Nỗi lo thực phẩm ''bẩn'' ở chợ dân sinh
Chợ dân sinh vốn có lợi thế trong cung cấp thực phẩm tươi sống, giá cả phải chăng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là nhiều chợ có cơ sở hạ tầng yếu kém, tiểu thương ý thức chưa cao..., từ đó gây nên nỗi lo thực phẩm 'bẩn' cho người tiêu dùng. Để xây dựng những mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía cơ quan chức năng, trách nhiệm người kinh doanh và sự hiểu biết từ người tiêu dùng.
Thực phẩm tươi sống bày bán ở khu vực bên ngoài chợ Gia Lâm (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang
Còn thiếu ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm
Sáng 26-9, khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại chợ Tân Mỹ (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cho thấy, ngoại trừ dãy hàng thịt được kê bàn cao hẳn so với nền chợ, các mặt hàng còn lại như hải sản, rau, hoa quả… đều được các tiểu thương đặt ngay dưới nền đất. Hàng chục lồng gà, vịt, ngan, chim bồ câu các loại để trên nắp cống thoát nước. Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ gia cầm quện với mùi phân gia cầm bốc lên nồng nặc cả một góc chợ.
Tương tự, tại chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng xảy ra ở khu bán thủy sản, ngay trên lối đi cạnh cổng chợ chính. Chị Hoàng Lê Phúc (phường Mai Dịch) cho biết: "Nhiều hàng thủy sản được bố trí san sát nhau, thành dãy dài với những chậu tôn cỡ lớn đựng đầy nước và sản phẩm khiến cả đoạn đường luôn ngập ngụa nước". Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều khu chợ dân sinh khác trong khu vực nội thành như chợ tạm Cầu Mới (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), chợ tự phát dọc phố Nguyễn Thị Thập (giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy)...
Theo Trưởng ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng, hiện đơn vị chịu trách nhiệm quản lý 5 chợ truyền thống là Đồng Xa, Xanh, Nghĩa Tân, Quan Hoa và Cầu Giấy với trên 1.500 tiểu thương. Các chợ truyền thống đều được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu liên quan đến các hộ kinh doanh vãng lai do điều kiện kinh doanh chưa bảo đảm, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế; chưa quan tâm lưu trữ hồ sơ nguồn gốc xuất xứ thực phẩm…
Còn các chợ ở khu vực ngoại thành như Cao (huyện Thanh Oai), Gốt (huyện Chương Mỹ), Phùng (huyện Đan Phượng)..., ngoài tình trạng bày bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả dưới nền đất, hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến. Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho hay: Nguyên nhân của việc mất vệ sinh ở chợ Cao và các chợ trên địa bàn xã là do chợ thường họp tại đình, chùa, không bảo đảm hạ tầng kinh doanh. Ngoài ra, thực phẩm bán ở địa phương rất khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc...
Chế biến đồ ăn chín tại chợ Ba Thá (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ảnh: Nga Ngân
Đồng bộ các giải pháp
Trách nhiệm để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trước hết thuộc về ban quản lý các chợ, chính quyền địa phương sở tại. Để khắc phục, Trưởng ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng thông tin, đơn vị đã báo cáo UBND quận để thực hiện đầu tư, cải tạo lại từng phần các khu vực kinh doanh vãng lai tại các chợ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế quận Cầu Giấy Bùi Thanh Vân cho biết, quận đã thí điểm quản lý và cấp biển nhận diện 7 cơ sở kinh doanh tại chợ Đồng Xa đủ điều kiện an toàn thực phẩm; triển khai lập quầy kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân. Việc này giúp cả người bán, người mua nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ kinh doanh.
Cũng để bảo đảm trật tự đô thị và an toàn thực phẩm tại chợ tạm Cầu Mới, theo Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) Hoàng Mạnh Dũng, UBND phường sẽ sắp xếp các hộ kinh doanh ở đây vào bên cạnh chợ Ngã Tư Sở để bán hàng. Do khu vực này giáp ranh với các phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), Thịnh Quang (quận Đống Đa) nên UBND phường sẽ phối hợp cùng hợp với các phường bạn để xử lý các hộ kinh doanh vi phạm.
Còn Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã sẽ chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ trên cơ sở tính toán kỹ vị trí, diện tích, nhu cầu của nhân dân.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng thực phẩm "bẩn" tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa bị đẩy lùi. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh, rất cần các giải pháp đồng bộ như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm; nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/979659/noi-lo-thuc-pham-ban-o-cho-dan-sinh