Nỗi lòng của thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng phải trèo núi vào nhà
Ngôi nhà bị 3 bức tường bịt kín, vì vậy cách duy nhất để bà Trần Thị Hương ra vào chính là leo lên ngọn núi dựng đứng phía sau.
Tuổi già nhưng không thể về nhà
Đưa lá đơn cầu cứu cho PV từ một ngôi nhà tại TP.Vinh (Nghệ An), bà Trần Thị Hương (SN 1958, quê Hà Tĩnh) ngại ngùng phân bua: “Tôi đang làm giúp việc tại đây nên không thể mời các chú vào. Không có ai trong nhà, dẫn người lạ đến thì không được hay lắm”.
Bà Hương vốn quê tại xã Đức Hòa (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em nên cuộc sống rất vất vả. Vì vậy, năm 1987, bà Hương phải ra TP.Vinh để làm thuê kiếm sống, trong đó công việc chính là làm giúp việc. Cũng vì vậy, đôi tay bà đã chai sạn do lao động nhiều năm, mái tóc bắt đầu điểm bạc. Sau hơn 30 năm phải xa xứ đi giúp việc, bà khát khao trở về quê nhà sống tại mảnh đất mà gia đình được cấp. Oái ăm thay, nhà ở quê thì không thể về được, bởi không còn cổng vào nữa.
“Nhà tôi là gia đình chính sách do có 4 anh đi bộ đội, trong đó 2 anh là liệt sĩ, còn 1 anh là thương binh. Vì vậy, sau khi mất thì mẹ tôi được truy phong là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1991, xã Đức Hòa cấp cho gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng một mảnh đất rộng 180m2”, bà Hương kể.
Tâm nguyện của Bà mẹ lúc còn sống là để mảnh đất này làm nơi thờ tự cho 2 anh tôi là liệt sĩ, vì vậy mọi người trong gia đình thống nhất giao nơi này cho bà Hươung trông coi. Sau đó, năm 2002, UBND huyện Đức Thọ chính thức cấp bìa đỏ mảnh đất này mang tên Trần Thị Hương.
“Cuộc sống khó khăn quá nên tôi buộc phải đi xuống TP.Vinh để làm thuê. Do mảnh đất không còn ai trông coi nên vào năm 2015, một người hàng xóm đã đập cổng của gia đình, xây ki-ốt chắn trước mặt. Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi về nhà vào UBND xã kêu cứu. Nhưng không hiểu sao mấy năm trôi qua, phía cơ quan chức năng vẫn không có một hành động gì”, bà Hương bức xúc nói.
Cách đi vào nhà duy nhất chính là leo xuống từ phía sau núi với độ cao khoảng 3m. Mấy năm nay, bà Hương đã về già, sức khỏe không còn như trước nên việc leo trèo gặp rất nhiều khó khăn. “Tôi năm nay 62 tuổi rồi, cũng muốn trở về quê hương nghỉ ngơi dưỡng già. Thế nhưng, ngôi nhà đã hoàn toàn mất lối đi nên không biết sống ở đó thế nào. Điều tôi phẫn nộ là dù đã gửi rất nhiều đơn tới các cấp chính quyền nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Hương nói.
Sai từ “đời trước” nên giờ không thể sửa?
Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã về tận nơi ngôi nhà của bà Trần Thị Hương tại thôn Thượng Lĩnh (xã Đức Hòa, nay là thôn Đông Xá, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ). Đúng như phản ánh, phía trước ngôi nhà bị chắn bởi một ki-ốt khá kiên cố, phía sau là vách núi dựng đứng, còn hai bên là nhà của hàng xóm. Ngôi nhà của bà Hương nằm lọt thỏm ở giữa không hề có cổng ra vào. Vì vậy, để vào được nhà của bà Hương thì chỉ có cách trèo tường từ gia đình bên cạnh hoặc leo xuống từ ngọn núi phía sau.
Khi thấy phóng viên, bà Trần Thị Tuyết (61 tuổi, hàng xóm phía sau nhà) cho biết: “Trước kia, nhà bà Hương cũng có một cổng ra vào đi thẳng ra Quốc lộ 8A. Ki-ốt phía trước đã có cách đây chục năm trước nhưng lúc đó còn tạm bợ và rất nhỏ. Không hiểu sao, 5 năm trước, chủ ki-ốt bất ngờ xây mới chắn hết cổng nhà bà Hương”.
Qua quan sát, ki-ốt này được xây dựng đã vi phạm hành lang an toàn giao thông khi nằm sát đường Quốc lộ 8A. Điều đáng nói, ki-ốt này luôn trong tình trạng khóa kín cổng. Theo người dân xung quanh, sau khi xây xong thì một thời gian sau, chủ ki-ốt cũng đi nơi khác sinh sống và rất ít khi trở về.
Về việc này, ông Lê Tiến Thắng – Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc - xác nhận, những nội dung phản ánh của thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là có cơ sở. Phía chính quyền địa phương đã nhận được đơn nhưng không thể giải quyết do vượt quá thẩm quyền. “Theo quy hoạch của xã năm 2001, đất của bà Hương thuộc dãy 2 nhưng trong giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất không hiển thị cổng ra vào. Phía sau đất nhà bà Hương có một con đường nên chắc là quy hoạch đi ở đó”, ông Thắng nói.
Thế nhưng trước câu hỏi tại sao quy hoạch cổng ra vào của người dân cao tới 3m so với đất thì vị Chủ tịch UBND xã đổ lỗi cho “đời trước”. Nói thêm về việc để cho chủ ki-ốt xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 8A, ông Thắng cho biết thời điểm đó mình chưa làm Chủ tịch xã. “Chúng tôi biết việc người dân yêu cầu có đường vào nhà là chính đáng nhưng không thể làm gì được. Không thể hạ con đường sau núi xuống ngang bằng thửa đất của bà Hương vì như vậy sẽ gây sạt lở. Còn việc cưỡng chế ki-ốt trước mặt thì xã không đủ thẩm quyền”, vị Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc giải thích.
Huyện yêu cầu giải quyết
Vào ngày 3/1/2020, ông Võ Công Hàm - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ - đã có văn bản gửi UBND xã Hòa Lạc, khẳng định mở đường đi đối với thửa đất của bà Trần Thị Hương là chính đáng và có cơ sở. Vì vậy, UBND huyện yêu cầu địa phương giải quyết đơn của công dân.