Nỗi lo tôm giống

Con tôm được xác định là một trong những loại con nuôi chủ lực của tỉnh với tổng diện tích nuôi gần 1.300 ha, trong đó nuôi tôm sú là 400 ha và nuôi tôm thẻ chân trắng là gần 900 ha. Để đáp ứng được diện tích nuôi này, theo ước tính cần phải có hơn 1,1 tỉ con tôm giống. Tuy nhiên, một thực tế đáng quan ngại là hiện nay trên địa bàn tỉnh hoàn toàn không có đơn vị nào sản xuất tôm giống. Hầu hết tôm giống thả nuôi đều được nhập về từ các tỉnh Nam Trung Bộ bằng nhiều nguồn khác nhau, thiếu sự kiểm soát, kiểm dịch, trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến thành công của nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Thực tế trong nhiều năm qua, phần lớn các loại dịch bệnh trên tôm nuôi đều xuất phát từ con giống không đảm bảo chất lượng. Đây cũng là nỗi lo của người nuôi tôm trước khi bước vào vụ nuôi tôm năm 2020.

 Triển khai quy trình thả tôm giống tại hồ. Ảnh: LA

Triển khai quy trình thả tôm giống tại hồ. Ảnh: LA

Theo ông Hoàng Đình Anh, Giám đốc HTX Đông Giang 2, thành phố Đông Hà, vụ nuôi năm 2019 hầu như toàn bộ 25,56 ha diện tích nuôi tôm của HTX bị chết do dịch bệnh chỉ sau chưa đầy 20 ngày thả nuôi, thiệt hại gần 30 triệu con tôm giống. Nguyên nhân được xác định là do mầm bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng đã có sẵn trong tôm giống, khi các yếu tố môi trường trong ao nuôi không thuận lợi đã bùng phát làm tôm nuôi chết hàng loạt. Ông Anh cho biết, dù có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm nhưng ông cũng như các hộ nuôi khác trong HTX cũng chỉ có thể lựa chọn tôm giống bằng mắt thường tại các cơ sở sản xuất phía Nam. Sau khi chọn được tôm giống, các cơ sở sản xuất giống đều cung cấp các giấy tờ kiểm dịch, điều kiện đảm bảo an toàn nhưng thực tế tôm giống có tiềm ẩn các loại dịch bệnh hay không thì ông và các hộ nuôi khác không thể biết được. Thường thì sau khi thả giống từ 10 - 30 ngày nếu không xảy ra dịch bệnh mới có thể xác định được chất lượng tôm giống. Nếu tôm có dấu hiệu chậm lớn hoặc chết hàng loạt mà không phải do yếu tố thời tiết, môi trường thì chắc chắn do chất lượng tôm giống không đảm bảo.

“Rút kinh nghiệm vụ nuôi năm 2019, năm 2020 này HTX đã chỉ đạo xã viên làm tốt việc cải tạo ao nuôi; thống nhất lựa chọn đối tượng nuôi là tôm sú và chỉ nuôi một vụ ăn chắc. Về con giống, HTX dự kiến sẽ lựa chọn các cơ sở sản xuất giống có uy tín ở tỉnh Ninh Thuận. Sau khi chọn được con giống ưng ý bằng mắt thường sẽ lấy mẫu mang đi kiểm tra bằng máy PCR, nếu tôm giống không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm như đầu vàng, đốm trắng, hoại tử gan tụy… thì mới thả nuôi”, ông Anh cho biết thêm.

Còn tại huyện Triệu Phong, với hơn 500 ha diện tích nuôi tôm, ước tính số lượng tôm giống thả nuôi hằng năm khoảng 0,6 - 0,7 tỉ con, chi phí khoảng 80 - 100 tỉ đồng. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận, việc thiếu nguồn tôm giống tại chỗ là thiệt thòi lớn đối với người nuôi tôm. Việc mua tôm giống ở các tỉnh khác, phải trải qua quá trình vận chuyển đường xa không chỉ tăng chi phí mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tôm giống. Ngoài các hộ lựa chọn những cơ sở sản xuất giống có uy tín như CP, UP, Việt Úc…, có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch thì cũng có không ít hộ nuôi lấy tôm giống từ các nguồn trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, không được kiểm dịch đầy đủ. Thực tế qua kiểm tra các vụ nuôi gần đây thì tôm giống kém chất lượng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi.

