Nỗi lo trước năm học mới

Năm học mới 2022 - 2023 cận kề, song hành với niềm háo hức, phấn khởi của học sinh là những trăn trở của phụ huynh trước bài toán cân đối tài chính cho việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, học phí và các khoản quỹ.

Các gia đình luôn cố gắng để các con có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập trong năm học mới.

Các gia đình luôn cố gắng để các con có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập trong năm học mới.

Căn nhà trọ rộng 20 m2 nằm trong con ngõ nhỏ sâu hun hút là nơi ở của 3 mẹ con chị Hàn Thị Lan, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai). Một mình chị Lan nuôi 2 con ăn học. Con lớn đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), con nhỏ học lớp 6 tại thành phố Lào Cai. Trước đây, chị Lan là giáo viên hợp đồng tại một trường mầm non, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, chị buộc nghỉ việc và nhận trông nhóm trẻ tại nhà. Chị Lan cho biết: Mỗi tháng chi phí thuê nhà, điện, nước khoảng 4 triệu đồng, cộng thêm các sinh hoạt phí khoảng 8 - 9 triệu đồng. Mặc dù chưa khai giảng, nhưng tôi đã phải mua sắm sách vở cho con út, đồng phục và đồ dùng học tập vẫn tận dụng được từ năm học trước, nếu cần sẽ mua sau. Còn con lớn chuẩn bị phải đóng học phí 6 tháng đầu năm học với số tiền 12 triệu đồng, tôi phải vay trước của người quen rồi trả dần trong năm.

Còn vợ chồng chị Nông Thị Tâm, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) là lao động tự do từ huyện Văn Bàn lên thành phố mưu sinh. Chồng chị Tâm là thợ đá ốp lát, còn chị tranh thủ bán thêm thịt lợn, rau xanh gần nhà. Thu nhập bấp bênh, lại phải thuê nhà nên nỗi lo lớn nhất của chị Tâm bây giờ là có đủ tiền chuẩn bị cho 2 con (một đứa học lớp 11, một đứa chuẩn bị vào lớp 1) vào năm học mới. “Đầu năm học nào cũng có nhiều khoản phải lo. Ngoài sách vở, đồng phục sẽ có nhiều khoản đóng góp. Với gia đình thu nhập thấp, phải ở trọ như chúng tôi, đó là khoản tiền không nhỏ. Tất nhiên, dù học phí tăng thế nào, chúng tôi vẫn cố gắng cho con đi học, chỉ mong con được miễn giảm tiền học phí, giá sách giáo khoa thấp hơn để bớt nỗi lo” - chị Tâm bộc bạch.

Không ít gia đình “đau đầu” mỗi khi bước vào năm học mới.

Không ít gia đình “đau đầu” mỗi khi bước vào năm học mới.

Mặc dù không phải thuê nhà như chị Lan, chị Tâm, nhưng vợ chồng chị Lương Thị Thập, phường Bình Minh (thành phố Lào Cai) cũng không thoát khỏi gánh nặng tiền bạc đầu năm học của con. Với tổng thu nhập gần 9 triệu đồng mỗi tháng, bên cạnh tiền học cho con, vợ chồng chị còn phải lo chi tiêu cả gia đình. Vì thế, kinh tế gia đình chị luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Cả hai đều làm phụ xây, 1 tháng gần đây, mưa lũ thường xuyên nên anh chị không có thu nhập. Để lo tiền đóng học đầu năm cho con, vợ chồng chị phải xin làm thêm công việc ship hàng.

Chị Thập cho biết, nhà trường đã có thông báo số lượng đầu sách giáo khoa cho phụ huynh học sinh biết để mua, nhưng trên thực tế, thông báo đó chỉ gồm các sách chính. Khi ra hiệu sách, hỏi mua bộ sách cho con, hầu hết được đóng sẵn cả bộ đầy đủ, gồm sách chính, sách bổ trợ và bộ thực hành các môn học… Nếu mua hết thì phải bỏ ra hơn 500.000 đồng, mà chọn một số sách chính thì lại sợ thiếu, nên chị đành tiết kiệm dành tiền mua cho con cả bộ sách đầy đủ.

“Với giá mỗi bộ sách giáo khoa cao như vậy, cộng với rất nhiều khoản chi khác đầu năm học mới là bài toán đối với hầu hết gia đình có con đang theo học các trường phổ thông, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn toàn xã hội vừa trải qua thời gian dài đối phó với dịch Covid-19” - chị Thập buồn bã nói.

Đóng góp đầu năm học đang là vấn đề không chỉ được các bậc phụ huynh mà các cấp quản lý giáo dục rất quan tâm. Kể từ năm học 2021 - 2022, Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện. Đây là cơ sở để kiểm soát các khoản thu đầu năm học được công khai, minh bạch.

Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh quy định rất cụ thể các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập. Nghị quyết này được người dân đồng tình, giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai, thực hiện các khoản thu đầu năm. Ngành giáo dục và đào tạo cũng kịp thời chấn chỉnh một số trường có khoản thu vận động tài trợ, xã hội hóa không đúng tinh thần nghị quyết.

Lào Cai là một trong số ít địa phương ban hành được nghị quyết riêng quy định chặt chẽ các khoản đóng góp thu chi đầu năm học. Điều này khắc phục được tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, tạo sự đồng thuận rất lớn của phụ huynh trong việc chung tay cùng ngành giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359793-noi-lo-truoc-nam-hoc-moi