Nơi lưu giữ hàng nghìn chiếc cối đá, xác lập kỷ lục Việt Nam 'Tháp Thần nông - tạo hình hạt lúa'

Trong các ngày từ 11 - 13/10/2024, tại Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô – Khu công nghiệp Lâm Bình, Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh tổ chức Liên hoan Bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh.

Trung tướng Trần Bá Thiều, Chủ tịch Hội Đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội cùng Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng và các đại diện Thường trực Hội tặng hoa chúc mừng Lễ hội do doanh nhân Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô, đơn vị chỉ trì tổ chức Lễ hội từ ngày 11 - 13/10/2024.

Trung tướng Trần Bá Thiều, Chủ tịch Hội Đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội cùng Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng và các đại diện Thường trực Hội tặng hoa chúc mừng Lễ hội do doanh nhân Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô, đơn vị chỉ trì tổ chức Lễ hội từ ngày 11 - 13/10/2024.

Liên hoan Bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh năm 2024 là hoạt động quảng bá, giới thiệu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực và du lịch Bắc Ninh nói chung và huyện Lương Tài nói riêng; phát huy giá trị văn hóa thông qua hình thức trình diễn, giới thiệu các món ẩm thực, các loại bánh dân gian Nam Bộ - Hà Nội và các vùng, miền; các sản phẩm nông sản, chủ thể OCOP Lương Tài, đặc sản, ẩm thực “Quà quê Quan họ” như: Bánh tẻ Chờ, bánh khúc Diềm, bánh giò Đáp Cầu, bánh ngũ sắc Thị Cầu, bánh phu thê Đình Bảng, kẹo lạc Trang Liệt, bánh cuốn Mão Điền…

Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mang thông điệp tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam tài hoa, những người gìn giữ và phát huy truyền thống làm bánh của dân tộc.

Quy tụ nghệ nhân 3 miền trình diễn quy trình làm các loại bánh dân gian

Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Bánh dân gian 3 miền, nhiều hoạt động nổi bật, sôi động đã thu hút đông đảo khách thập phương tận mắt chiêm ngưỡng quy trình làm các loại bánh dân gian 3 miền bởi các nghệ nhân nổi tiếng.

Ông Trần Văn Toản, chủ nhân công trình Tháp Thần Nông đón nhận chứng nhận Kỷ lục thế giới từ WorldKings.

Ông Trần Văn Toản, chủ nhân công trình Tháp Thần Nông đón nhận chứng nhận Kỷ lục thế giới từ WorldKings.

Đến với Liên hoan Bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh, du khách còn được thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đa dạng và phong phú như: Trình diễn Di sản dân ca Quan họ, múa rối nước Đồng Ngư… do các nghệ sỹ và nghệ nhân đến từ các câu lạc bộ trong tỉnh Bắc Ninh trình diễn. Đặc biệt, vào các buổi tối sẽ có màn bắn pháo hoa nghệ thuật vô cùng đặc sắc.

“Tháp Thần Nông - tạo hình hạt lúa” xác lập kỷ lục Việt Nam

Đặc biệt, trong ngày 13/10/2024 đã diễn ra chương trình công bố Tháp Thần Nông là tòa bảo tháp làm từ cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất thế giới do World Kings tổ chức và công bố. Trước đó, ngày 20/5/2023, Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Kỷ lục Việt Nam cho mô hình độc đáo mang tên “Tháp Thần Nông - Tháp cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất Việt Nam”. Tháp được gắn hệ thống âm thành và màu sắc để giúp biến đổi màu sắc sống động theo quá trình từ khi hạt lúa xanh đến khi hạt lúa chín vàng.

Lễ hội Liên hoan Bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh.

Lễ hội Liên hoan Bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh.

Bảo tháp Thần nông được đặt trong hệ thống vườn cối đá sinh thái nằm trong khuôn viên Khu sinh thái Đông Đô Village với diện tích 20.000m2. Từ ý tưởng thiết kế độc đáo theo hình hạt lúa, dựng theo chiều thẳng đứng, bảo tháp Thần Nông đã xác lập kỷ lục Việt Nam và châu Á.

Tháp Thần Nông với chiều cao 15m, chia thành 5 tầng được ghép bởi 1.012 chiếc cối đá xếp vòng ngoài, bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố. Tháp được tạo hình hạt thóc dựng thẳng đứng, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm.

Trải qua hàng nghìn năm, nền văn minh lúa nước đã góp phần quan trọng hình thành cộng đồng làng xã, với những con người chân chất, thông minh, sáng tạo ở mọi làng quê Việt Nam. Và theo đó, chiếc cối cũng tồn tại hàng nghìn năm.

Người dân từ ngày đó đã đục đẽo chúng, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từ những tảng đá xanh to, nặng có khi lên đến vài tạ. Từ xưa tới nay thường có hai loại cối: Cối xay và cối giã. Cả hai loại đều có công dụng riêng trong việc chế biến lương thực. Chiếc cối gắn liền với nhiều sinh hoạt quan trọng như: Xay gạo, xay ngô, giã thóc.

Khu sinh thái Đông Đô Village được xây dựng với các dịch vụ đa năng cùng các khu vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn và trải nghiệm. Trong đó, điểm nhấn là hệ thống vườn cối đá sinh thái với hơn 3.000 hiện vật liên quan đến cối đá, trục đá cũ do ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô dành nhiều thời gian, công sức sưu tập.

Theo ông Trần Văn Toản, việc xây dựng tháp bằng cối đá là thách thức rất lớn trong quá trình thi công. Đơn vị thi công phải lựa chọn những cối đá có kích thước tương tự nhau và vận chuyển lên cao. Với sự trợ giúp của kiến trúc sư Nguyễn Sánh, một nghệ nhân nổi tiếng trong việc khảo cứu, phục dựng các không gian văn hóa xưa cũ, ý tưởng xếp những chiếc cối đá nặng nề thành Tháp Thần Nông - vị thần của nền nông nghiệp lúa nước đã thành hiện thực.

“Việc sưu tập cối đá nhằm lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê, của nền văn hóa nông nghiệp, lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử của miền quê Bắc bộ, giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm, biết đến những vật dụng gắn với đời sống của thế hệ trước”, ông Toản chia sẻ.

Bên trong Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, thiết kế với hình hạt thóc được dựng theo chiều thẳng đứng. Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc/gạo… được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.

Bên trong Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, thiết kế với hình hạt thóc được dựng theo chiều thẳng đứng. Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc/gạo… được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.

Có thể nói, Liên hoan Bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh năm 2024 là hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện Lương Tài nói riêng, từ đó kích cầu du lịch, thu hút và tăng nguồn khách du lịch đến với toàn tỉnh Bắc Ninh.

Cùng với sự kiện Tháp Thần Nông - Tháp cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất xác lập kỷ lục Việt Nam góp phần hướng tới mục tiêu kết nối du lịch, quảng bá, giới thiệu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực và du lịch Bắc Ninh nói chung và Khu du lịch sinh thái Đông Đô Village có địa chỉ tại Khu công nghiệp Lâm Bình, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài nói riêng.

Trung Văn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/noi-luu-giu-hang-nghin-chiec-coi-da-xac-lap-ky-luc-viet-nam-thap-than-nong-tao-hinh-hat-lua-386087.html