Nỗi lo virus 'zombie' hồi sinh
Sự quay trở lại của những loại virus cổ đại đang gây tranh cãi giữa cộng đồng khoa học về việc liệu chúng có gây nguy hiểm cho loài người hay không.
Một nhóm các nhà nghiên cứu châu Âu cho biết lớp băng vĩnh cửu đang tan do biến đổi khí hậu có thể giải phóng một lượng lớn virus cổ đại. Nhóm đã tìm thấy 13 mầm bệnh chưa từng được biết đến trước đây trong lớp băng vĩnh cửu tại Siberia, Nga, theo Washington Post.
Các nhà khoa học đã tìm thấy một loại virus ước tính đã bị mắc kẹt dưới một hồ nước tại Siberia hơn 48.500 năm trước. Virus được đặt tên là Pandoravirus yedoma, theo tên "chiếc hộp Pandora" trong thần thoại Hy Lạp. Khám phá này đã làm nổi bật một mối nguy hiểm tiềm tàng khác khi Trái Đất nóng lên.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Pháp, Nga và Đức trước đây đã phân lập được các loại virus cổ đại khỏi lớp băng vĩnh cửu và công bố phát hiện vào năm 2015.
Theo một nghiên cứu chưa được bình duyệt đăng tải trên BioRxiv, lượng virus cổ đại được các nhà khoa học khám phá chứng minh rằng các mầm bệnh tại những vùng lãnh nguyên phổ biến hơn nhiều so với ước tính.
Tranh cãi về virus zombie
“Mỗi khi tìm kiếm virus trong lớp băng vĩnh cửu, chúng tôi đều thấy một loại virus nào đó”, Jean-Michel Claverie, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư về virus học tại Đại học Aix-Marseille ở Pháp, cho biết.
Những loại virus được nghiên cứu chỉ lây nhiễm vào amip. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng các loại virus khác bị mắc kẹt trong lớp băng vĩnh cửu có nguy cơ lây lan sang người và động vật khác.
Các nhà virus học khác lại nhận định rằng khả năng đại dịch trong tương lai bắt nguồn từ thảo nguyên Siberia là rất thấp. Hầu hết loại virus cổ đại và hiện đại không nguy hiểm. Những loại virus mắc kẹt hàng nghìn năm trong lớp băng vĩnh cửu có xu hướng không nằm trong danh mục virus corona hoặc các loại virus có khả năng lây nhiễm cao.
Nghiên cứu được đăng tải trên BioRxiv vẫn chưa được bình duyệt và chưa đăng tải trên bất kỳ tạp chí uy tín nào. Các nhà virus học độc lập nhận định rằng phát hiện mới về virus cổ đại khá hợp lý và dựa vào những kỹ thuật đã được kiểm chứng.
Một số nhà khoa học cho rằng những rủi ro từ virus Bắc Cực rất đáng theo dõi. Ví dụ như virus đậu mùa có cấu trúc di truyền giúp chúng có thể tồn tại trong lớp băng. Người dân có khả năng mắc bệnh đậu mùa nếu tình cờ phát hiện ra xác nạn nhân của loại virus này. Các loại virus khác như corona ít có khả năng sống sót trong lớp băng.
“Trong tự nhiên, chúng ta có một tủ đông tự nhiên khổng lồ, đó là lớp băng vĩnh cửu Siberia. Điều đó khá đáng lo ngại, đặc biệt nếu mầm bệnh bị đóng băng bên trong động vật hoặc con người” Paulo Verardi, một nhà virus học tại đại học Connecticut, cho biết.
“Nhưng nếu thực hiện đánh giá rủi ro, tỷ lệ lây nhiễm là rất thấp. Chúng ta còn nhiều điều phải lo lắng hơn là virus cổ đại”, ông nói thêm.
Cảnh giác với virus cổ đại
Nhóm các nghiên cứu châu Âu đã lấy mẫu từ một số địa điểm ở Siberia, bắt đầu từ năm 2015. Các loại virus được tìm thấy đã ngưng hoạt động từ hàng nghìn năm trước. Nhóm nghiên cứu cho biết những virus được tìm thấy nằm trong các mẫu đất hoặc sông.
Thậm chí, một trong những loại virus amip được tìm thấy trong đường ruột của một con sói Siberia bị đóng băng từ 27.000 năm trước.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng amip làm mồi nhử virus nhằm ngăn chặn khả năng lây lan sang động vật hoặc con người. Dù vậy, nhóm cũng khẳng định rằng điều đó không có nghĩa virus đe dọa con người không tồn tại ở vùng lãnh nguyên.
Siberia đang nóng lên với tốc độ nhanh nhất trên Trái Đất, gấp khoảng bốn lần mức trung bình toàn cầu. Trong nhiều mùa hè gần đây, Siberia phải đối mặt với cháy rừng và nhiệt độ lên đến 37 độ C. Lớp băng vĩnh cửu tại đây đang tan nhanh chóng, cho phép các sinh vật bị mắc kẹt hàng nghìn năm được giải phóng ra bên ngoài.
Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng con người tình cờ gặp xác người hoặc động vật đang gia tăng, đặc biệt là ở Nga, nơi có mật độ người dân định cư dày đặc tại các khu vực Bắc Cực.
Lớp băng vĩnh cửu tan rã được cho là nguyên nhân của một số vụ bùng phát bệnh truyền nhiễm trước đây. Một đợt bùng phát bệnh than năm 2016 tại một ngôi làng hẻo lánh ở Siberia có liên quan đến xác một con tuần lộc mắc kẹt 75 năm trong băng tuyết, theo Guardian. Nhưng bệnh than không phải là virus và không có khả năng gây ra đại dịch lan rộng.
Nhiều nhà virus học bày tỏ sự lo ngại đối với virus hiện đại hơn là những nguy cơ từ lớp băng vĩnh cửu.
Các loại virus hiện đại lây nhiễm từ người sang người gây ra nhiều vấn đề hơn và dẫn đến các dịch bệnh khó kiểm soát như Ebola, dịch tả, sốt xuất huyết và thậm chí là cúm thông thường. Virus gây bệnh ở người khó có thể sống sót sau chu kỳ rã đông và đóng băng lặp đi lặp lại ở lớp băng vĩnh cửu.
Một số chuyên gia cho biết sự bùng nổ của muỗi và bọ ve liên quan đến sự nóng lên toàn cầu có nhiều khả năng lây nhiễm các mầm bệnh sang người.
“Các vi khuẩn mới xuất hiện hoặc tái xuất hiện mọi lúc. Đây là một thực tế về hành tinh và sự tồn tại của chúng ta, Việc phát hiện ra các loại virus trong băng vĩnh cửu tạo ra nhiều khác biệt”, Anthony S. Fauci, cựu giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói với Washington Post vào năm 2015 khi các nhà nghiên cứu công bố phát hiện mới.
“Sự nguy hiểm của chúng phụ thuộc vào một chuỗi sự kiện rất khó xảy ra: virus phải có khả năng lây nhiễm sang người, sau đó nó phải gây bệnh và có khả năng lây lan hiệu quả từ người sang người”, ông nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-lo-virus-zombie-hoi-sinh-post1381492.html