Nỗi lo mất an toàn thực phẩm tại căng tin trường học ở Hậu Giang

Căng tin trường học là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn sự tấn công của hàng rong trước cổng trường. Tuy nhiên, để quản lý căng tin cho tốt lại không phải là chuyện đơn giản. Hầu hết các căng tin đều có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), song chất lượng gần như bị thả lỏng.

Theo quyết định của Bộ Y tế, căng tin phải có những tiêu chuẩn cụ thể như: Có nguồn gốc an toàn, đầy đủ nhãn mác theo quy định; phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu VSATTP đối với cơ sở, trang thiết bị dụng cụ... Quy định là thế nhưng nhiều nơi vẫn phớt lờ, nhất là ở các căng tin trong trường học.

Có mặt tại một số trường học ở Hậu Giang, chúng tôi chứng kiến những mặt hàng thực phẩm như bánh tráng trộn, mực khô, nui chiên và một số loại bánh kẹo khác với đa dạng mẫu mã và màu sắc được bày bán rất nhiều. Riêng mặt hàng bánh tráng trộn với đủ loại hương vị được chia thành từng túi nilon nhỏ để bán cho học sinh.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang kiểm tra tại Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang kiểm tra tại Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều không có tem, hạn sử dụng và nơi sản xuất cụ thể. Ngoài ra, còn có các loại “trà sữa nhà làm”, mì cay... cũng được học sinh ưa chuộng. Bà Nguyễn Thu Hằng, chủ căng tin Trường THCS Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ cho biết: “Trong các mặt hàng thì bánh tráng trộn, trà sữa và mì cay là bán được nhất. Một ngày có thể bán hết hàng trăm ly trà sữa và bánh tráng trộn”.

Cũng theo lời bà Hằng, do phong trào ăn mì cay và uống trà sữa nổi lên gần đây, để đáp ứng nhu cầu của học sinh, bà đã bỏ thời gian lên mạng để tìm hiểu cách thức chế biến mì cay và pha chế trà sữa. Khi được hỏi về nguồn gốc nguyên liệu chế biến, bà Hằng cho biết, do không có thời gian nên phần lớn nguyên liệu đều được mua tại các cửa hàng ngoài chợ có đóng gói cẩn thận.

Tuy nhiên, an toàn hay không vẫn không thể khẳng định, bởi với bột sữa, cửa hàng chiết ra bịch nhỏ để bán nên cũng khó truy nguồn gốc sản phẩm và nguyên liệu cũng rất đa dạng và tùy theo giá cả. “Việc chế biến trà sữa an toàn, bổ dưỡng cho sức khỏe hay không còn phụ thuộc vào kiến thức và “tâm” của người chế biến”, bà Hằng nói.

Tương tự, cùng đi với đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang để kiểm tra các căng tin, bếp ăn tập thể tại trường học, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn một số địa phương. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều tồn tại, có nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là các em học sinh.

Điển hình như Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, huyện Vị Thủy, có 3 hộ bán tại căng tin, nhưng khu sơ chế thực phẩm đều không đạt theo yêu cầu VSATTP. Có căng tin gần nơi ô nhiễm như nhà vệ sinh. Bán nguyên liệu thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc; quy trình pha chế trà sữa tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, không biết pha lúc nào, sử dụng được bao lâu, trong khi thời tiết hiện nay nắng nóng rất dễ phát sinh vi sinh; bảo quản thực phẩm sống chín lẫn lộn...

Thực tế tại các trường là vậy nhưng khi trao đổi với các cơ quan quản lý thì phần lớn câu trả lời đều cho rằng, việc kiểm tra và xử lý là rất khó. Theo ông Cao Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, Ban giám hiệu nhà trường chỉ cho phép bán những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cũng thường xuyên kiểm tra hoạt động của căng tin.

“Quy định là thế nhưng cũng rất khó cho Ban giám hiệu nhà trường vì không có chuyên môn trong vấn đề này. Bên cạnh đó, do chưa có quy định về xử phạt cụ thể nên trong quá trình kiểm tra, dù phát hiện sai phạm, trường chỉ nhắc nhở và yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc”, ông Tùng nói.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Phan Thị Diễm Thúy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang, Trưởng Đoàn kiểm tra cho biết: “Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở chế biến, căng tin trường học đều có sai phạm. Một phần nguyên nhân của những tồn tại là người tham gia trực tiếp bán tại các căng tin đều chưa có kiến thức cũng như quy định về VSATTP để thực hành đúng.

Vì thế, cùng với kiểm tra, nhắc nhở, đoàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người kinh doanh. Những ngày tới, đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra tại những cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố còn lại và sẽ tập trung kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học bên cạnh kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khác”.

Thời gian qua, các ngành chức năng vẫn có những biện pháp tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm bằng cách treo hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu và kiểm tra, nhưng thực tế công tác này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ.

Vì thế, để ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm và bảo đảm sức khỏe cho học sinh, thiết nghĩ, ngành chức năng, lãnh đạo các trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác kiểm tra và tuyên truyền.

Bài và ảnh: DIỄM NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/noi-lo-mat-an-toan-thuc-pham-tai-cang-tin-truong-hoc-o-hau-giang-693371