Nỗi lo vũ khí trôi nổi

Pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi hình thức mua bán, vận chuyển hay tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Tuy nhiên, bằng nhiều con đường, việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp, thậm chí được mua bán công khai trên mạng xã hội.

Chỉ cần gõ từ khóa “hàng tự vệ”, lập tức trên thanh công cụ tìm kiếm xuất hiện hàng chục shop, diễn đàn chào bán các loại “hàng nóng”, “hàng lạnh” nguy hiểm như súng đạn, dao kiếm các loại.

Điển hình như trên trang Facebook có tên “Shop bán hàng tự vệ”, quảng cáo đủ các loại hàng như: súng, roi điện, bình xịt hơi cay, mã tấu, kiếm Nhật... Chủ trang Facebook còn khoe các loại súng được nhập lậu từ nước ngoài với giá từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng.

Ngày 22-6, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội triệt phá đường dây nhập lậu, mua bán linh kiện súng săn, thu giữ hơn 500 nòng, khung súng, 16 ống giảm thanh, 6 ống ngắm... Đối tượng cầm đầu khai, đã lên mạng xã hội đặt các bộ phận của súng rồi lắp ráp thành khẩu nguyên chiếc. Sau đó, lập tài khoản Facebook và YouTube để đăng bài, quay video quảng cáo, bán hàng.

Rõ ràng, sự buông lỏng kiểm soát các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trong thời gian qua đã và đang liên quan đến hàng loạt vụ việc vi phạm an ninh trật tự gây hậu quả nghiêm trọng, gây bất an trong xã hội. Đặc biệt nguy hiểm là tội phạm hình sự dùng súng để cướp của, giết người, thanh toán lẫn nhau, giải quyết mâu thuẫn xã hội, chống trả người thi hành công vụ... ngày càng gia tăng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vũ khí trôi nổi trên thị trường.

Ngày 27-7, người dân không khỏi hoang mang trước sự manh động của 2 đối tượng Phùng Hữu Mạnh và Hoàng Ngọc dùng súng cướp Ngân hàng BIDV chi nhánh Ngọc Khánh, Hà Nội. Khi bị bắt, tên Ngọc khai, lên mạng xã hội đặt mua khẩu súng colt xoay tự chế bắn đạn thể thao và một hộp 50 viên đạn với giá 12 triệu đồng. Kế hoạch đặt ra là viên thứ nhất bắn công an làm nhiệm vụ, viên thứ hai bắn khách hàng.

Lời khai của đối tượng không chỉ cho thấy thủ đoạn tàn bạo, mà còn chỉ ra việc mua bán các loại súng hết sức đơn giản, chỉ cần có tiền, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một vũ khí “nóng”.

Các chuyên gia an ninh thừa nhận, hoạt động mua bán vũ khí trên mạng xã hội âm thầm và đầy thủ đoạn đối phó tinh vi. Bọn tội phạm không “xuất đầu lộ diện” mà giao dịch qua tài khoản ngân hàng và chuyển “hàng” qua chuyển phát nhanh, xe khách hoặc xe ôm công nghệ, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, triệt phá.

Thống kê của Bộ Công an đưa ra những con số đáng lo ngại khi trong 1 năm qua, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 9.397 bưu phẩm gửi trong nước, chứa 11.226 vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện, vật liệu chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Nhiều chuyên gia pháp luật cảnh báo, sở dĩ hoạt động mua bán vũ khí qua mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, ngoài lợi nhuận rất lớn, còn do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, mức án cao nhất các đối tượng sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép có thể phải đối mặt là 5 năm tù. Tương tự hành vi mua, bán, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ chỉ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trong khi đợi sửa đổi, ban hành các quy định pháp luật nghiêm khắc hơn, dư luận mong chờ các lực lượng chức năng có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn, bóc gỡ và xử lý nghiêm minh các hành vi mời chào mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Bởi đây chính là căn nguyên khiến tội phạm hay các hành vi vi phạm pháp luật có điều kiện cấu thành.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-lo-vu-khi-troi-noi-post432828.html