Hà Nội: Những đền, chùa thu hút đông du khách đến vào ngày mùng 1, rằm

Vào ngày mùng 1 hoặc rằm, dịp lễ, Tết, nhiều người dân Hà Nội thường tìm đến các ngôi đền, chùa trên địa bàn để chiêm bái, cầu bình an, may mắn. Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu với độc giả 10 đền, chùa linh thiêng thu hút đông du khách đến vào ngày mùng 1, rằm.

Phủ Tây Hồ

Địa chỉ: 52 Đặng Thai Mai, Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Giờ mở cửa: 05:00 - 19:00 hàng ngày.

Phủ Tây Hồ là chốn linh thiêng còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô Hà Nội. Đây không chỉ là nơi người dân thường xuyên đến để cầu bình an, may mắn mà còn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội.

Khuôn viên của Phủ Tây Hồ. Ảnh: Internet

Khuôn viên của Phủ Tây Hồ. Ảnh: Internet

Phủ Tây Hồ thờ ai là câu hỏi khá nhiều người thắc mắc. Nơi đây thờ Mẫu Liễu Hạnh - người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”, một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. 4 vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm: Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh); Phù đổng Thiên Vương (Thánh Gióng); Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Thánh Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử). Công chúa Liễu Hạnh cũng là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam.

Phủ Tây Hồ - điểm đến linh thiêng nổi tiếng đất kinh kỳ Hà Nội. Ảnh: Internet

Phủ Tây Hồ - điểm đến linh thiêng nổi tiếng đất kinh kỳ Hà Nội. Ảnh: Internet

Truyền thuyết kể rằng, Mẫu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì làm vỡ ly ngọc quý mà bị đày xuống trần gian. Sau khi ngao du khắp nơi dưới hạ giới, bà bị thu hút bởi vẻ đẹp của hồ Tây nên quyết định dừng chân tại đây, giúp nhân dân diệt trừ ma quái, tiêu diệt tham quan, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân.

Ngày 3/3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Mẫu Liễu Hạnh. Vào thời gian này, người dân sẽ tổ chức lễ rước kiệu các Mẫu từ Phủ qua đường Yên Phụ, Cổ Ngư. Mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh, lịch sử to lớn, vào ngày 13/2/1996, Phủ Tây Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và khu vực hồ Hoàn Kiếm là điểm đến không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi tới Thủ đô Hà Nội. Nằm cạnh Tháp Bút, đây là nơi linh thiêng, khi xưa các sĩ tử Bắc Hà đến cầu xin việc học hành.

Cổng vào đền Ngọc Sơn. Ảnh: Internet

Cổng vào đền Ngọc Sơn. Ảnh: Internet

Đền Ngọc Sơn thuộc cụm di tích hồ Hoàn Kiếm, là ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thần chủ quản công danh Văn Xương Đế Quân.

Đền Ngọc Sơn thuộc cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Internet.

Đền Ngọc Sơn thuộc cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, đây cũng là nơi thờ Phật, ban Công Đồng,... Qua việc thờ cúng cùng với phong cách kiến trúc, hệ thống câu đối, hoành phi và cách bài trí của đền Ngọc Sơn đã thể hiện rõ nét quan niệm Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) của người dân Việt Nam khi xưa.

Đền Quán Thánh

Địa chỉ: Đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Giờ mở cửa: 08:00 - 17:00 hàng ngày.

Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình). Ảnh: Duy Khánh

Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình). Ảnh: Duy Khánh

Trấn Vũ Quán hay còn gọi là đền Quán Thánh vốn là trấn Bắc, thuộc hệ thống “Thăng Long tứ trấn” (4 ngôi đền gồm: Đền Bạch Mã trấn phía Đông, đền Voi Phục trấn phía Tây, đền Kim Liên trấn phía Nam, đền Quán Thánh trấn phía Bắc) của đất Kinh kỳ. Đền Quán Thánh nổi tiếng linh thiêng và là biểu tượng của văn hóa tâm linh người dân đất Kinh kỳ. Đền được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ và thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một trong 4 vị thần trấn giữ ngõ Thăng Long xưa.

Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần trấn giữ hướng Bắc theo quan niệm của Đạo giáo. Đền nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, ngay gần cạnh hồ Tây.

Đền Đồng Cổ

Địa chỉ: Đường Hoàng Hoa Thám, Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Ngôi đền này được xây dựng từ thời nhà Lý, là dấu tích còn sót lại của 1 trong 8 cảnh đẹp quanh hồ Tây được nhắc đến trong Thăng Long bát cảnh.

Đền Đồng Cổ ở Bưởi hiện còn quy mô kiến trúc không lớn, bao gồm: Tam quan, Đền chính, Hậu cung. Chính giữa Hậu cung là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị - áo mũ thần Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị, trong đó phải kể đến 12 đạo sắc phong qua các thời Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Đền được trùng tu lại năm 2009 - 2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đền Đồng Cổ ở Bưởi hiện còn quy mô kiến trúc không lớn. Ảnh: Internet

Đền Đồng Cổ ở Bưởi hiện còn quy mô kiến trúc không lớn. Ảnh: Internet

Đền Đồng Cổ bên hồ Tây có vị trí quan trọng, gắn liền với hội thề “Trung hiếu” độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Hiện nay, ở đất Thăng Long có 2 nơi thờ thần Đồng Cổ: Đền Đồng Cổ ở phường Bưởi và miếu Đồng Cổ ở thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.

Thực ra, đền chính ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Khi xưa Lý Thái Tông, khi còn là Thái tử, phụng mệnh vua cha là Lý Thái Tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu, cho quân tạm nghỉ. Đêm hôm đó, Thái tử mơ thấy một người báo mộng rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công”. Quả nhiên, hôm sau quân ta đại thắng trong trận Chiêm Thành.

Khi trở về, Thái tử cho người sửa sang lễ tạ thần, sau đó rước về Kinh đô để bảo vệ đất nước và Nhân dân. Khi Thái tử đang chưa biết nên lập đền chỗ nào, thì lại thấy thần báo mộng rằng: “Xin lập đền ở bên hữu trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời cho xây dựng, không bao lâu đền dựng xong. Đền Đồng Cổ là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đình phong kiến nước ta. Trong đền còn rất nhiều thần tích, sắc phong của đền.

Đền Kim Ngưu

Địa chỉ: Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đền Kim Ngưu là ngôi đền có lịch sử hàng trăm năm, là nơi thờ thần Kim Ngưu (trâu vàng). Tín ngưỡng thờ trâu vàng cũng là một trong những đặc trưng văn hóa của người Việt bởi theo quan niệm, đây là loài vật thiêng có thể kết nối với thần linh, trấn áp yêu ma và bảo vệ cuộc sống của người dân.

Đền Kim Ngưu. Ảnh: Internet.

Đền Kim Ngưu. Ảnh: Internet.

Có nhiều truyền thuyết lý giải cho sự hình thành đền Kim Ngưu gắn với hồ Tây. Trên tấm bia trong khuôn viên đền ghi lại rằng: Khoảng năm 1030, triều Lý có vị thiền sư họ Dương, pháp danh Không Lộ, giỏi nghề y, đã sang sứ nhà Tống chữa bệnh cho hoàng tộc. Sau khi người nhà của vua khỏi bệnh, vua đặc ân cho sứ thần An Nam chọn bất cứ sản vật gì. Thiền sư Không Lộ xin một ít đồng đen để đúc chuông làm kỷ niệm. Khi về nước, thiền sư cho đúc một quả chuông lớn. Khi thỉnh, tiếng chuông ngân vang sang tận nước Tống. Trâu vàng của vua Tống ngỡ tiếng mẹ gọi liền chạy thẳng sang nước Nam. Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long, không còn nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng bị mất phương hướng đã quần thảo khiến khu rừng lim sụt thành hồ nước mênh mông. Thiền sư bèn thả quả chuông đồng đen xuống hồ Kim Ngưu (hồ Tây ngày nay). Tại đây, người dân đã lập đền thờ thần Kim Ngưu.

