Nơi lưu giữ giá trị văn hóa

Làng Hạ thuộc xã Hợp Thịnh (Tam Dương) là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Hạ vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống với “Cây đa, bến nước, sân đình”...

Toàn cảnh đình Hội Thịnh, xã Hợp Thịnh

Toàn cảnh đình Hội Thịnh, xã Hợp Thịnh

Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, không gian đình Hội Thịnh đã được trang trí rực rỡ sắc màu của cờ hoa, thể hiện sự đầm ấm, đoàn kết của nhân dân trong làng, ngoài xã.

Theo nhiều bậc cao niên, cũng như những nhà nghiên cứu về lịch sử, mặc dù những biến đổi của thời cuộc đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, song, làng Hạ vẫn giữ được biểu tượng văn hóa lâu đời của làng quê Việt Nam: “Cây đa, bến nước, sân đình”. Biểu tượng đó càng tô đẹp thêm cho xã nông thôn mới đang tiến lên đô thị loại V.

Đình Hội Thịnh được gọi theo tên làng Hội Thịnh xưa - một làng lớn của tổng Hội Hạ, tiền thân của xã Hợp Thịnh ngày nay. Đình còn có tên khác là đình làng Hạ, được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Theo lịch sử, đình Hội Thịnh thờ 5 vị Thành Hoàng, trong đó có 3 vị thiên thần (Thủy thần, Thủy tộc, Thủy tề), đó là các vị thần nước, phù hộ cho nhân dân làm nông nghiệp; 2 vị thần là con của làng Hạ, đó là cụ Phùng Văn Minh (người đã có công lớn trong việc phò vua cứu chúa, làm quan tới chức Đô Thái giám - Tước Văn Thụy Hầu thời vua Lê, chúa Trịnh.

Sau khi mất, cụ được sắc phong là Văn quan bản cảnh Thành Hoàng, Thượng đẳng thần, được thờ ở đình làng Hội Thịnh) và cụ Phùng Văn Hán (là bố đẻ của cụ Phùng Văn Minh, có công lớn với vua Lê, chúa Trịnh nên được nhà Vua phong là Nho quan bản cảnh Thành Hoàng, Trung đẳng thần và được thờ ở đình làng Hội Thịnh).

Bao đời nay, đình Hội Thịnh luôn gắn bó với người dân, chứng kiến những đổi thay trong đời sống của nhân dân địa phương. Đình làng trang trọng và thiêng liêng, là đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã nhưng cũng là nơi tụ họp mọi người trong những buổi sinh hoạt chung.

Với người Hợp Thịnh, đình Hội Thịnh như một mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống. Theo thời gian, sau những lần được trùng tu, đình Hội Thịnh vẫn giữ nguyên vị trí trên nền đất cũ. Cây đa gần trăm tuổi vẫn ngày ngày tỏa bóng mát bên cạnh mái đình.

Năm 2011, đình Hội Thịnh được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, Ban quản lý đình Hội Thịnh lại phối hợp với Ban tổ chức vui Xuân của xã tổ chức nhiều hoạt động đón Xuân, mừng năm mới trong khuôn viên đình.

Theo đó, đêm 30 Tết, Ban quản lý đình tổ chức lễ đón Giao thừa mang ý nghĩa "Tống cựu - Nghinh tân", với nghi thức linh thiêng; đồng thời, đón nhận lễ vật của nhân dân dâng lên kính Thánh, cầu cho mọi sự bình an. Trong những ngày đầu năm mới, Ban quản lý đình tổ chức nhiều trò chơi truyền thống, tạo không khí vui Xuân lành mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau trong nhân dân để cùng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Theo phong tục cổ truyền, làng Hạ cần có nhiều con trai để lao động, sản xuất và đánh giặc giữ nước. Vì vậy, vào sáng mùng 3 Tết, tại đình làng sẽ tổ chức tế lễ “Tịch lệ cầu Đinh”. Cuối buổi lễ, theo nghi thức cổ truyền, Ban tổ chức sẽ tổ chức thi đấu vật dân tộc cho thanh, thiếu niên là nam giới, với ý nghĩa cầu cho dân làng sang năm mới sẽ sinh được nhiều con trai.

Đặc biệt, vào ngày 10 tháng Giêng, tại đình Hội Thịnh diễn ra Hội vật truyền thống, còn gọi là “Tịch lệ giao điệt", gồm 2 phần: Phần lễ, tổ chức theo nghi thức cổ truyền của địa phương.

Trong đó, chú ý nhất là mục “Khai mục Lục”, đó là bài văn tả cảnh, kết hợp với những thông báo để nhân dân biết các ngành nghề truyền thống, các sự tích văn hóa, tín ngưỡng của làng Hạ do Hội đồng kỳ mục của xã soạn thảo, để các hội, bao gồm hình thức vật thờ của các cụ cao niên, thể hiện các keo vật cơ bản. sau đó đến lượt nam thanh niên thể hiện sức mạnh của “ Đinh tráng” tập thể như tiết mục “múa Nghê”, “ Xếp chồng tang giếng”. Những ngày tiếp theo là thời gian tổ chức cho các đô vật trong và ngoài địa phương tranh tài…

Mỗi độ Xuân về, đình làng Hội Thịnh lại được chọn là nơi nhân dân trong xã và các đoàn nghệ thuật cùng nhau biểu diễn ca múa nhạc, chúc nhau Xuân mới bình an, chúc cho quốc thái, dân an...

Quang Huy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/73357/noi-luu-giu-gia-tri-van-hoa.html