Nỗi lo pháo tự chế, pháo nổ trong dịp tết

Cứ mỗi độ giáp tết, tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo lại nóng lên. Trong những năm gần đây, không chỉ có các loại pháo được rao bán công khai trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, pháo còn được tự chế theo hướng dẫn trên mạng internet.

Gần đây xảy ra hai sự việc đau lòng, là lời cảnh tỉnh cho mọi người. Đó là ngày 20/12/2021, tại thôn Tân Hoa, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cháu trai P.C.M (13 tuổi) đã sử dụng một số hóa chất trộn với nhau cuốn thành các khối hình trụ (pháo nổ), không may quả pháo phát nổ khiến cháu M bị thương nặng ở chân, mặt và đứt hai cánh tay dẫn đến tử vong, hai cháu nhỏ đang chơi gần đó cũng bị thương. Một trường hợp khác, ngày 28/12/2021, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật giữ lại thành công bàn tay trái cho cháu trai bị thương nặng do nổ pháo tự chế. Đó là cháu N.T.T (14 tuổi) ở thôn Trạm Thảm, huyện Phù Ninh nhập viện trong tình trạng khó thở, bàn tay trái dập nát. Mẹ cháu cho biết, do không biết sự nguy hiểm của pháo, còn cha mẹ đi làm không để ý, nên cháu đã tự ý mua bột hóa chất tự chế tạo pháo, rồi bất ngờ pháo phát nổ nên bị thương nặng.

Hiện nay, những clip hướng dẫn tự chế pháo tràn lan trên Youtube. Các clip này phần lớn không gắn nhãn giới hạn độ tuổi, thường thu hút đông đảo lượt xem, chia sẻ… với các nội dung hướng dẫn rất tỉ mỉ như các công thức làm thuốc nổ, cách làm pháo bông, chế lựu đạn ném, cách làm pháo tép. Chủ các kênh Youtube này không cảnh báo người xem mà còn nhấn mạnh cách làm của mình an toàn, không gây nguy hiểm. Hệ quả là nhiều trường hợp học tự chế pháo dẫn đến tai nạn đáng tiếc, nhẹ thì bị bỏng, nặng thì dập nát bàn tay, tử vong như hai trường hợp nêu trên. Phần lớn nạn nhân đều là thanh niên, học sinh do tò mò, thích thể hiện với bạn bè, chưa nhận thức được mối nguy hiểm, tác hại đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, quy định một số điểm phù hợp tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan, người dân sử dụng pháo. Chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa, còn việc chế tạo, mua bán, sử dụng các loại pháo trôi nổi trên thị trường, trên các sàn giao dịch điện tử hay pháo tự chế đều trái quy định pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt trong lĩnh vực an toàn xã hội, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; người tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử phạt hành chính với mức 5-10 triệu đồng về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm. Ngoài ra, người tự chế tạo pháo nổ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mức phạt tối đa 15 năm tù. Còn người đốt pháo nổ trái phép bị xử lý hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng, với mức phạt tối đa 50 triệu đồng, phạt tù lên đến 7 năm.

Để vui xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần an toàn, lành mạnh, các tổ chức và cá nhân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan đến pháo nổ, pháo tự chế, tránh hậu quả đau lòng vì sử dụng pháo trái phép.

BẢO AN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/270188/noi-lo-phao-tu-che-phao-no-trong-dip-tet.html