Nỗi lòng của những phạm nhân ăn Tết cổ truyền trong trại giam
Những ngày giáp Tết, không khí ở các trại giam náo nhiệt hơn ngày thường. Trong bữa cơm ngày Tết, họ rưng rưng khi nghĩ về gia đình, vợ, chồng và con.
Để các phạm nhân vơi đi nỗi nhớ nhà trong những ngày cận kề Tết và ổn định tâm lý cải tạo tốt, trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chuẩn bị cho họ một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa. Những ngày Tết, theo quy định các phạm nhân ở đây được cải thiện bữa ăn hơn ngày thường.
Và cứ thành thông lệ, cứ 24 hoặc 25 tháng Chạp hàng năm, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đều tổ chức bữa cơm tất niên cho các phạm nhân đang thi hành án tại trại. Và điều đặc biệt, mâm cơm ở đây đều có những món ăn truyền thống của bất kỳ gia đình người Việt Nam nào trong dịp Tết đến Xuân về.
Theo Trung tá Lê Xuân Hạnh, Đội trưởng Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, các phạm nhân ở đây đều trả giá bằng bản án nghiêm khắc mà hành vi họ gây ra. Mặc dù họ mắc sai lầm nhưng họ cũng là con người, có tình cảm, cũng nhớ gia đình người thân, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền. Để động viên và an ủi những phạm nhân, trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức để các phạm nhân được dự bữa cơm Tất niên sớm.
“Trong bữa cơm tất niên, ngoài những tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước, bữa cơm có sự đóng góp bởi thành quả lao động, cải tạo của các phạm nhân, quỹ tình nghĩa. Bữa cơm với những món ăn truyền thống của dân tộc giúp các phạm nhân vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Đó cũng là động lực giúp họ yên tâm cảo tạo tốt hơn để sớm trở về với gia đình, với cộng đồng, làm người có ích cho xã hội”, Trung tá Lê Xuân Hạnh cho biết.
Ngoài bữa cơm Tất niên, trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An còn tổ chức các hoạt động thể thao văn nghệ như: Bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, các tiết mục văn nghệ do các phạm nhân tập luyện,…Đêm giao thừa các phạm nhân được xem ti vi, nghe đài và được nghe Chủ tịch Nước chúc Tết,…
Theo Trung tá Hạnh, những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhà không có điều kiện thăm nuôi, phía đơn vị cũng có những món quà nhỏ động viên và chia sẻ.
Có lẽ trong những ngày này, các phạm nhân đều nghĩ về gia đình, về vợ con, về bố mẹ già, về những lỗi lầm, những đau buồn, những được mất mà họ đã gây ra cho chính bản thân, gia đình, cho xã hội. Anh Bùi Văn K., SN 1995, trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phải thi hành án 18 tháng về tội Đánh bạc. Đây là cái Tết đâùtiên người đàn ông này xa nhà. “Mấy năm trước vào thời điểm này, tôi đang cùng gia đình, vợ và hai con nhỏ chuẩn bị đi mua sắm Tết. Tôi rất hối hận về hành vi mình gây ra. Tết càng đến gần thì tôi càng thấm thía cái giá mình phải trả, không riêng gì tôi mà còn với gia đình và vợ con. May mắn, vào đây được cán bộ trại giam quan tâm tổ chức cho chúng tôi bữa cơm tất niên ấm cúng, đầy đủ hương vị Tết một phần nào đó vơi đi nỗi nhớ nhà.
Em Trần Quốc H., SN 2002, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng rưng rưng nước mắt trong bữa cơm tất niên. H. đang thi hành án 21 tháng về tội Cướp tài sản. Nam thanh niên này cho biết, vào đây mới biết quý trọng sự tự do, mới biết quý trọng những giây phút ở bên bố mẹ. “Việc làm của em đã khiến bố mẹ rất buồn. Tuổi đời còn trẻ em đã dính vào vòng lao lý. Em hứa sẽ cải tạo tốt để sớm về với gia đình với xã hội để làm lại cuộc đời. Những ngày này nỗi nhớ gia đình còn tăng lên gấp bội. Hy vọng bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe và có cái Tết ấm no. Em xin chân thành cảm ơn cán bộ quản giáo đã tổ chức cho anh em phạm nhân một bữa cơm tất niên đúng nghĩa”, H. nghẹn giọng nói.
Nhắc đến gia đình, nhắc đến những đứa con những phạm nhân nữ cũng rưng rưng nước mắt. Nếu biết giữ mình, giờ đây họ đã có thể ngồi ở nhà, quây quần với chồng con, với gia đình trong ngày Tết đến Xuân sang. Mỗi người một số phận, họ vào đây với những tội danh khác nhau nhưng ngày Tết, nhưng những nữ phạm nhân đều chung nhau một nỗi niềm nhớ nhà, nhớ con. Những ngày Tết thiếu đi bàn tay phụ nữ không biết gia đình họ sẽ lo Tết như thế nào?
Chị Vi Thị L., SN 2000, trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An thi hành án 9 tháng về tội Chứa mại dâm. Người phụ nữ xinh gái này đã có chồng và một đứa con gái nhỏ. L. cho biết chồng của mình cũng đang đi thi hành án trong trại giam này. Đứa con gái nhỏ gửi cho ông bà ngoại chăm sóc. “Em vào đây nhớ con lắm. Hai vợ chồng đều thi hành án, con nhỏ gửi ông bà. Nhiều đêm nỗi nhớ con đứt ruột, đứt gan, chắc con bé cũng khóc nhiều vì nhớ bố mẹ. Em cảm thấy hối hận lắm. Em tự dặn lòng sẽ cố gắng cải tạo tốt để về với con", L. đưa tay lau nước mắt.