Nỗi lo từ những cây cầu sắt hơn 50 năm tuổi

Việc đi lại trên những cây cầu sắt cũ, nhất là những cây cầu được xây dựng từ trước năm 1975 đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh. Bởi lịch sử cũng từng đã có những cây cầu sắt bị sập…

Cầu rung lắc mỗi khi lưu thông

Trên tuyến đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) hiện vẫn còn 2 cây cầu sắt cũ được xây dựng trước năm 1975 là cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi. Cầu Rạch Tôm đã xuống cấp, nhiều thanh sắt đã gỉ sét, bị xô lệch nhưng hàng ngày vẫn phải gánh chịu mật độ phương tiện lưu thông cao, trong đó có cả những xe tải lớn. Nhiều lần đi ngang cây cầu này chúng tôi đều ghi nhận cầu rung lắc và phát ra tiếng kêu lớn. Mặt cầu nhỏ hẹp nên chỉ vừa đủ một xe ôtô và một xe máy chạy song song. Khi có 2 xe ôtô lưu thông ngược chiều, một phương tiện phải nhường đường và gây ùn tắc giao thông.

Cầu Rạch Dơi nhỏ hẹp, không đáp ứng được mật độ phương tiện lưu thông hiện nay.

Cầu Rạch Dơi nhỏ hẹp, không đáp ứng được mật độ phương tiện lưu thông hiện nay.

Cạnh cầu Rạch Tôm có một trường học, mỗi khi tan học khu vực này lại kẹt xe nghiêm trọng. Chị Nguyễn Kim Thủy (ngụ xã Nhơn Đức, Nhà Bè) cho biết: "Ngày nào tôi cũng chở con đi học qua qua cây cầu sắt này và luôn thường trực nỗi lo, mặt cầu thì trơn, cầu thì rung lắc dữ dội khi có xe ôtô chạy qua khiến tôi luôn thót tim.

Cách cầu Rạch Tôm hơn 2km là cầu Rạch Dơi nối huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh với huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Cầu cũng được xây trước năm 1975, nhiều chân cầu bằng trụ sắt đã bị gỉ sét, xuống cấp, lượng xe lưu thông qua cầu liên tục. Còn phía dưới cầu nhiều ghe, tàu, sà lan chất đầy cát đá, hàng hóa cũng liên tục qua lại. Bà Trần Thị Trọng (SN 1949; ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết, khi bà còn nhỏ đã có cầu Rạch Dơi. Lúc đầu cầu được làm bằng ván, sau đó được thay thế bằng cầu sắt và sử dụng đến bây giờ. “Kẹt xe kéo dài qua khỏi nhà tôi luôn. Cầu nhỏ mà cũ, xe lại đi đông nên nhiều lúc cũng sợ sập cầu”-bà Trọng bạch.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh đưa dự án xây mới cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030. Dự án cầu Rạch Tôm được phê duyệt từ năm 2019 với tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài hơn 683m, trong đó cầu dài 171m, rộng 15m và đường dẫn dài hơn 512m, rộng 29m. Tuy nhiên dự án chưa triển khai do chưa được bố trí đủ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nay Sở GTVT đề xuất bố trí cho dự án cầu Rạch Tôm khoảng 260 tỷ đồng giai đoạn 2024 - 2025 để giải phóng mặt bằng, sau đó triển khai thi công và hoàn thành thông xe cuối năm 2026. Còn dự án cầu Rạch Dơi mới đã được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua từ năm 2016, nhưng chưa triển khai do chưa cân đối được nguồn vốn. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố giao nhiệm vụ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để triển khai các bước tiếp theo. Nếu làm theo đúng kế hoạch thì cầu cầu Rạch Dơi sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2028.

Niềm vui từ những cây cầu mới

Đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) là tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối TP Hồ Chí Minh đi tỉnh Long An. Trên tuyến đường này có 4 cầu sắt cũ được xây dựng từ trước năm 1975 gồm 2 cây cầu nói trên và 2 cầu còn lại là Long Kiểng và Rạch Đỉa. Trong số đó, cầu Long Kiểng từng bị sập do xuống cấp.

Cách đây một năm, cầu Long Kiểng mới đã được thông xe sau hơn 22 năm kể từ khi lập dự án, mang theo đó là sự vui mừng của người dân tại khu vực này. Dự án cầu Long Kiểng được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2001. Sau thời gian dài vướng mắc giải phóng mặt bằng, hơn 10 năm sau vào tháng 8/2018, cầu Long Kiểng được khởi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019, tuy nhiên mãi đến tháng 9/2023 mới hoàn thành.

Cầu Long Kiểng nối 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, dài gần 318m, rộng 15m với đường dẫn hai đầu 661m. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 589 tỷ đồng. Từ khi thông xe, cầu Long Kiểng giúp người dân đi lại thuận tiện hơn và thay đổi bộ mặt đô thị nên người dân ai cũng phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Tâm (xã Nhơn Đức) cho biết, người dân hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức ai cũng vui mừng. “Từ khi có được cây cầu mới người dân lưu thông dễ dàng hơn, học sinh đi học cũng không phải chịu cảnh kẹt xe như trước”, ông Tâm bộc bạch.

Cầu Rạch Đỉa nối quận 7 và huyện Nhà Bè cũng đang được thay mới. Cầu Rạch Đỉa được khởi công vào tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2024. Hoàn thành, cầu Rạch Đỉa sẽ giúp tăng năng lực lưu thông góp phần kết nối với tỉnh Long An, khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông phía Nam TP Hồ Chí Minh. “Người dân chúng tôi cũng ao ước ngày gần nhất hai cây cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi sớm được quan tâm xây mới chứ không phải kéo dài thêm nữa”- bà Nguyễn Thị Năm (ngụ huyện Nhà Bè) bộc bạch.

P.Tuyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/noi-lo-tu-nhung-cay-cau-sat-hon-50-nam-tuoi-i746494/