Chùa Trấn Quốc

Địa chỉ: 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Nam của Hồ Tây, là một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long đời nhà Lê, nay thuộc quận Ba Đình (Hà Nội).

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Nam của Hồ Tây. Ảnh: Internet

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Nam của Hồ Tây. Ảnh: Internet

Nổi tiếng linh thiêng và là danh thắng kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Với tuổi đời lên đến 1.500 năm, đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và từng vinh dự lọt Top “10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới”.

Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông. Bên trong điện chùa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm. Chùa cũng có ban thờ Quan Bình, Quan Vũ, Chu Thương, Đức Ông và các thị giả.

Theo sử sách, các tài liệu ghi lại, Trấn Quốc tự được xây dựng năm 541 thời Tiền Lý và có tên gọi ban đầu là chùa Khai Quốc. Thuở ban đầu, chùa nằm tại bãi đất làng Yên Hòa là làng Yên Phụ ngày nay.

Đến năm 1440, vua Lê Thái Tông đã đổi tên chùa thành chùa An Quốc với mong muốn đất nước được bình an, lâu bền. Năm 1615, dưới triều vua Lê Kính Tông, chùa được dời sang khu vực đê Yên Phụ, xây dựng trên nền cũ là điện Hàn Nguyên của nhà Trần và cung Thúy Hoa của nhà Lý.

Năm 1639, chúa Trịnh đã cho xây dựng hành lang hai bên tả hữu và tu sửa lại cổng tam quan. Đến thời vua Lê Hy Tông, chùa được đổi tên một lần nữa thành chùa Trấn Quốc. Chùa được đúc chuông, đắp thêm tượng và tôn tạo lại vô cùng hoành tráng vào đầu đời nhà Nguyễn.

Năm 1821, vua Minh Mạng đã ngự giá tới tham quan chùa và ban 20 lạng bạc để mở rộng và trùng tu chùa. Tới năm 1842, vua Thiệu Trị ban 200 quan tiền và 1 đồng vàng lớn đồng thời cũng đổi tên chùa thành chùa Trấn Bắc. Nhưng dân chúng từ xưa vẫn quen gọi chùa với cái tên Trấn Quốc, nhờ vậy mà cái tên này vẫn được giữ mãi đến ngày nay.

Trải qua bao thăng trầm, chùa Trấn Quốc tiếp tục được đời sau bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo để xây dựng vẻ đẹp trang nghiêm cho ngôi chùa này.

Chùa Quán Sứ

Địa chỉ: Số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Chùa Quán Sứ là nơi thờ Bồ Tát, Phật và các vị quốc sư thời nhà Lý. Ảnh: Internet

Chùa Quán Sứ là nơi thờ Bồ Tát, Phật và các vị quốc sư thời nhà Lý. Ảnh: Internet

Chùa Quán Sứ nằm ngay giữa lòng Thủ đô, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 1km. Chùa Quán Sứ tọa lạc tại phố Quán Sứ không chỉ là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh mà đây còn trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chùa Quán Sứ là nơi thờ Bồ Tát, Phật và các vị quốc sư thời nhà Lý. Trong chùa có 2 gian, gian bên phải thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không với 2 thị giả. Gian bên trái thờ tượng Quan Bình, Châu Sương và tượng Đức Ông. Ở bên trong Chùa thờ 3 vị Tam Thế Phật trên bậc cao nhất. Bậc tiếp theo ở giữa là tượng Phật A-di-đà, 2 bên có tượng Đại Thế Chí và Quan Thế Âm. Bậc tiếp đến là tượng Phật Thích Ca ở giữa, 2 bên là Ca-diếp và A-nan-đà. Bậc cuối cùng là tòa Cửu Long đứng giữa Tượng Địa Tạng và Quan Âm.

