Nỗi lo tăng trưởng đẩy tỷ giá đồng Nhân dân tệ xuống đáy 7 tháng
Nhân dân tệ vẫn duy trì xu hướng giảm trong tháng 6 này, ngay cả khi Fed tạm dừng việc tăng lãi suất...
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc so với đồng USD gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng, trong bối cảnh thị trường lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế và xuất khẩu sụt giảm của nước này, bên cạnh sức ép từ việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.
Đồng Nhân dân tệ đã chịu áp lực giảm giá trong hơn 1 năm qua, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Lãi suất ở Mỹ tăng đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng theo, vượt lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc, theo đó khuyến khích giới đầu tư toàn cầu bán ra trái phiếu định giá bằng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, Nhân dân tệ vẫn duy trì xu hướng giảm trong tháng 6 này, ngay cả khi Fed tạm dừng việc tăng lãi suất sau 10 đợt tăng liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái.
Đồng nội tệ suy yếu sẽ giúp ích cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc, vì làm cho hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn đối với các đối tác thương mại lớn của nước này. Tuy nhiên, tình trạng mất giá của Nhân dân tệ cũng đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có hoạt động kinh doanh quốc tế, bao gồm cả các doanh nghiệp bất động sản có mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, với các khoản nợ nước ngoài phải được thanh toán bằng USD.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tuần này, Nhân dân tệ sụt giá 0,6% xuống còn 7,2197 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Cú sụt diễn ra khi các thị trường ở Trung Quốc mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ, với dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu của khách du lịch không đạt tới mức trước đại dịch.
Từ cuối tháng 3 đến nay, Nhân dân tệ giảm khoảng 5% so với USD. Mức giảm đó khiến đồng tiền này trên đà hoàn tất một trong những quý có mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi Trung Quốc chấm dứt việc neo buộc tỷ giá vào USD vào năm 2005. Đây cũng sẽ là mức giảm mạnh nhất trong 1 quý của Nhân dân tệ kể từ khi các đợt phong tỏa rộng rãi do đại dịch Covid-19 vào năm ngoái khiến nền kinh tế gần như ngưng trệ.
Giới phân tích cho rằng sự suy yếu kéo dài của đồng Nhân dân tệ phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về các yếu tố nền tảng của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Ông Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng tại Bank of Singapore, nhận định với tờ Financial Times: “Fed đã tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 nhưng đồng Nhân dân tệ vẫn đang suy yếu. Đó là một sự dịch chuyển rất lớn khỏi câu chuyện lãi suất”.
Ông Mohi-uddin nói rằng những lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc đã gây áp lực mất giá lên đồng Nhân dân tệ kể từ đầu quý 2, nhưng áp lực từ Fed đã được thay thế bằng những lo ngại về xuất khẩu của Trung Quốc - lĩnh vực gây bất ngờ với cú giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước. “Những lo lắng về sự phục hồi kinh tế từ môi trường bên trong và bên ngoài đang là nguyên nhân khiến Nhân dân tệ yếu đi”, vị chuyên gia nói.
Đợt giảm giá này của đồng Nhân dân tệ cũng xảy ra bất chấp những dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang có những động thái nhỏ để làm chậm tốc độ mất giá của đồng nội tệ. Đầu tuần này, PBOC đã đưa ra mức tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ cao hơn dự kiến của các nhà giao dịch.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không có dấu hiệu nào về sự tháo chạy mạnh mẽ của dòng vốn hoặc sự hoảng loạn của thị trường khiến PBoC phải can thiệp một cách mạnh mẽ vào thị trường ngoại hối.
Ông Guan Tao, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Bank of China International, một cựu quan chức của Cục Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách cho đến nay chỉ cảnh báo chống lại đầu cơ, nhưng chưa hành động để can thiệp vì nhìn chung thị trường vẫn đang vận hành trơn tru”.
Trong cuộc trao đổi với Financial Times, ông Tao nói thêm rằng mặc dù đồng tiền yếu hơn có thể giúp Trung QUốc cải thiện xuất khẩu, nhưng đó “không phải là mục tiêu cuối cùng” của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. “Điều đó không có nghĩa là đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá mãi mãi”, ông nói.