư còn lại thì vợ chồng anh phải tính toán hợp lý các khoản. Cũng vì thu nhập còn thấp, bữa ăn hàng ngày của gia đình anh trở nên đạm bạc hơn. Anh Vũ mong công việc năm nay ổn định và giá cả thực phẩm thiết yếu không tăng. Có như vậy thì việc tăng lương mới có ý nghĩa với NLĐ.
Tương tự, chị Lê Hoài Miên, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (huyện Vĩnh Cửu), mỗi ngày đều phải tính toán chi tiêu sao cho tiết kiệm nhất để không phải vay mượn. Chị Miên cho hay, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đời sống của chị không quá khó khăn như năm 2023, bởi năm ngoái việc làm ít nên thu nhập giảm. Khi nghe tin tăng LTTV, chị mừng vì sẽ đỡ đần thêm các khoản tiền điện, nước, tiền xăng hàng tháng.
“Chúng tôi ăn uống tiết kiệm, ngay cả việc sử dụng điện cũng vậy, sống trong nhà trọ thời tiết nắng nóng nhưng không dám xài quạt điện nhiều, vì sợ tiền điện tăng lên không biết lấy đâu đắp vào” - chị Miên trăn trở.
Cần cải thiện đời sống NLĐ
Thực tế, việc tăng LTTV là để bù trượt giá, đảm bảo mức sống cho NLĐ. Song cứ mỗi lần có thông tin đến đợt tăng lương là giá cả hàng hóa lại rục rịch tăng. Nhiều lao động ở trọ cho biết, dù được thêm chút tiền nhưng cũng chỉ bù đắp tiền chợ, tiền ăn uống hàng ngày. Đó là chưa kể tình trạng lương tăng một thì giá tăng hai…
Anh Cao Thành Trung (ở trọ tại khu phố 10, phường An Bình, thành phố Biên Hòa) cho hay, với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng, công nhân đi chợ chỉ dám chọn mua những thực phẩm giá rẻ, giảm giá. Nếu lương vẫn thấp và giá nhiều hàng hóa vẫn leo thang thì NLĐ khó bám trụ với nhà máy và cuộc sống vẫn không cải thiện.
Đầu năm 2024, để chia sẻ khó khăn với NLĐ, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã tăng lương cho NLĐ với mức thấp nhất 100 ngàn đồng/người.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (thành phố Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp cho hay, tăng LTTV là cần thiết đối với NLĐ, bởi đời sống của họ còn nhiều khó khăn, mức sống còn thấp. Đối với DN, vào tháng 1-2024 đã tăng lương cho toàn thể lao động trong công ty với số tiền từ 100-450 ngàn đồng/người. Ngoài ra, DN thực hiện đầy đủ các chính sách để NLĐ yên tâm làm viêc, gắn bó với DN.
Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, mức LTTV điều chỉnh từ ngày 1-7 sẽ tăng từ 200-280 ngàn đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức LTTV hiện hành. Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của NLĐ và DN; vừa chú ý cải thiện đời sống NLĐ, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Theo các cán bộ Công đoàn cơ sở, từ khảo sát việc làm, thu nhập của NLĐ trong khu công nghiệp cho thấy, hiện một gia đình công nhân chi tiêu hơn 10 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng. Điều này chứng tỏ thu nhập của NLĐ chưa đảm bảo, trong khi việc làm giảm, không được tăng ca đã tạo áp lực cuộc sống với NLĐ. Từ khó khăn của NLĐ, việc tăng LTTV từ ngày 1-7 tới là cần thiết nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống và chia sẻ với NLĐ. Tuy nhiên, Nhà nước cần kiềm chế được lạm phát và bình ổn giá cả thì việc tăng lương mới trở nên thiết thực với NLĐ.