Nỗi lo sợ của phụ nữ Afghanistan

Trong một bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết, nhiều phụ nữ Afghanistan lo ngại những thành quả mà họ đạt được trong hai thập niên qua có nguy cơ đổ sông đổ bể bởi việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân hoàn toàn trong vài tháng tới được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Taliban không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia Tây Nam Á.

Trong suốt giai đoạn cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, lực lượng Taliban đã cấm phụ nữ học hành hay có việc làm, gần như khiến họ trở thành tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. Khi Mỹ đưa quân sang Afghanistan nhằm lật đổ Taliban và đánh bại mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, đối với nhiều người, lời kêu gọi của phương Tây về việc bảo đảm các quyền của phụ nữ tại quốc gia Tây Nam Á dường như là một sứ mệnh cao cả. Một số trường học bắt đầu mở cửa trở lại, giúp các phụ nữ trẻ tuổi và bé gái Afghanistan được học hành, làm những công việc mà nhiều người trước họ không có cơ hội. Trên thực tế, ngay cả trước khi có sự hiện diện quân sự của Mỹ, một số phụ nữ Afghanistan thậm chí cũng đã từng liều mạng bằng cách bí mật tự học.

Các nữ sinh trên đường đi học về ở tỉnh Bamiyan, miền Trung Afghanistan. Ảnh: The New York Times

Các nữ sinh trên đường đi học về ở tỉnh Bamiyan, miền Trung Afghanistan. Ảnh: The New York Times

Theo The New York Times, trong hơn hai thập niên qua, Mỹ đã chi hơn 780 triệu USD để thúc đẩy các quyền của phụ nữ tại Afghanistan. Hiện số bé gái và phụ nữ chiếm khoảng 40% học sinh, sinh viên tại Afghanistan. Nhiều “bóng hồng” còn gia nhập lực lượng quân đội và cảnh sát, trở thành những chính trị gia, tham gia tranh tài ở các kỳ Thế vận hội... những điều tưởng như là bất khả thi trong nửa cuối thập niên 1990. “Khi cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài 20 năm và những trở ngại trên chiến trường ngày càng nhiều, giới chức Mỹ thường lấy những thành quả đối với phụ nữ và bé gái Afghanistan làm bằng chứng cho thành công của nỗ lực xây dựng đất nước-một thước đo về những tiến bộ đạt được nhằm biện hộ cho những tổn thất sinh mạng của cả người Mỹ lẫn người Afghanistan cũng như hàng tỷ USD đã đổ vào cuộc chiến này”, The New York Times nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, The New York Times cho biết, phải thừa nhận rằng những tiến bộ đạt được đối với phụ nữ Afghanistan là không đồng đều. Sau khi Mỹ đưa quân sang Afghanistan, một số người đã được hưởng lợi từ các cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc y tế trong khi nhiều người khác lại không, nhất là ở khu vực nông thôn-nơi chiếm tới gần 3/4 dân số của quốc gia Tây Nam Á. Có tới 87% phụ nữ và bé gái Afghanistan vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia đình. Tại những khu vực do lực lượng Taliban kiểm soát, việc học hành của phụ nữ và các bé gái là vô cùng hạn chế, nếu không nói là không hề tồn tại. Các trung tâm giáo dục tại Afghanistan thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công và hơn 1.000 trường học đã phải đóng cửa trong những năm gần đây. “Bất chấp một số tiến bộ thực sự, Afghanistan vẫn là một trong những nơi thách thức nhất trên thế giới đối với phụ nữ. Các nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ phụ nữ, các bé gái và bình đẳng giới tại Afghanistan đem lại những kết quả không rõ ràng”, báo cáo mới đây của Văn phòng Tổng Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR)-một cơ quan do Quốc hội Mỹ lập nên vào năm 2008, khẳng định. Trong khi đó, The New York Times dẫn lời nhà hoạt động Shahida Husain tại tỉnh Kandahar ở miền Nam Afghanistan nêu rõ: “Tôi nhớ khi người Mỹ đến, họ nói rằng sẽ không bỏ rơi chúng tôi và Afghanistan sẽ không còn tình trạng áp bức, không còn chiến tranh, các quyền của phụ nữ sẽ được bảo vệ. Giờ đây, những lời nói đó có vẻ như chỉ là khẩu hiệu”.

Trong bối cảnh các lực lượng Mỹ và NATO chuẩn bị rút hoàn toàn khỏi Afghanistan, nhiều người cho rằng Taliban sẽ có khả năng giành thêm quyền kiểm soát nhiều khu vực tại quốc gia Tây Nam Á và tái áp đặt nhiều luật lệ hà khắc như đã từng làm trong thập niên 1990. Bất chấp nhiều tháng trời đàm phán, các cuộc hòa đàm giữa chính quyền Kabul với Taliban tại Qatar hầu như không có tiến triển và không hề bàn chi tiết đến các quyền của phụ nữ Afghanistan. Hiện các trường học trên khắp Afghanistan đang lo lắng liệu rằng trong tương lai có thể tiếp tục mở cửa hay không. Theo ông Firoz Uzbek Karimi, Hiệu trưởng Trường Ðại học Faryab ở miền Bắc Afghanistan-nơi có số sinh viên nữ chiếm tới gần 1/2 trong tổng số 6.000 sinh viên đang theo học, các nữ sinh sống tại những khu vực do Taliban kiểm soát đã nhiều lần bị đe dọa nhưng gia đình vẫn bí mật cho con em mình đi học. Nếu các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan sớm, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. “Cho dù Taliban giành lại quyền lực thông qua bạo lực hay một thỏa thuận chính trị với Chính phủ Afghanistan, ảnh hưởng của lực lượng này chắc chắn sẽ ngày càng lớn. Phóng viên The New York Times đã trò chuyện với nhiều phụ nữ Afghanistan, trong đó có các chính trị gia, nhà báo, về tương lai của đất nước và tất cả đều đưa ra cùng một câu trả lời: Bất cứ chuyện gì xảy ra tiếp theo sẽ không phải là điềm lành cho chính họ”, The New York Times nêu rõ.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/noi-lo-so-cua-phu-nu-afghanistan-657761