Nỗi lòng một người mẹ đơn thân
Có thể những người dự khán phiên tòa hôm ấy, ai cũng cảm nhận rất rõ sự ân hận, đau đớn hiện trên gương mặt già nua, khắc khổ của bị cáo. Nhưng chắc rất khó để hiểu một cách cặn kẽ vì sao người đàn bà ấy lại ra tay sát hại con mình.
Đặng Quang Huy, thằng con trai mà cách đây 19 năm bà Nguyễn Thị Huế đã bất chấp “miệng lưỡi” thế gian để sinh ra nó. Rồi hôm nay tự tay bà sát hại con mình để gánh trên vai búa rìu dư luận.
Thời con gái, cõng trên lưng cái nghèo đói, ít học lại không được lanh lợi, tuổi thanh xuân của Huế trôi qua trong sự hẩm hiu. Cô chưa từng được biết đến một lời tỏ tình ngọt ngào, một ánh mắt đưa duyên, thậm chí một câu trêu ghẹo bâng quơ. Do số phận không may mắn trong chuyện tình duyên. Ở tuổi “quá lứa lỡ thì”, Huế quyết định làm mẹ đơn thân để thỏa nỗi khát khao làm mẹ, và cũng để có một nơi nương tựa tuổi già.
Trong những ngày tháng rong ruổi kiếm tìm hạnh phúc, Huế kịp “xin” cho mình một đứa con. May quá, đó lại là một đứa con trai. Ngày Huy chào đời là một ngày hạnh phúc nhất của Huế. Bất chấp cuộc sống khốn khó, Huế lặng lẽ góp nhặt từng miếng cơm, manh áo để nuôi con.
Ngày tháng trôi qua, hai mẹ con nương tựa nhau vượt qua bao nhiêu sự cơ cực, khắc nghiệt của cái nghèo nhưng đầy ắp niềm vui. Để có thêm tiền, ngoài làm công nhân quét rác, Huế còn nhận dọn vệ sinh cho người ta ngoài giờ. Đôi vai chị ngày một oằn xuống. Nhưng bù lại, Huy mỗi ngày một lớn lên, khỏe mạnh. Có điều, được mẹ nuông chiều từ bé, cu cậu càng lớn càng tỏ ra ương bướng, không biết nghe lời.
Nuôi con đã khó, dạy con càng khó, mà dạy những đứa trẻ ương bướng khó bảo như Huy càng khó gấp vạn lần. Bà mẹ như Huế suốt ngày lầm lũi ngoài đường kiếm miếng cơm, chỉ có tình yêu vô bờ bến dành cho con chứ kiến thức, kỹ năng về giáo dục trẻ thì lĩnh hội ở đâu mà biết. Thế là Huy tha hồ chơi bời lêu lổng, giao du với bạn xấu, suốt ngày khảo tiền mẹ đi chơi game. Dù nhà nghèo nhưng Huy vẫn đòi mẹ mua sắm cho mình hết thứ này đến thứ khác. Thương con, bà Huế phải đi vay mượn khắp nơi mua xe , điện thoại đắt tiền… cho nó. Thế mà nó có biết thương Huế đâu, đã không vâng lời còn sa sả cãi lại mẹ.
Phần lo lắng cho con, phần lo cho bản thân mình sức khỏe ngày một giảm sút, phần vì mong muốn con trai sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, phần gia cảnh khó khan… Huế xin cho Huy vào làm công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Tưởng có nghề nghiệp, có công việc, Huy sẽ thay đổi tâm tính. Không ngờ từ ngày đi làm, có đồng ra, đồng vào, cậu bắt đầu nhiễm lô đề, cờ bạc… Ban ngày đi làm thì thôi, đêm cậu cũng đi chơi bời thâu canh suốt sáng. Rất nhiều lần Huế ra sức khuyên can. Lời nặng khó nghe chị cũng đã thử, câu ngọt ngào ve vuốt chị cũng đã van nài nhưng vẫn không khiến Huy thay đổi tâm tính, tu chí làm ăn. Càng ngày hai mẹ con càng lâm vào tình trạng mâu thuẫn, căng thẳng không ai chịu ai.
