Nỗi lo sạt lở mùa mưa bão
Vào mùa mưa bão, người dân các huyện vùng cao sinh sống ở khu vực nguy cơ sạt lở luôn canh cánh nỗi lo sạt lở đất, trong khi việc di dời, bố trí khu tái định cư (TĐC) cho các hộ ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai gặp vô vàn khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Quan Hóa là huyện miền núi phía Tây của tỉnh, với đặc thù địa hình phân cách mạnh, núi cao, sườn dốc lớn, có 2 con sông lớn là sông Mã và sông Luồng, cùng nhiều khe suối nhỏ chảy qua. Mặc dù diện tích đất rộng, nhưng quỹ đất bằng để làm nhà kiên cố lại ít, người dân bắt buộc phải làm nhà tại những điểm không thực sự bằng phẳng hoặc phải san gạt khối lượng đất đá lớn mới tạo được mặt bằng. Vì vậy, khi có mưa to kéo dài trên thượng nguồn sông Mã, sông Luồng, những hộ dân sinh sống ở ven sông, suối có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở cao. Trong các ngày 19 – 26/7, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn huyện có mưa to kéo dài, nước trên sông, suối dâng cao, nguy cơ gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, gây ảnh hưởng, thiệt hại 29 hộ nhà dân, 1 nhà văn hóa bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt, làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi. Tại xã Thành Sơn, sạt lở và nứt tường một số ngôi nhà của người dân, 2 bên cánh gà của cầu suối Pu bị sạt lở, trôi hết đất đá. Có 3 hộ tại bản Bai bị sạt lở ta luy dương và lũ quét, nên phải di dời tài sản và người đến nơi an toàn...
Ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết: Xã có địa bàn rộng, một số bản phân tán nằm dọc theo hai bờ sông Mã. Toàn xã hiện có 9 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão do phần lớn sinh sống khu vực đồi núi cao, dốc, gần sông, suối. Vừa qua, vào đêm ngày 19/7 và rạng sáng ngày 20/7 do ảnh hưởng mưa lớn, tại bản Giá sạt lở ta luy dương dài 15m; bản Vui cũng sạt lở khoảng 200m3 đất, đá, làm nứt tường nhà và sập đổ hoàn toàn nhà bếp hộ ông Hà Văn Phía.
Để ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào, huyện Quan Hóa đã ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị liên quan thực hiện tốt các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Cùng với đó, tổ chức rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các thôn, bản, khu phố và mọi người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Đối với các hộ nằm trong vùng bị sạt lở bờ suối, bờ sông, sạt lở núi đất, đá cần theo dõi nếu thấy có nguy cơ cao bị sạt lở thì ngay trước khi mưa lũ xảy ra, tùy hiện trạng từng nhà mà có biện pháp phòng chống như: xây kè, tường chắn, đóng cọc chống sạt lở. Khi có mưa to kéo dài trên khu vực, phải tiến hành sơ tán đến nơi an toàn.
Mưa lũ trong tháng 7 vừa qua cũng khiến 4 hộ dân ở xã Mường Chanh và xã Quang Chiểu (Mường Lát) bị sạt nền nhà, đất ở ta luy dương sạt lở tràn vào gầm nhà sàn. Khu vực đường lên nhà văn hóa bản Pù Quăn, xã Pù Nhi bị sạt 1 điểm. Một số tuyến đường ở các bản Cá Nọi, Hua Pù, xã Pù Nhi cũng bị sạt lở. Tuyến đường Na Tao - Mường Chanh sạt lở 1 điểm tại bản Pù Quăn (xã Pù Nhi)... Qua rà soát, toàn huyện có 781 hộ với 4.072 nhân khẩu có nguy cơ nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai tập trung ở Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn... Hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đã lên các phương án “Sơ tán dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai”. Chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá, xác định các vị trí, khu vực xung yếu; tổ chức các lực lượng xung kích, lực lượng tuần tra cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm. Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, công tác chuẩn bị tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn cùng các phương tiện, vật tư, lực lượng phục vụ trong mùa mưa bão.
“Do trên địa bàn còn nhiều hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Thời gian tới, huyện sẽ có giải pháp hỗ trợ các hộ dân di dời, các hộ thuộc đề án sắp xếp, ổn định dân cư của tỉnh sẽ đưa vào các khu TĐC xen ghép và tập trung. Đối với các hộ dân ảnh hưởng thiên tai phải tự di dời, huyện sẽ xây dựng kế hoạch cùng UBND các xã tìm quỹ đất để các hộ di dời đến nơi ở mới an toàn. Thời điểm hiện tại, huyện Quan Hóa có 1 khu TĐC liền kề ở bản Tân Lập, xã Trung Thành đang chuẩn bị các bước thi công; 5 khu TĐC tập trung, trong đó 2 khu TĐC (bản Lở, xã Nam Động và bản Tang, xã Trung Thành) đã đưa vào sử dụng; 3 khu TĐC còn lại ở xã Thành Sơn, Trung Sơn, Trung Thành hiện đang chờ tỉnh phê duyệt điều chỉnh bổ sung vào đề án theo Quyết định 4845 để được thi công...”, bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/noi-lo-sat-lo-mua-mua-bao-32425.htm