Nới lỏng giãn cách xã hội và nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Đức

Đức đã chính thức chuyển sang giai đoạn nới lỏng thứ hai khi đã đi qua giai đoạn đầu tiên của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một tuần với quá nhiều thay đổi, từ quan điểm cảnh báo nới lỏng quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội đến việc trở lại cuộc sống gần như ở trạng thái bình thường trên tất cả các lĩnh vực. Với một loạt quyết định được chính quyền liên bang và các bang thống nhất đưa ra ngày 6/5, Nhà nước liên bang Đức đã chính thức chuyển sang giai đoạn nới lỏng thứ hai khi đã đi qua giai đoạn đầu tiên của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich, Đức ngày 27/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich, Đức ngày 27/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhìn chung, những quy định còn được "giữ lại" để kiềm chế dịch là giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc (sẽ được duy trì cho đến ngày 5/6). Theo lời Thủ tướng Đức Angela Merkel, nước Đức đã đi qua giai đoạn đầu của dịch bệnh, song vẫn cần duy trì việc giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc, tránh để tỷ lệ lây nhiễm tăng lên. Trong khi tiếp tục duy trì khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 1,5 m, quyết định mới đã cho phép các thành viên của 2 hộ gia đình gặp nhau, thay vì quy định một người chỉ được gặp một người ngoài gia đình như trước.

Trong lĩnh vực giáo dục, kinh doanh nhà hàng và khách sạn, các bang được tự quyết kế hoạch nối lại hoạt động, trong khi mọi cửa hàng đều được mở cửa trở lại, không còn bị giới hạn ở diện tích tối đa 800 m2 như trước đây.

Giải bóng đá Bundesliga cũng sẽ được phép trở lại từ giữa tháng 5, song các trận đấu sẽ không có khán giả trên sân. Đây được coi là điều sống còn với nhiều CLB đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không có thu nhập trong suốt thời gian qua.

Một điểm đáng chú ý trong quyết định mới là việc các bang, thay vì chính phủ liên bang, có trách nhiệm phản ứng và hành động trong trường hợp số ca nhiễm mới ở địa phương đó tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ liên bang "đá quả bóng" về phía các bang, chấm dứt nỗ lực lâu nay của liên bang trong công tác điều phối biện pháp ứng phó toàn quốc với đại dịch, đặc biệt sau khi nhiều bang, bất chấp quy định và cảnh báo của chính quyền trung ương, vẫn chọn cách đi riêng.

Sự phân quyền trong nhà nước liên bang đã dẫn tới điều này và cũng là chủ đề gây tranh luận trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo quy định đã được thống nhất chung, nếu ở một huyện hoặc thành phố có trên 50 ca nhiễm mới/100.000 dân trong thời gian 7 ngày, thì địa phương đó sẽ phải áp dụng trở lại những biện pháp giãn cách xã hội ngặt nghèo trước đây.

Trước những thành công bước đầu về ngăn ngừa tỷ lệ lây nhiễm, nhiều bang đã hy vọng và thực tế là đã nới lỏng một cách thái quá những hạn chế về giãn cách xã hội. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai, thậm chí là thứ ba với mức độ nguy hiểm hơn nhiều, song ở một góc độ nào đó, nhiều bang đã không thể kìm hãm, chờ đợi thêm.

Một thực tế là do sự đa dạng vùng miền cũng như đặc thù kinh tế-xã hội của từng bang, nhất là khi các bang lại có thực quyền riêng ở một số chính sách, nên việc thực thi một chính sách liên bang trong một thời gian dài là tương đối khó. Chẳng hạn, các bang vùng Tây Nam nước Đức vốn là khu vực trọng điểm về kinh tế và công nghiệp không thể đóng cửa ngồi nhìn các công ty lần lượt lâm vào phá sản, hay các bang miền Bắc vốn nổi tiếng với tiềm năng du lịch cũng không thể mãi chứng kiến các nhà hàng, khách sạn và bãi biển vắng hoe không một bóng người. Trong khi đó, Đức đã kiểm soát khá thành công đại dịch cho đến nay, khi tỷ lệ nhiễm mới giảm, số ca tử vong thấp hơn so với nhiều nước khác và các bệnh viện không bị quá tải.