Nhà chỉ có hai mẹ con lại là đứa con chị từng chắt chiu, nuôi nấng, cưng chiều, nay suốt ngày cứ cắng đắng nhau, hễ gặp mặt là xung đột, không khí trong nhà lúc nào cũng căng như một quả bóng bơm lố tay khiến tâm tư Huế nặng nề, đầu óc chị căng thẳng, thường xuyên sống trong tâm trạng lo âu, tức giận. Huế bế tắc, suy sụp hẳn. Nhưng dù gì, cũng chưa bao giờ chị có cái gan nghĩ đến một ngày chị ra tay cướp đi mạng sống của con mình. Vậy mà đau đớn, trái ngang thay, cái ngày ấy lại đến.
Đêm 11/4/2018, khoảng 22h30, Huy bảo mẹ đi vay hộ 2,5 triệu đồng để cậu ấy chuộc lại chiếc điện thoại đã cầm cố vì thua lô đề từ mấy hôm trước. Huế kiên quyết từ chối. Mấy tháng trước, Huy đòi mua xe tay ga cho bằng được. Nó dọa nếu Huế không mua, nó sẽ đi bán thận. Huế đành đi vay nặng lãi để mua xe cho nó. Ngày mai đến kỳ đóng lãi còn chưa biết đào đâu ra tiền, nay đi vay nữa biết vay ở đâu. Huy không nói gì, hậm hực bỏ đi. Huế sợ con lại đi thâu đêm, mai không còn đủ sức đi làm nên có ngăn cản nhưng Huy vẫn một mực không nghe. Huế bực tức, nằm lăn ra tấm phản gỗ giữa nhà, rồi thiếp đi.
Khoảng 5h sáng hôm sau, Huy mò về, mệt quá lăn kềnh ra phản gỗ nằm kế bên mẹ ngủ say sưa. Bất chợt tỉnh giấc, nhìn thấy Huy, cơn tức giận đêm qua mang theo vào giấc ngủ giờ có dịp bùng lên, Huế ngồi dậy, thu lu vào một góc phản, nhìn Huy ngẫm ngợi mông lung. Càng nghĩ chị càng tức. Để sinh nó ra và nuôi nó lớn lên bằng này chị đã phải vượt qua biết bao nhiêu lời đàm tiếu, dị nghị, biết bao nhiêu là cơ cực, đói khát, vậy mà nó suốt ngày hỗn láo, nặng lời với chị. Càng nghĩ, đầu óc Huế càng mụ mẫm, phần lo sợ con hư hỏng, a dua theo đám bạn xấu, phần vì bế tắc trước cuộc mưu sinh, phần nợ nần vì nó bủa vây tứ phía…
Bất giác, ma xui quỷ khiến thế nào, Huế nảy sinh ý nghĩ rồ dại. Chị nhảy độp xuống, vớ đoạn tuýp sắt ở gầm cầu thang, xông đến, nghiến răng, đập liên tiếp vào đầu đứa con trai đang ngủ…
Giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 4/2019, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội ra kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm xem xét tăng nặng mức hình phạt đối với Nguyễn Thị Huế. Kháng nghị cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, trong khi đó mức án 14 năm tù áp dụng là chưa tương xứng, thiếu tính răn đe.
Tuy nhiên , trong phần luận tội ở phiên phúc thẩm mở ngày 8/8/2019, Tòa án nhân dân Cấp cao Hà Nội đã chấp nhận việc Viện kiểm sát rút kháng nghị, cho rằng bị cáo Nguyễn Thị Huế (SN 1963, trú thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) đã thành khẩn khai báo, có gia cảnh éo le, đáng thương, cộng thêm gia đình bị cáo có công với cách mạng, bố là thương binh được tặng thưởng nhiều huân huy chương… tuyên y án sơ thẩm 14 năm tù.
Từ lúc được đưa vào phòng xử án, ngồi trước bục khai báo, Huế trông già nua, khắc khổ, ánh mắt đờ đẫn, buồn bã như người thất thần. Chừng nghe Tòa chấp nhận rút kháng nghị, xử y án sơ thẩm, chị rưng rức khóc không cầm được.
Cũng vì yêu chiều con quá mức nên con sinh hư. Sự bực tức dồn nén lâu ngày đến khi không kiềm chế được, bị cáo đã hành động mà không kịp suy nghĩ. Rồi đây sự ăn năn, đau khổ sẽ dày vò bị cáo không phải 14 năm trong lao lý mà có lẽ sẽ đến hết cuộc đời.