Ngoài ra, gian Quan Âm của chùa Quán Sứ có trưng bày bức tượng sáp của Hòa thượng Thích Thanh Tứ với tạo hình và kích cỡ như người thật. Ông là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngày rằm, mùng 1, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn.

Theo lịch sử ghi lại, chùa Quán Sứ được xây dựng dưới thời vua Trần Dụ Tông vào thế kỷ XIV. Sứ thần từ các nước phía Nam sang Thăng Long triều cống đều sùng đạo Phật. Triều đình đã cho xây dựng một ngôi chùa đặt tên là Quán Sứ cùng một tòa nhà để tiếp các sứ thần. Đây là nơi họ có thể hành lễ trong thời gian lưu trú tại đây. Nề nếp ấy vẫn được giữ gìn đến thời Lê Trung Hưng.

Theo ghi lại của tiến sĩ Lê Duy Trung, thời vua Gia Long, khi triều Nguyễn vào Phú Xuân lập Kinh đô mới và Thăng Long trở thành Bắc Thành, chùa Quán Sứ lúc này trở thành nơi hành lễ của quân nhân đồn Hậu Quân. Sau khi quân nhân rút khỏi đồn, chùa mới được trả lại cho dân làng. Sau đó, trụ trì mới của chùa đã cho xây dựng và tôn tạo thêm các khu đúc chuông, tô tượng…

Năm 1934, chùa Quán Sứ trở thành trụ sở trung tâm Bắc kỳ Phật giáo Hội, là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay. Năm 1942, theo bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Xuân Tùng và Nguyễn Ngọc Ngoạn, Hòa thượng Tổ Vĩnh Nghiêm đã xét duyệt và trùng tu lại chùa như hiện nay.

Chùa Quán Sứ được chọn là địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cả thế giới. Chùa đã trở thành một trong những ngôi cổ tự đẹp đẽ và linh thiêng bậc nhất Hà thành, thu hút đông đảo du khách và Phật tử từ khắp mọi nơi đến thắp hương, tham quan, vãn cảnh chùa.

Chùa Kim Liên

Địa chỉ: Thôn Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Giờ mở cửa: 08:00 - 17:00 hàng ngày.

Nằm bên hồ Tây thơ mộng, chùa Kim Liên Hà Nội là một trong 10 di tích kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất Việt Nam. Chùa có lịch sử hơn nửa thiên niên kỷ từ thời Lý, Trần cho đến nay. Nét cổ kính, uy nghiêm của chùa được bảo tồn qua nhiều thế hệ và trở thành minh chứng cho lịch sử lâu đời của vùng đất này.

Chùa Kim Liên như một bông sen vàng rực rỡ, tỏa sáng giữa lòng Thủ đô. Ảnh: Internet

Chùa Kim Liên như một bông sen vàng rực rỡ, tỏa sáng giữa lòng Thủ đô. Ảnh: Internet

Mỗi khi mùa lễ hội đến, chùa Kim Liên đón tiếp hàng vạn du khách, phật tử đến cúng bái, cầu nguyện, chiêm nghiệm, tưởng nhớ công ơn của các vị bậc trưởng lão. Chùa Kim Liên như một bông sen vàng rực rỡ, tỏa sáng giữa lòng Thủ đô.

Chùa Kim Liên nằm phía Đông Bắc hồ Tây, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa có kiến trúc mang dáng vẻ cung đình.

Toàn bộ cổng chùa được làm bằng gỗ, khá đồ sộ và chạm khắc công phu. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn… Đây là lối kiến trúc có từ thế kỷ XVII trở về trước và chỉ phổ biến ở Đàng Trong.