Trung tâm Giống thủy sản hiện nay là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh có chức năng sản xuất và cung ứng tôm giống. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên hằng năm trung tâm chỉ sản xuất được khoảng 4 - 5 triệu con giống tôm sú; đối với tôm thẻ chân trắng, trung tâm làm dịch vụ cung ứng với số lượng hằng năm khoảng 20 - 30 triệu con. So với gần 1.300 ha diện tích nuôi tôm toàn tỉnh, trong đó nuôi tôm sú là 400 ha và nuôi tôm thẻ chân trắng là gần 900 ha, ước tính cần phải có hơn 100 triệu con giống tôm sú và hơn 1 tỉ con giống tôm thẻ chân trắng thì tính ra Trung tâm Giống thủy sản chỉ đáp ứng được từ 4 - 5% nhu cầu giống tôm sú và 0,02 - 0,03% nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, năm 2020 này, do nguồn nước biển tại Trại sản xuất giống thủy sản mặn, lợ Cửa Tùng thuộc trung tâm có hiện tượng bị nhiễm dầu và thực hiện biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, liên doanh liên kết phát triển nuôi tôm giữa Công ty Camimex và tỉnh Quảng Trị, trong đó có phương án liên kết là Công ty Camimex thuê lại Trại sản xuất giống thủy sản mặn, lợ Cửa Tùng để ương nuôi, sản xuất, cung ứng tôm giống ra thị trường nên Trung tâm Giống thủy sản buộc phải tạm ngừng sản xuất tôm giống.

Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Nguyễn Hữu Vinh cho biết, để đảm bảo cung ứng tôm giống cho người nuôi tôm, trung tâm đã liên kết với Công ty Đại Minh Phát tại tỉnh Bình Thuận trong việc sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng. Theo đó, phía Công ty Đại Minh Phát cung cấp hạ tầng sản xuất tôm giống, còn phía trung tâm chịu trách nhiệm sản xuất theo đúng quy trình. “Theo kế hoạch, năm 2020 này, chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất khoảng 4 triệu tôm sú giống cỡ P15 và cung ứng, dịch vụ khoảng 30 triệu con giống tôm thẻ chân trắng cỡ P12. Hiện trung tâm đã nhập tôm bố mẹ, nuôi vỗ, cắt mắt và chuẩn bị cho đẻ. Dự kiến trong khoảng một tháng nữa sẽ có tôm giống bán ra thị trường”, ông Vinh cho biết thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Huân, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có bước phát triển khá toàn diện, đặc biệt là nuôi tôm mặn, lợ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dịch bệnh ở tôm nuôi vẫn thường xuyên xảy ra và gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Chỉ tính riêng trong năm 2019 toàn tỉnh đã có 52,84 ha diện tích nuôi tôm bị chết do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng tôm giống không đảm bảo, công tác quản lý chất lượng tôm giống còn nhiều hạn chế. Với mục tiêu đưa giá trị ngành nuôi tôm đạt 1.000 tỉ đồng trong năm 2020 và tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo, theo ông Huân cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nuôi tôm không mua, không thả nuôi tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng; tuân thủ đúng khung lịch mùa vụ thả nuôi của ngành nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống về các điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; thực hiện việc công bố chất lượng, kiểm dịch, kiểm định khi mua tôm bố mẹ và trước khi xuất bán tôm giống. Kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch tôm giống đối với giống tôm nhập từ tỉnh khác về; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh nhằm giảm rủi ro cho người nuôi tôm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147596