Nỗi lo từ sự cố sập mạng máy tính toàn cầu

Các chuyên gia cảnh báo sự cố tương tự sẽ còn tái diễn cho đến khi có nhiều phương án dự phòng hữu hiệu hơn được tích hợp vào các mạng lưới và doanh nghiệp có hệ thống sao lưu tốt hơn.

Nhiều chuyến bay, chuyến tàu hỏa bị hoãn/hủy, nhiều siêu thị tạm đóng cửa do hệ thống thanh toán… - thế giới đã trải qua một loạt gián đoạn hôm 19-7 sau khi một lỗi trong bản cập nhật phần mềm Falcon Sensor của Công ty An ninh mạng CrowdStrike (Mỹ) khiến nhiều hệ thống máy tính toàn cầu gặp sự cố.

Tính đến ngày 20-7, các dịch vụ từ hàng không đến chăm sóc sức khỏe, vận chuyển, tài chính… tại Mỹ đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo sẽ mất nhiều ngày mọi thứ mới trở lại bình thường và trong thời gian đó, các máy tính phải được sửa lỗi thủ công.

Theo tờ The Straits Times, sự cố này được báo cáo đầu tiên tại Úc sau khi các bản cập nhật phần mềm được tung ra, khiến người dùng của hàng triệu máy tính gặp lỗi màn hình xanh.

Ông George Kurtz, Tổng Giám đốc điều hành CrowdStrike, cho biết lỗi nói trên ảnh hưởng đến người sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft.

Hành khách mắc kẹt tại sân bay quốc tế Milwaukee General Mitchell ở TP Milwaukee, bang Wincosin - Mỹ hôm 19-7 do các chuyến bay bị hủy bỏ Ảnh: REUTERS

Hành khách mắc kẹt tại sân bay quốc tế Milwaukee General Mitchell ở TP Milwaukee, bang Wincosin - Mỹ hôm 19-7 do các chuyến bay bị hủy bỏ Ảnh: REUTERS

Sự cố trên một lần nữa nêu bật sự dễ bị tổn thương của các công nghệ kết nối với nhau trên thế giới. Doanh nghiệp cũng đối mặt câu hỏi làm sao tránh được vụ việc tương tự trong tương lai bởi chính công nghệ được thiết kế để bảo vệ hệ thống của họ.

Theo Reuters, sự cố xảy ra trong bối cảnh nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới phụ thuộc vào sản phẩm của Microsoft và CrowdStrike. Riêng CrowdStrike là một trong những tên tuổi lớn trong thị trường an ninh mạng đầy cạnh tranh - công ty này trị giá tới 83 tỉ USD và có hơn 20.000 người đăng ký khắp thế giới, bao gồm các "đại gia" Amazon, Microsoft.

Một số nhà phân tích thắc mắc về việc có nên để quyền kiểm soát loại phần mềm quan trọng như thế trong tay một số ít công ty hay không. Một nỗi lo khác là nhiều công ty chưa chuẩn bị tốt kế hoạch dự phòng khi hệ thống công nghệ thông tin hoặc một phần mềm bên trong nó gặp lỗi.

Các chuyên gia cảnh báo sự cố tương tự sẽ còn tái diễn cho đến khi có nhiều phương án dự phòng hữu hiệu hơn được tích hợp vào các mạng lưới và doanh nghiệp có hệ thống sao lưu tốt hơn.

Ông Ciaran Martin, cựu Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh, cho rằng các công ty cần xem lại hệ thống công nghệ thông tin của mình cũng như bảo đảm có đủ biện pháp an toàn và dự phòng trong các hệ thống đó để chúng có thể tiếp tục hoạt động một khi xảy ra sự cố.

Ông nhắc lại một vụ việc liên quan đến phần mềm tống tiền, xảy ra với hệ thống y tế London cách đây vài tuần, làm một số ca phẫu thuật bị gián đoạn và đây là điều rất nguy hiểm.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-lo-tu-su-co-sap-mang-may-tinh-toan-cau-196240720204152972.htm