Nỗi lo tai nạn thương tích ở trẻ em
Mặc dù các cấp, các ngành đã vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp, song số trẻ tử vong do tai nạn thương tích (TNTT) từ đầu năm đến nay giảm không đáng kể. Trong đó, số trẻ tử vong do đuối nước vẫn dẫn đầu trong tổng số trẻ bị tử vong do TNTT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông HUỲNH NAM THẮNG, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TBXH), cho rằng việc tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế TNTT trẻ em luôn cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên.
11 trẻ tử vong do TNTT
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã có chỉ đạo như thế nào đối với công tác phòng, chống TNTT trẻ em, thưa ông?
- UBND tỉnh đã rất quan tâm đến công tác phòng, chống TNTT trẻ em. Ngay từ tháng 3, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02/CT-UBND tỉnh về việc tăng cường giải pháp phòng, chống TNTT, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ thị đã chỉ rõ trách nhiệm và những việc cần phải làm đối với từng sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như các địa phương.
Đồng thời, tháng 4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền và các đoàn thể cơ sở trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích, phòng, chống TNTT, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em…
Trong kế hoạch tổ chức hoạt động hè năm nay, Ban chỉ đạo hè tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng trang bị kỹ năng phòng tránh TNTT, đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em thông qua việc dạy bơi; hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho học sinh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương đã vào cuộc ra sao, thưa ông?
- Các cấp, các ngành đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động với hy vọng có thể giảm thiểu TNTT ở trẻ em. Cụ thể, Sở LĐ-TBXH, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT ở trẻ em dành cho cán bộ làm công tác trẻ em, những người chăm sóc trẻ và trẻ em; triển khai các mô hình đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Đặc biệt, năm 2024, Sở LĐ-TBXH phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tập huấn kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống TNTT, xâm hại trẻ em cho giáo viên, người chăm sóc trẻ thuộc các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập… Các hoạt động này giúp người dân nâng cao cảnh giác, bảo vệ con em mình hạn chế xảy ra TNTT, đuối nước.
Mặc dù thực hiện nhiều giải pháp nhưng số trẻ tử vong do TNTT giảm không đáng kể. Theo ông, nguyên nhân trẻ bị TNTT do đâu?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị TNTT. Trong đó, môi trường sống xung quanh các em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Bản thân trẻ do hiếu động, tò mò thường bị thu hút bởi những thứ mới lạ, chưa có kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Trong khi đó, một số bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ còn chủ quan, lơ là, không sát sao với trẻ nên khi sự cố xảy ra không phát hiện và xử lý kịp thời. Một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trong công tác phòng, chống TNTT trẻ em. Điều này thể hiện ở việc chưa quyết liệt trong công tác tham mưu chỉ đạo; chưa thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra TNTT trẻ em…
Bảo vệ trẻ em mọi lúc, mọi nơi
Có rất nhiều giải pháp được đưa ra để giảm thiểu TNTT ở trẻ em. Vậy theo ông, đâu là giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới?
- Trước hết, vẫn cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống TNTT trẻ em nói riêng. Hiện nay, chúng ta đã có Đề án phòng, chống TNTT, xâm hại trẻ em giai đoạn 2022-2030; Chỉ thị về tăng cường công tác phòng chống TNTT, đuối nước trẻ em… Nhiệm vụ của các ngành, địa phương chính là cụ thể hóa nội dung đề án, chỉ thị thành những việc làm thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và thực tiễn đang đặt ra tại địa phương. Định kỳ tổ chức họp Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo số liệu từ Sở LĐ-TBXH, tính đến hết tháng 6-2024, toàn tỉnh có 11 trẻ tử vong do TNTT (chủ yếu trong độ tuổi từ 5-16 tuổi). Trong đó có 7 trẻ tử vong do đuối nước, 3 trẻ tử vong do tai nạn giao thông và 1 trẻ tử vong do té giếng khô.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, trúng đối tượng. Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời có cảnh báo về những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, như: ao, hồ, sông, suối, hố sâu, công trình đang thi công nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cùng với các ngành, địa phương, gia đình có vai trò như thế nào trong việc giảm thiểu TNTT trẻ em?
- Từ những vụ việc TNTT trẻ em cho thấy, đa số trẻ em bị TNTT trong chính ngôi nhà của mình, nhiều trường hợp bị TNTT dẫn đến tử vong có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ phải đi làm ăn xa hoặc thời gian làm việc nhiều nên không có thời gian sâu sát với trẻ, nhiều trẻ phải tự chơi với nhau dẫn đến TNTT. Từ đây có thể khẳng định rằng, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu TNTT ở trẻ em.
Theo đó, để phòng ngừa TNTT trẻ em, các bậc phụ huynh cần loại bỏ những nguy cơ xảy ra TNTT trong chính ngôi nhà của mình (như: không để các sản phẩm hóa mỹ phẩm, ổ điện, dao kéo, nước nóng… trong tầm tay trẻ em). Bên cạnh đó, cần dạy trẻ về sự nguy hiểm của lửa và những kỹ năng khi nấu nướng, sử dụng thiết bị điện. Chủ động cho trẻ học bơi, chủ động cho trẻ đi bơi nhằm hạn chế việc trẻ tìm đến ao, hồ, sông, suối. Đặc biệt là luôn sâu sát với trẻ. Ngoài việc dạy trẻ kỹ năng, cần đội nón bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông, chỉ cho trẻ điều khiển phương tiện khi đủ tuổi và chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ… Đặc biệt, đối với trẻ dưới 5 tuổi, tuyệt đối không để trẻ rời khỏi tầm mắt của người lớn.