'Nỗi lòng không biết tỏ cùng ai' của chủ nhà trọ

Giữa dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều chủ nhà trọ đã cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người thuê nhà trọ như giảm tiền thuê, hỗ trợ nhu yếu phẩm... nhưng phía sau họ lại có 'nỗi lòng không biết tỏ cùng ai'.

Hỗ trợ để “ai ở đâu ở đấy”

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, kéo dài, nhiều người dân sống ở TP. HCM và những tỉnh thành phía Nam đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người lao động tự do, công nhân… thuê nhà trọ phải chịu nhiều áp lực về chi phí tiền nhà, điện, nước, sinh hoạt…

Áp lực nặng nề hơn khi công việc phải tạm dừng do thực hiện giãn cách, công ty, nhà máy phải đóng cửa. Không có thu nhập và không biết lúc nào thì dịch bệnh mới chấm dứt, vì thế nhiều người dân ở vùng tâm dịch buộc phải rời nơi cư trú, trở về quê hương, gây thêm mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Miễn giảm tiền thuê nhà trọ, nhiều người cho thuê còn hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho lao động nghèo.

“Tôi thuê phòng trọ ở đây 3 triệu đồng/tháng. Vừa đủ để 2 vợ chồng và 1 con nhỏ ở. Lúc chưa có dịch, cả 2 vợ chồng đi làm còn có tiền. Nay thất nghiệp, nên 2 tháng chưa có tiền để đóng tiền phòng, đang khất nợ với chủ. Không biết tình trạng này kéo dài tới bao lâu, nếu kéo dài thêm cũng không biết lấy đâu ra tiền mà đóng”, anh Nguyễn Tiến Hùng (một công nhân ở KCN Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nói.

Trong những hành khách được chính quyền địa phương hỗ trợ về quê lánh dịch, anh Hoàng Văn Vinh (Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi làm công nhân ở Dĩ An, Bình Dương. Hàng tháng tôi thuê nhà trọ hết 2 triệu. Khi có dịch, chủ nhà giảm xuống còn 1,5 triệu. Tuy nhiên, thất nghiệp, đủ thứ tiền phải tiêu nên tháng vừa rồi tôi khất nợ chủ nhà trọ rồi đăng ký về quê. Lúc nào hết dịch, vào làm lại tôi sẽ trả tiền sau...".

Trước những khó khăn của người lao động, chính quyền một số địa phương đã ban hành văn bản kêu gọi, vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn miễn giảm tiền thuê nhà để “ai ở đâu ở đấy”. Đây cũng là mong muốn của người lao động sống trong vùng đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều chủ nhà trọ đã thực hiện giảm tiền, thậm chí là miễn tiền phòng cho người lao động nghèo, sinh viên khó khăn.

Mong Nhà nước cùng chia sẻ

Việc miễn giảm tiền nhà trọ cho người lao động cũng nhà tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Theo nhiều chủ nhà trọ, việc hỗ trợ 1-2 tháng thì có thể gắng gượng, nhưng thời gian kéo dài là điều rất khó thực hiện, cần có sự chung tay của Nhà nước.

Theo ước lượng của một chuyên gia kinh tế, thời gian để người lao động yên tâm “ai ở đâu ở đấy" thì việc miễn giảm tiền thuê nhà cùng một khoản hỗ trợ chi tiêu tối thiểu cho người dân tại các vùng dịch mất khoảng 6 tháng.

“Vợ chồng tôi tích góp cả đời mua được mảnh đất ở Thủ Đức, năm vừa qua vay ngân hàng 2 tỷ để xây 2 dãy nhà trọ. Cứ nghĩ lấy tiền cho thuê để trả lãi và làm thu nhập lo cho tuổi già; Vừa qua dịch bệnh, chính quyền có văn bản vận động miễn giảm, nên vợ chồng cũng thống nhất giảm một phần. Tuy nhiên, hiện có nhiều người thuê phòng khất nợ cả 2 tháng chưa trả, trong khi ngân hàng thì liên tục nhắn tin nhắc nợ. Họ tính lãi chậm tới 14%. Vợ chồng tôi hoang mang, không biết phải làm sao?”, bà Trần Thị Uyên (67 tuổi, Thủ Đức) nói.

Nhiều người vay tiền ngân hàng để xây nhà trọ. Ảnh: Thái Sơn

Ông Nguyễn Anh Dũng, một người có nhà trọ cho thuê ở quận 12, TP. HCM chia sẻ, hiện nay, đa phần chủ nhà trọ tự giảm 50% tiền nhà cho người thuê. Thấy hoàn cảnh của người lao động hiện tại, ông cũng muốn miễn tiền luôn cho họ, nhưng có bao nhiêu người hiểu được, hằng tháng ông phải trả lãi tiền vay mua đất, xây nhà cho bà con thuê để kiếm sống. "Sao không đề nghị ngân hàng miễn lãi, giãn nợ vay trong trường hợp này để tôi làm được điều tốt đẹp này cho người thuê?”, ông Dũng đặt vấn đề.

"Nếu mình không giảm hay không cho họ nợ tiền nhà thì người thuê phải ra đi. Lúc đó mình cũng căng, vì thời điểm này sẽ không có người đến thuê. Đúng là "tiến thoái lưỡng nan", anh Đinh Văn Toản ở Dĩ An (Bình Dương) cho biết.

Về việc miễn giảm tiền thuê nhà trọ cho người lao động, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc vận động phía chủ cho thuê nhà miễn hoặc giảm tiền thuê trọ, thì chính quyền cũng nên có chính sách hỗ trợ giảm lãi vay và giãn thời gian trả nợ ngân hàng cho các chủ nhà trọ.

Thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xét ở góc độ tương đồng, cả phía thuê nhà và chủ nhà đều là nạn nhân của dịch Covid-19 vì thế cả hai cần hỗ trợ kịp thời từ chính sách nhà nước.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/noi-long-khong-biet-to-cung-ai-cua-chu-nha-tro-post148906.html