Một phần của thành công xuất phát chính từ người dân, khi họ ban đầu là thờ ơ và đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của dịch, nhưng khi tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh chóng, đã thấy lo sợ và dẫn tới có ý thức bảo vệ mình hơn. Tuy nhiên, khi tỷ lệ lây nhiễm giảm, kết hợp với việc các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, người dân trở nên hưng phấn với tinh thần "thoát" giãn cách xã hội cao hơn, bởi đại đa số người dân hoặc gia đình không bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nên dễ dàng có ấn tượng các biện pháp kiềm chế đã được "phóng đại" và nghĩ rằng đã đến lúc trở lại cuộc sống bình thường. Chính điều này làm tăng nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể xảy ra.

Thủ tướng Merkel đã nhiều lần cảnh báo điều này, song dường như không được các bang chú ý, bởi họ chỉ biết một thực tế đến nay là cuộc chiến chống làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở Đức đã thành công khi tỷ lệ nhiễm mới trong ngày chỉ trên dưới 1.000 người. Họ cũng không quan tâm tới một nghiên cứu gây chú ý mới đây về tỷ lệ lây nhiễm thực tế ở thành phố Heinsberg, trong đó cảnh báo số người lây nhiễm có thể cao hơn gấp 10 lần con số thực tế ghi nhận, điều có nghĩa số ca mắc COVID-19 ở Đức có thể lên tới 1,8 triệu ca ở thời điểm hiện nay.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền tây nước Đức ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền tây nước Đức ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu so sánh với 7 ngày trước, dường như các quyết định được đưa ra khá quyết đoán, chóng vánh và mang nhiều dấu ấn của các bang hơn. Ngày 30/4, chính quyền liên bang và các bang nhất trí cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội lần một và do đó, vẫn chưa thể quyết định liệu có thể nới lỏng hơn nữa hay không. Quyết định 1 tuần trước đã được thay thế bằng một quyết định khác, với quy mô nới lỏng rộng rãi và quan trọng là "trả lại" quyền quyết định cho các bang.

Theo các chuyên gia, quyết định nới lỏng mới này có thể là quá sớm, bởi nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai thì sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của con người, mà còn gây hậu quả thảm khốc hơn đối với nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo về những điểm tương đồng của đợt dịch lần này với dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Thực tế là hiện rất nhiều công ty đang phải nợ nần và gặp khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động, trong khi hơn 10 triệu người đang phải làm việc theo chế độ thời gian ngắn. Nếu làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát, việc phải đưa ra một quyết định "lockdown" mới có thể dẫn tới một làn sóng phá sản lớn và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Nền kinh tế Đức sẽ không thể phục hồi nhanh chóng từ một kịch bản như vậy.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính làn sóng lây nhiễm thứ hai, nếu xảy ra, có thể làm giảm sản lượng kinh tế ở các nước công nghiệp gần 10% vào cuối năm tới. Điều này tương đương với thất nghiệp hàng loạt và suy thoái kinh tế. Không ai có thể nói trước về nguy cơ của một kịch bản như vậy, song hầu hết các nhà dịch tễ học đều nhận định nguy cơ đó là có thật và sẽ rất nghiêm trọng. Điều quan trọng lúc này là giảm thiểu rủi ro, bởi chi phí cho một kịch bản như vậy không liên quan đến những lợi ích tiềm năng từ việc nới lỏng nhanh chóng các biện pháp giãn cách xã hội.

Giới chuyên gia cho rằng điều tốt hơn hết là cần "hết sức thận trọng" hơn là "dũng cảm" trong việc đưa ra các quyết định nới lỏng giãn cách xã hội. Nhưng dù sao quyết định cũng đã được đưa ra và chính quyền các bang giờ đây sẽ phải có trách nhiệm hơn với những quyết định tiếp theo.

Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại Đức)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/noi-long-gian-cach-xa-hoi-va-nguy-co-lan-song-lay-nhiem-thu-hai-tai-duc-20200507105321674.htm