Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, thiêng liêng về Bác
Những hiện vật, bức ảnh tư liệu về Bác Hồ được lưu giữ tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc đời của Người. Những kỷ vật đó là món quà vô giá đối với mọi thế hệ khi trở về thăm quê Bác.
Món quà ý nghĩa dịp sinh nhật Bác
Những ngày tháng Năm này hàng triệu lượt người con Việt Nam, Kiều bào yêu nước về với Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) thăm quê hương Bác Hồ. Đây là chuyến hành hương đặc biệt về thăm quê Bác nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023). Mỗi du khách đến từ một miền quê, một cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đều có niềm tâm tưởng chung là thành kính, tri ân người anh hùng vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tròn 133 năm kể từ ngày Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời, ngôi nhà nhỏ đơn sơ mái tranh vách liếp ở Làng Hoàng Trù vẫn còn nguyên vẹn. Hàng cau trước nhà vẫn vươn đài trong nắng hè gió lộng. Mảnh sân nhỏ, bờ rào dâm bụt, khóm tre xanh vẫn như lúc Bác sinh thời. Tất cả ký ức tuổi thơ và cuộc hành trình khát vọng của Bác vẫn sinh động và sống mãi ùa về trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt khi nghe lại những câu chuyện kể.
Lần đầu tiên thăm quê Bác, chị Hoàng Thị Phượng (33 tuổi) ở Thanh Hóa không kìm nén được xúc động khi nghe thuyết minh viên kể về tuổi thiếu thời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. “Khi tôi lớn lên Bác đã đi xa. Chúng tôi chỉ biết Bác qua những trang sách và phim ảnh. Hôm nay được đến đây thăm nơi Bác đã sinh ra, xem những kỷ vật quý giá tôi càng biết ơn Người và tự hứa với lòng mình phải cố gắng hơn để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh như Bác hằng mong muốn”, chị chia sẻ.
Du khách đến đây ngoài được nghe những câu chuyện về tuổi thơ Bác còn được chiêm ngưỡng những kỷ vật gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỷ vật rất đỗi thân quen như chiếc võng, phản ghế hay chiếc rương gỗ… nói lên cuộc đời Bác giản đơn, dung dị nhưng lại làm nên những điều kỳ vĩ. Mới đây, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên đã sưu tầm được hàng chục bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong đó có những bức thư Bác Hồ gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An; bức chân dung và lời nhắn gửi cho Trường THCS Kim Liên; lá thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ thành phố Vinh; thư Bác Hồ gửi các cụ phụ lão. Đặc biệt, những lá thư mà học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh gửi chúc mừng Bác vào những năm 1960 chứa đựng tình cảm kính yêu, đối với vị cha già của dân tộc. Những bức thư này đã được Khu di tích kịp giới thiệu, trưng bày nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là món quà vô giá đối với nhiều du khách khi đến thăm quan.
Một trong nhiều bức thư học sinh gửi cho Bác là bức thư của em học sinh lớp 2 với dòng chữ nắn nót: “Thưa Bác, cháu là Phan Thị Hương, học sinh lớp 2A ở Minh Lam, xã Thanh Minh. Trước hết cháu cầm bút viết một vài dòng chữ hỏi thăm sức khỏe của Bác. Cháu và các bạn cháu học rất chăm. Cháu rất yêu Bác, cháu hứa với Bác sẽ học rất chăm chỉ…”.
Bên cạnh đó còn nhiều lá thư khác, thể hiện nỗi nhớ mong, ước được Bác đến thăm trường và lời hứa của các em học sinh “sẽ học tập chăm chỉ, trau dồi hạnh kiểm để xứng đáng là học trò ngoan của Bác”.
Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên gắn với gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1901-1906. Từ năm 1956, Đảng, Chính phủ đã có chủ trương khôi phục Di tích làng Sen và Di tích làng Hoàng Trù để đáp ứng tình cảm, nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Năm 1964, Nhà trưng bày Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng. Đến năm 1970, một năm sau khi Bác Hồ ra đi, nơi đây có thêm Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên chính thức được thành lập. Đây cũng là di tích lưu niệm đầu tiên trong Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được phục hồi, phát huy tác dụng. Cùng với quần thể di tích, nơi đây đang lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị.
Một trong những hiện vật gốc quý giá là chiếc rương gỗ được xem là của hồi môn của Bà Hoàng Thị Loan được bố mẹ tặng lúc lấy chồng ra ở riêng. Thửa nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã men theo chiếc rương gỗ này để chập chững tập đi, bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Năm 1895, khi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Huế, Bà đã cho em gái của mình là Hoàng Thị An chiếc rương và sau đó nhiều lần đổi chủ.
Ngày 9/12/1961, sau hơn nửa thế kỷ cách xa ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp trở về thăm quê. Người vô cùng xúc động khi nhận ra chiếc rương gỗ, kỷ vật thiêng liêng của gia đình, đôi bàn tay của Bác run run lần theo mép rương. Nén xúc động quay ra Người bảo: “Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn”.
Tại Khu di tích, hiện vật chiếc xe ô tô Gát 69 chở Bác Hồ về thăm quê hương năm 1961, cũng được nhiều người chú ý. Ban đầu, chiếc xe do Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An quản lý rồi chuyển qua nhiều nơi quản lý và sử dụng. Gần 20 năm sau, nhân kỷ niệm 40 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, chiếc xe mới được tặng lại cho Ban quản lý Khu Di tích Kim Liên để bảo quản, phục vụ nhu cầu tìm hiểu về Bác Hồ của du khách thập phương.
Để phát huy giá trị của di tích, trong hơn 60 năm qua, Khu di tích Kim Liên luôn làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ các cụm di tích gốc. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, nắng lắm, mưa nhiều, công tác đảm bảo an toàn di tích, tài liệu hiện vật lại càng được quan tâm, chú trọng: mùa mưa bão phải tập trung chằng chống di tích, di chuyển hiện vật, mùa nắng nóng phải đảm bảo an toàn cháy nổ.... với mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, nguyên vẹn di tích và hiện vật.
Ông Lâm Đình Hùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Khu di tích Kim Liên cho biết, hiện Khu di tích đang bảo quản 290 hiện vật với 100 đơn vị hiện vật gốc, hiện vật đồng thời đồng loại. Ngoài ra, lưu trữ ở kho hiện vật 42 đầu loại với gần 4.000 đơn vị hiện vật cùng hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước, các địa phương tặng cho Khu di tích. Phần lớn hiện vật đã được số hóa, nhờ đó góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là thời gian Người sinh sống tại quê hương và 2 lần Bác Hồ về thăm quê.
Lưu giữ những kỷ vật về Người cũng là lưu giữ một miền nhớ, miền thương để khi về với “Quê chung,” mỗi người con đất Việt thấy gắn bó, yêu thương hơn với mảnh đất này và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp Người để lại cho thế hệ mai sau.