Nỗi lo mới của Trung Quốc khi dân số già đi
Giới chức Trung Quốc đã khởi động chiến dịch can thiệp sớm đối với những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, South China Morning Post đưa tin ngày 17/6.
Trong một thông báo được đưa ra tuần qua, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết chiến dịch hướng đến ba mục tiêu: Tăng nhận thức xã hội về bệnh sa sút trí tuệ, nhận diện bệnh nhân tốt hơn và đào tạo những người chăm sóc.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, các địa phương “có đủ nguồn lực” cần kiểm tra lâm sàng hàng năm cho những người từ 65 tuổi trở lên. Đối với những người có dấu hiệu ban đầu của bệnh, cơ quan y tế cần can thiệp và tư vấn sớm.
Giới chức y tế địa phương cũng được chỉ thị đào tạo nhân viên cho các “phòng khám trí nhớ”. Đây là các cơ sở được Trung Quốc thiết lập trong những năm gần đây để hỗ trợ các bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng khuyến cáo các địa phương thiết lập mạng lưới hỗ trợ ở cơ sở, bao gồm đảng viên, nhân viên y tế và tình nguyện viên.
Chiến dịch là một phần của sáng kiến “Trung Quốc khỏe mạnh”. Được khởi động từ năm 2019, sáng kiến này đặt mục tiêu giảm bệnh mãn tính trong dân chúng, qua đó giảm gánh nặng với hệ thống y tế.
Khoảng hơn 15 triệu người trên 60 tuổi tại Trung Quốc bị sa sút trí tuệ, bao gồm 9,83 triệu người mắc bệnh Alzheimer. Trung Quốc là nước có nhiều người bị sa sút trí tuệ nhất thế giới.
Tỷ lệ người mắc căn bệnh này tại Trung Quốc là 788,3 ca bệnh/100.000 dân, cao hơn trung bình thế giới (682,5 ca bệnh/100.000 dân). Sa sút trí tuệ được coi là một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới.