Nỗi lo từ việc phát triển nóng cây bơ

TIN LIÊN QUAN

Nỗi lo từ việc phát triển nóng cây bơ (bài 1)

Kiểm soát chặt chẽ việc phát triển diện tích, cùng với đẩy mạnh các hoạt động chế biến được xem là lời giải cho việc phát triển bền vững cây bơ hiện nay

Kiểm soát chặt chẽ việc phát triển diện tích, cùng với đẩy mạnh các hoạt động chế biến được xem là lời giải cho việc phát triển bền vững cây bơ hiện nay

Để cây ăn quả, đặc biệt là cây bơ phát triển bền vững trong tương lai, thì bên cạnh việc đầu tư bài bản về quy trình chăm sóc, quan trọng hơn hết đó là phát triển vùng nguyên liệu trái cây phải gắn chặt với bài toán quy hoạch và đi kèm phát triển chế biến.

Bài toán quy hoạch

Đất đai là thứ bất biến, giá trị sản xuất trên đất mới là thứ có thể gia tăng. Chính vì vậy, việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cho các loại cây không còn cho hiệu quả kinh tế sang các loại cây ăn trái, cho thu nhập cao như hiện nay là một lẽ tất yếu.

Đề cập về vấn đề này, ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trước đây, khi nói đến cây bơ, hầu như chỉ có Tây Nguyên là vùng đất thích hợp để trồng loại cây này. Tuy nhiên, hiện nay, từ khu vực Tây Bắc như Sơn La, cho đến các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, vùng Đông Nam Bộ đến một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đều đã trồng được cây bơ.

Chưa nói đến chất lượng, nhưng việc cây bơ được trồng khắp mọi miền đất nước đã nói lên diện tích, sản lượng bơ hiện nay đã và đang không ngừng tăng lên. Điều này khiến quy hoạch tổng thể các loại cây trồng nhiều nơi đang bị phá vỡ.

Hiện Lâm Đồng đang là một trong những địa phương có diện tích trồng bơ lớn nhất cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê Lâm Đồng, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh ước tính có 4.855,3 ha bơ, trong đó diện tích trồng mới 1.188,9 ha, diện tích cho thu hoạch ước đạt 2.175,7 ha với năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng đạt gần 30.000 tấn bơ/năm.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất hiện vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Người dân trồng tự phát và dựa theo kinh nghiệm mà không theo bất kỳ quy trình nào nên sản phẩm làm ra chưa đạt năng suất, chất lượng, giá bán thì bấp bênh. Người trồng chỉ bán cho thương lái mà không thể tiếp cận được doanh nghiệp hay siêu thị. Do đó, việc phát triển và quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị...

Ông Chiến cho rằng: Để tránh tình trạng được mùa mất giá cần phải có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Muốn làm được điều này phải có diện tích lớn, quy hoạch bài bản. Khi đó doanh nghiệp sẽ có vùng nguyên liệu và người dân an tâm sản xuất.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có Đề án tổng thể về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, các ngành có quy hoạch về vùng cây ăn trái, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hay thủy lợi...

Thế nhưng, hiện rất ít cơ quan, đơn vị thực hiện có động thái cam kết với nông dân thu mua sản phẩm trong vùng quy hoạch. Do vậy, các hộ trong hay ngoài vùng quy hoạch đều tự làm, tự tiêu thụ nông sản. Trước mắt, ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nông sản sạch, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để giảm chi phí đầu tư; không chạy theo sản lượng mà chú trọng về chất lượng. Đối với doanh nghiệp thì tăng cường công tác tuyền truyền, tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển cây bơ bền vững nằm trong vùng quy hoạch. Các địa phương đang thống kê lại toàn bộ diện tích cây bơ thực tế tại các huyện để có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp, sớm kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu trái cây - ông Chiến cho hay.

Nỗ lực kêu gọi đầu tư - phát triển chế biến

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 19.498 ha cây ăn quả các loại với sản lượng bình quân 178 ngàn tấn/năm. Có nhiều chủng loại cây ăn quả được trồng với diện tích lớn, đem lại thu nhập cao cho người nông dân, điển hình như mắc ca, sầu riêng, bơ, chanh dây, dâu tây... Dự báo, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian đến.

Tuy nhiên, đa số các chủng loại trái cây hiện nay chủ yếu được bán tươi, tỷ lệ qua chế biến còn thấp. Toàn tỉnh có 88 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng 11.133,5 tấn thành phẩm. Các sản phẩm qua chế biến còn hạn chế về chủng loại sản phẩm cũng như hình thức chế biến, chủ yếu là sấy và cấp đông.

Riêng đối với sản phẩm trái bơ, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp nào phát triển chế biến sâu.

Trong khi đó, hướng đi trồng bơ phục vụ cho xuất khẩu đã được nhiều người dân, doanh nghiệp nhắm đến. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, ngành Công thương cũng chưa ghi nhận lô hàng trái bơ nào của tỉnh Lâm Đồng xuất ngoại sang các nước.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết: Mỗi năm, nông dân trong tỉnh sản xuất hàng trăm ngàn tấn trái cây các loại, nhưng ngoài sầu riêng thì vẫn chưa có mặt hàng nào khẳng định được thế mạnh để xuất khẩu.

Đối với cây bơ, nguyên nhân là do người dân trồng trên diện tích không tập trung, số còn lại chủ yếu là vườn tạp, quy mô không lớn và chưa gắn kết với doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu...

Để cứu người trồng bơ thì việc phát triển chuỗi liên kết giá trị và phát triển chế biến được trông chờ là lời giải trong bối cảnh diện tích, sản lượng không ngừng tăng như hiện nay.

Theo bà Tú, hiện các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, tăng cường sản xuất, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến với Lâm Đồng như Công ty CP Lavifood đặt vấn đề xây dựng nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản với quy mô dự án 1.000 tỷ đồng, xây dựng nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản trên diện tích 15 ha.

Với các hạng mục lớn như kho mát, kho lạnh, Công ty đề xuất xây dựng trên diện tích khoảng 20 ha. Đặc biệt, phía Công ty đã đề xuất giải pháp và chính sách trung tâm hỗ trợ nông dân như đào tạo tư vấn, vườn thực nghiệm, nhà sơ chế nông sản và siêu thị nông nghiệp với mô hình trung tâm cây giống đầu dòng, vườn khảo nghiệm rộng khoảng 20 ha. Trong đó, Công ty dự kiến phát triển vùng rau quả là 15 ha và vùng trái cây khoảng 200 ha;...

Ngoài ra, Chi cục cũng đang phối hợp với các trường đại học, các cơ sở, doanh nghiệp... nhằm nghiên cứu phát triển chế biến cây bơ với các sản phẩm như tinh dầu, sấy khô...

Bên cạnh đó, việc tìm cách phát triển cây bơ theo các chuỗi giá trị là vô cùng cần thiết. Toàn tỉnh hiện đang có 150 chuỗi liên kết đang được triển khai với sự tham gia liên kết của 182 doanh nghiệp, HTX và 16.015 hộ dân, với tổng diện tích khoảng 24.000 ha; sản lượng đạt hơn 500.000 tấn nông sản. Trong đó, một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ trái cây đang hoạt động rất hiệu quả.

HOÀNG SA - HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202011/noi-lo-tu-viec-phat-trien-nong-cay-bo-3028774/