Chùa Kim Liên là nơi ghi dấu công đức của chúa Trịnh và công chúa Từ Hoa. Công chúa đã dạy dân làm tơ tằm, dệt vải từ lúc còn ở Cung Quan Ngư và trại Tằm Tang. Chùa có tượng thờ công chúa và chúa Trịnh cùng những pho tượng phật.

Nơi đây còn có tấm bia đá cổ xưa nhất Hà thành kể về công lao của chúa Trịnh. Tấm bia được chạm khắc đẹp mắt. Đã tới đây tham quan, bạn đừng quên đi dạo để ngắm nhìn tấm bia này và tìm hiểu thêm về các câu chuyện lịch sử xoay quanh công chúa Từ Hòa và chúa Trịnh.

Chùa Hà

Địa chỉ: Phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Giờ mở cửa: 8:00 - 18:00 hàng ngày.

Nổi tiếng là ngôi chùa cầu duyên, trong ngày đầu năm chùa Hà càng thu hút nhiều du khách. Do vậy nếu ở các ngôi chùa khác người đến thắp hương đông nhất là các cụ cao niên và trung niên thì ở chùa Hà, đông nhất lại là các bạn trẻ.

Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà hợp thành cụm di tích Đình - chùa Hà. Ngôi chùa này thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian, tới nay chùa Hà vẫn giữ được nét đẹp vốn có.

Theo tích xưa, chùa Hà do 1 gia đình làm gốm sứ giàu có quê ở Bối Khê công đức, xây dựng nên. Bên phải ngôi chùa là ngôi đình Hà thờ 2 vị Thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý - các tướng của Triệu Việt Vương. Qua bao năm tháng, ngôi chùa Hà đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa với tầm vóc to đẹp, khang trang như ngày nay.

Chùa Phúc Khánh

Địa chỉ: 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.

Chùa Phúc Khánh hay còn có tên gọi khác là chùa Sở, chùa Thịnh Quang. Nơi đây từ lâu đã là một địa chỉ tâm linh quen thuộc và nức tiếng linh thiêng đối với người dân Hà Nội. Hàng ngày, nhất là ngày mùng 1 và rằm, dịp Tết cổ truyền, rất đông người đã tới đây cầu may, hái lộc và xin quẻ cho một năm mới của bản thân và gia đình.

Tương truyền rằng, chùa Phúc Khánh được xây dựng dưới thời nhà Trần. Đến thời Hậu Lê, chùa là nơi tu tập, đào tạo các tăng tài của Phật giáo. Sau đó, do gặp hỏa hoạn, chùa đã bị hư hỏng hoàn toàn. Cũng có tài liệu cho rằng, chùa Phúc Khánh nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Gò Đống Đa năm 1789 nên đã bị đổ nát. Sau đó, hòa thượng Chiếu Liên và đô đốc Trần Văn Lễ triều Tây Sơn đã cùng nhau xây dựng lại chùa. Ông còn cho người tạc lên 2 pho tượng quả đại hồng chung và pho tượng Cửu Long để cúng chùa.

Các Phật tử đã cùng nhau đóng góp cả sức lực lẫn vật chất để xây dựng lại chùa Phúc Khánh vào thế kỷ XX. Từ năm 1853 đến năm 1998, chùa được cải tạo, trùng tu rất nhiều lần để khang trang hơn. Đặc biệt vào năm 1940, Hòa thượng Thích Trung Thứ đã cho xây dựng, kiến thiết lại chùa để trở thành nơi đào tạo tăng tài, điểm an cư kiết hạ mỗi năm của các vị chư tăng. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Phúc Khánh đã bị tàn phá nặng nề. Vào năm 1950, dân làng đã cùng nhau xây dựng lại chùa Phúc Khánh như ngày nay.

Như Hương (tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-10-den-phu-thu-hut-dong-du-khach-den-vao-ngay-mung-1-ram.html