Nỗi lo sau vụ núi lửa phun trào ở New Zealand
Nỗi lo về một vụ phun trào khác của núi lửa Whakaari ở New Zealand đang đặt các đội cứu hộ trong tình trạng nguy hiểm, lực lượng cảnh sát nước này cho biết hôm 11-12, trong bối cảnh các bác sĩ chiến đấu để cứu những người sống sót bị bỏng nặng.
Nỗi lo về một vụ phun trào khác của núi lửa Whakaari ở New Zealand đang đặt các đội cứu hộ trong tình trạng nguy hiểm, lực lượng cảnh sát nước này cho biết hôm 11-12, trong bối cảnh các bác sĩ chiến đấu để cứu những người sống sót bị bỏng nặng.
Chiến đấu cứu những nạn nhân bị bỏng nặng
Số nạn nhân thiệt mạng được xác nhận trong vụ núi lửa Whakaari (còn được gọi là White Island -Đảo Trắng) ở ngoài khơi biển New Zealand phun trào hôm 9-12, là 6 người trong khi 9 người khác bị mất tích. Những người mất tích được cho là đã thiệt mạng trong vụ việc này và thi thể của họ vẫn ở trên đảo, nhưng tình hình hiện nay vẫn quá nguy hiểm khiến lực lượng cứu hộ không thể đến đó. “Mỗi ngày trôi qua đối với thân nhân các nạn nhân, việc không thể tiếp cận được các thi thể là một ngày đau khổ... nhưng ngay bây giờ, giới khoa học khẳng định, nguy cơ là quá cao”, Giám đốc lực lượng khẩn cấp của Bộ Quốc phòng Sarah Stuart-Black nói với AFP.
Trong khi đó, 31 người bị thương. Các quan chức y tế cho biết, 22 người bị thương vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện bỏng trên khắp đất nước vẫn trong tình trạng nguy kịch và cần được hỗ trợ đường thở. Các bác sĩ cần thêm 1,2 triệu cm2 da để ghép cho các nạn nhân và số lượng da này đang được gửi đến từ Australia và Mỹ. Trong khi đó, việc nhận dạng các nạn nhân bị thương này cũng gặp không ít khó khăn. Cảnh sát trưởng Stuart Nash cho biết, một số người bị thương nghiêm trọng đến mức các nạn nhân không thể tự nhận dạng. “Có một số người trong bệnh viện không thể giao tiếp, họ bị bỏng nghiêm trọng không chỉ ở da mà cả các cơ quan nội tạng”, ông nói với Radio New Zealand và nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đảm bảo nhận dạng chính xác và nhanh chóng”.
Trong một tuyên bố, Australia cho biết, 13 công dân của họ đã được điều trị và 11 người vẫn chưa thể nhận mặt. Thủ tướng Minster Scott Morrison cho biết đã điều 3 máy bay quân sự với các đoàn y tế chuyên nghiệp đến New Zealand để đưa những người sống sót về nước. 2 công dân Anh cũng đã được xác nhận là bị thương và Cao ủy Malaysia hôm 11-12 xác nhận một trong những người bị thương nghiêm trọng mang quốc tịch nước này sau tuyên bố về một nạn nhân thiệt mạng trước đó. Cảnh sát đã thận trọng trong việc xác định nạn nhân nhưng cuối ngày 11-12 đã công bố danh sách 9 người mất tích, bao gồm 7 công dân Australia và 2 người New Zealand.
Vào cuộc điều tra
Đã có nhiều câu hỏi đặt ra sau vụ việc này. Vì sao đã không có bất kỳ cảnh báo nào khiến nhiều người thiệt mạng? Mức độ đe dọa của núi lửa đã tăng lên trong những ngày trước khi nó phun trào, vậy các nhóm du lịch có được phép đến đó hay không?
Trong động thái mới nhất, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra nhằm làm rõ hoàn cảnh dẫn tới những trường hợp thương vong. Giới chức New Zealand cho biết, trước đó Tổ chức theo dõi địa chất GeoNet đã cảnh báo sự gia tăng hoạt động thất thường của núi lửa White Island từ giữa tháng 11. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tham gia dự án GeoNet cho biết, Whakaari là một trong vài núi lửa ở New Zealand có thể hoạt động bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, các Cty du lịch vẫn đưa du khách đến đây. Hòn đảo trên là địa điểm du lịch nổi tiếng của New Zealand, và 47 người đang có mặt tham quan hồ nước ở vị trí miệng núi lửa khi các đợt phun trào chớp nhoáng bất ngờ xảy ra hôm 9-12.
Nói về nguyên nhân đợt phun trào bất ngờ hôm 9-12 của Whakaari, các nhà nghiên cứu cho biết, trong tích tắc, nước dạng lỏng chuyển thành hơi nước với tốc độ còn nhanh hơn vận tốc âm thanh, và có thể bùng nổ gấp 1.700 lần so với dung tích ban đầu, tạo nên tác động thảm khốc. Sự bùng nổ năng lượng của Whakaari mạnh đến nổi có thể nghiền nát đá, phun trào các mảnh vụn và tro bụi ở khoảng cách cực xa so với vị trí ban đầu.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_217419_noi-lo-sau-vu-nui-lua-phun-trao-o-new-zealand.aspx