Nỗi lo thiếu giáo viên trong năm học mới
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh Long An không ngừng được đổi mới, nâng cao và ngày càng phát triển với nhiều thành tích nổi bật. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT tỉnh còn đối mặt với những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng phần nào đến hoạt động dạy và học, một trong số đó là nỗi 'trăn trở' thiếu giáo viên (GV).
Hiện còn thiếu hơn 1.200 giáo viên các cấp học
Thời gian qua, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng GV, nhân viên. Do nguồn tuyển dụng thiếu nên kết quả tuyển dụng chỉ đạt khoảng 20%.
Trong khi đó, hàng năm, ở các trường học đều có GV về hưu nên việc bổ sung đội ngũ chưa đáp ứng được nhu cầu của các trường.
Hiện toàn tỉnh thiếu 1.220 GV các cấp học và 349 nhân viên trường học; trong đó, mầm non thiếu 216 GV, tiểu học thiếu 345 GV, THCS thiếu 529 GV, THPT thiếu 130 GV.
Trường THCS&THPT Lương Hòa (huyện Bến Lức) hiện thiếu 22 GV, trong đó thiếu 16 GV THCS và 6 GV THPT. Tình trạng thiếu GV diễn ra nhiều năm học liên tiếp ở trường và ngày càng tăng số lượng.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Hòa - Phạm Văn Vơn, nguyên nhân thiếu GV là hàng năm trường có GV về hưu, vị trí trường xa trung tâm của huyện nên chưa thu hút nhiều GV về trường công tác; đồng thời, số lượng lớp học ngày càng tăng nên nhu cầu bổ sung GV cũng tăng theo từng năm học.
Tại huyện Đức Hòa, tình trạng thiếu GV trở thành “bài toán nan giải” trong nhiều năm nay.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa - Lê Ngọc Khanh cho biết: “Với cấp mầm non, tiểu học, THCS, toàn huyện thiếu hơn 200 GV, trong đó thiếu nhiều nhất là GV tiểu học. Huyện tiếp nhận GV nơi khác đến, tuyển dụng nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của các trường”.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành cần rà soát, khắc phục ngay tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu GV”, phải bảo đảm sự sắp xếp, bố trí GV một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả nhất; quan tâm hỗ trợ đặc biệt cho các học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi, vượt khó. Trong thực hiện nhiệm vụ này, các cấp, các ngành cần nắm rõ tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Tô Lâm, đó là “Nếu thiếu thầy thì không thể nói gì đến học tốt, dạy tốt được”; “Nếu để tình trạng học sinh không được đến trường sẽ sinh ra nhiều hệ lụy khác, phải tốn nhiều tiền hơn để giải quyết những việc khác của xã hội”.
Ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học
Tình trạng thiếu GV, nhất là kéo dài trong nhiều năm học liên tiếp làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học cũng như chất lượng giáo dục của đơn vị.
Trước thực trạng đó, ngoài chờ GV mới được phân bổ về, các trường còn nỗ lực thực hiện các giải pháp để khắc phục, tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Năm học 2024-2025, Trường THCS Bình Hòa (huyện Đức Huệ) thiếu 4 GV các môn: Thể dục, Ngữ văn, Giáo dục công dân và Khoa học tự nhiên với môn Vật lý.
Ngoài đề xuất huyện bổ sung GV cho trường, để đáp ứng hoạt động dạy và học ngay đầu năm học mới, trường tìm kiếm, liên hệ các trường trên địa bàn huyện để hợp đồng thỉnh giảng GV các môn thiếu.
Hiệu trưởng Trường THCS Bình Hòa - Nguyễn Thái Sơn chia sẻ: “Để chủ động chuẩn bị tốt cho năm học mới, trước tháng 8/2024, trường liên hệ tìm GV hợp đồng thỉnh giảng. Tình trạng thiếu GV ảnh hưởng không nhỏ đến trường bởi GV chỉ giảng dạy trên lớp, không tham gia các hoạt động khác trong trường, nhất là các hoạt động nghiên cứu bài học, tăng cường bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, các hoạt động phong trào,...”.
Trường Mẫu giáo Nguyễn Văn Phú (huyện Đức Hòa) cũng đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu GV, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nguyễn Văn Phú - Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Đặc thù của trường ở gần các khu công nghiệp nên nhu cầu gửi trẻ rất lớn, nhất là trẻ là con của công nhân, lao động. Năm học 2024-2025, trường dự kiến có 250 trẻ, tăng 20 trẻ so với năm học trước. Hiện trường còn thiếu 3 GV ”.
Thiếu GV kéo dài trở thành “điểm nghẽn” của ngành GD&ĐT tỉnh. Hiện các cấp, các ngành, nhất là các trường nỗ lực thực hiện các giải pháp khắc phục và tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-lo-thieu-giao-vien-trong-nam-hoc-moi-a181898.html